Tác phẩm gồm 21 bài tiểu luận, nghiên cứu do 21 tác giả thực hiện, tập trung vào hành trình thơ của Văn Cao, phát hành dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ. Sinh thời, ông viết gần 60 bài, nói về cuộc đời, con người xung quanh, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Dù sáng tác không nhiều, ông đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của thơ ca Việt Nam.
Loạt bài phân tích, nghiên cứu của các tác giả là nhiều góc nhìn khác nhau. Tiến sĩ văn học Phạm Xuân Thạch khái quát tài năng Văn Cao trong Người tiên tri của cách mạng. Tác giả Nguyễn Hoài Nam đi sâu vào quá trình viết thơ của nhạc sĩ với Văn Cao, một tiếng thơ vang vang cả lòng cả đáy. Một số tác giả khai thác từng giai đoạn sáng tác hoặc phân tích tác phẩm tiêu biểu của Văn Cao, hay kể lại kỷ niệm khi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với ông.
Văn Cao viết thơ từ trước năm 1945, ghi lại nỗi niềm riêng như Li khách, Linh cầm tiến, Ai về Kinh Bắc. Trong đó có hai tác phẩm được ông phổ nhạc là Bài thơ bên suối (ca khúc Suối mơ) và Thu cô liêu.
Trong tham luận Thơ "chấn thương" của Văn Cao, Phó Giáo sư Ngô Văn Giá nhận định các sáng tác của ông năm 1939-1942 ghi lại những "tâm tình cá nhân buồn nhớ vẩn vơ xa vắng", như phiên bản không mấy thành công của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ. "Thơ của Văn cao giai đoạn đầu này đã bị Thơ mới bỏ lại phía sau", ông Ngô Văn Giá viết.
Giai đoạn đất nước chịu nhiều biến động như nạn đói, cuộc kháng chiến chống Pháp ở thủ đô, ngòi bút của Văn Cao có sự chuyển đổi. Ông ghi lại nỗi đau của người dân trong cảnh đói nghèo với Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, hay khắc họa hình ảnh Hà Nội oằn mình chống chọi quân thù trong Ngoại ô mùa đông 46.
Văn Cao góp phần định hình thể loại trường ca, tiếp nối những phác thảo bước đầu của Xuân Diệu trong Ngọn Quốc kỳ và Ngày hội non sông (1945). Năm 1956, ông viết Những người trên cửa biển, được xem là một trong số trường ca đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại. Nghiên cứu của ông Ngô Văn Giá cho biết đây là tác phẩm gần như cuối cùng của Văn Cao mang tinh thần sử thi.
Cuối năm 1956, sự việc Nhân văn - Giai phẩm khiến ông sống khép mình, gần như đứng ngoài mọi sinh hoạt văn nghệ, theo tham luận Văn Cao, một đường thơ của nhà phê bình Phùng Gia Thế. "Thơ ông thời kỳ này như hạt mầm nảy ra từ cay đắng, và theo lẽ thường, sẽ là những hạt mầm quý giá và thành thực nhất", Phùng Gia Thế nhận định.
Thơ Văn Cao chủ yếu là thể tự do, hiện đại trong cấu tứ, hình ảnh, từ ngữ. Sau năm 1975, ông hướng đến sự cô đọng và tối giản trong ngôn ngữ, gợi nhiều suy tưởng triết học.
Tại hội thảo ra mắt sách, nhà báo Trần Nhật Minh - trưởng ban VOV6 - nói muốn lựa chọn góc độ thơ ca, lĩnh vực ít được biết đến hơn của Văn Cao cho cuốn sách. Từ đó giúp công chúng có cái nhìn trọn vẹn về thơ ông và quá trình Văn Cao viết những tác phẩm này suốt chiều dài lịch sử đất nước.
Họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ - xúc động khi chứng kiến tình cảm, đóng góp của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật cho sách Văn Cao mùa chữ, mùa người. Ông nói: "Về mặt nghệ thuật, tư tưởng, các bài thơ của Văn Cao đã lan tỏa với dân tộc. Tài năng, phong cách sống của ông được mọi người đánh giá công tâm".
Ngoài những bài tiểu luận, nghiên cứu, cuốn sách còn có phụ bản thơ về Văn Cao của các tác giả Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Hồng Thanh Quang, Đỗ Bạch Mai, Trần Mai Hưởng. Phía cuối tác phẩm giới thiệu một số bìa và minh họa sách, tiểu thuyết mà ông từng thực hiện.
Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 ở Hải Phòng, mất ngày 10/7/1995. Ông được xem là bậc kỳ tài của lĩnh vực văn hóa văn nghệ, có thể sáng tác nhạc, viết thơ, vẽ tranh. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Phương Linh