Quyển sách được dịch và giới thiệu bạn đọc trong nước vào đầu tháng 7. Tác giả phân tình yêu thành năm loại: Tình yêu với Thượng đế, Tình yêu đồng loại, Tình mẫu tử - phụ tử, Tình yêu nhục cảm và lòng tự yêu mình. Dù ở hình thức nào, tình yêu bắt nguồn từ cá nhân và hướng tới sự hợp nhất. Vì thế, sách gợi các bước để yêu: Yêu bản thân trước rồi hòa hợp tâm hồn để hướng đến tình yêu chung. Ông viết: "Tình yêu không tự nhiên mà có, nó đòi hỏi tính kỷ luật, sự tận tâm, niềm tin và vượt qua lối sống vị kỷ (vì bản thân). Không đơn thuần là duy trì xúc cảm, yêu là hoạt động cần luyện tập".
Theo Fromm, để vượt qua tính vị kỷ, mỗi người cần đứng ở vị thế của người mình yêu để hiểu họ nghĩ, khao khát gì. Điều này không có nghĩa không có mâu thuẫn giữa người yêu nhau. Khi yêu cũng có lúc vui, lúc buồn, lúc bực tức nhưng quan trọng là biết lắng nghe và tìm cách hòa hợp.
Nhiều người quan niệm để yêu cần thay đổi bề ngoài, như: Người nam tập trung sự nghiệp, tiền tài còn phụ nữ trau chuốt, ăn diện. Tác giả gọi đây là phát triển độ nhận diện và tăng sức quyến rũ của các ứng viên tìm tình yêu. Ông không quan tâm đối tượng yêu là ai, mà truy vấn bản chất tình yêu là gì. Người ta chỉ có thể yêu khi sống hết mình vì tình yêu, trau dồi tâm hồn để sẵn sàng đón một thế giới mới với những điều tốt đẹp lẫn khác biệt.
Người học yêu phải hiểu suy nghĩ của mình, xác định động cơ yêu, như sách trình bày: "Yêu là kinh nghiệm cá nhân, để ta tự cảm nhận". Vì thế, độc giả cần hiểu lý do mình yêu không phải vì nỗi sợ cô đơn, hay lợi ích cá nhân. Tác giả dẫn chứng: đàn ông lập gia đình vì vợ mang lại cảm giác ấm áp như mẹ, còn phụ nữ đôi khi mê say cảm giác được chiều chuộng. Theo Frommonline, tác giả từng viết thư cho Annis Freeman - vợ ông: "Tình yêu thuần túy không vụ lợi, không tính toán đến việc nhận lại thật hiếm có. Tôi yêu em nhiều đến mức đau đớn nhưng cơn đau ấy thật đẹp và ngọt ngào". Yêu là một nghệ thuật với sự tinh tế trong hai tâm hồn giao cảm. Con người tận tâm học yêu như học nghệ thuật vẽ tranh, đánh đàn, may ra còn hiểu được chút chân lý của tình yêu.
Ông gợi ý con người cần xây dựng niềm tin vững chắc vào bản thân để không lệ thuộc cảm xúc của người khác. Người đủ mạnh mẽ về tinh thần sẽ dám tin tưởng trao đi yêu thương, tìm một tình yêu đẹp, chân thành. Nhà tâm thần học người Mỹ - Peter D. Kramer - nói: "Nhờ cuốn sách Nghệ thuật yêu, chúng ta đã có sự thay đổi sâu sắc về nhận thức, sự hy vọng, lạc quan và niềm an ủi".
Erich Fromm (1900-1980), nổi tiếng khi kết hợp lý thuyết của Freud và học thuyết của Karl Marx để tạo một hướng đi riêng trong lĩnh vực Tâm lý học xã hội. Theo Chicago Tribune, Erich Fromm vừa là một nhà tâm lý học đầy thấu suốt, vừa là một cây viết tài năng. Ông có các tác phẩm như Escape freedom (1941), The sane society (1955).
Quỳnh Quyên