Tết đoàn viên là tuyển tập hơn 40 bài viết về Tết Nguyên đán, đến từ nhiều tác giả, được nhà văn Nguyễn Quang Thiều tuyển chọn. Mỗi con người, mỗi hoàn cảnh, mang đến cho độc giả những câu chuyện với màu sắc rất riêng về Tết. Với họ, những ngày đầu năm mang theo nỗi nhớ niềm thương và những kỷ niệm không thể nào quên.
Dẫu cả đời gắn bó với Hà Nội, nhà văn Trung Sĩ vẫn luôn da diết nhớ phong vị Tết của đất "ba mươi sáu phố phường". Nỗi niềm ấy được giãi bày trong bài viết Phong vị Tết Hà Nội cũ.Ở nơi thị thành như Hà Nội, Tết mang một màu sắc rất riêng, không lẫn lộn.
Con trẻ cảm nhận được cái náo nức của năm mới từ rằm tháng Chạp, khi ngoài phố chăng đèn, kết hoa rực rỡ. Những cành đào dăm nhỏ bé, được người đàn bà tần tảo ở ngoại thành chở đi bán rong trên những chiếc xe đạp cũ. Khắp phố phường, đâu đâu cũng tràn ngập không khí Tết. Những thùng phi cũ, quanh năm đựng thứ tạp nham, được đem ra cọ rửa để luộc bánh chưng. Người ta xôn xao chuyện mua củi ở mậu dịch.
Xứ Huế luôn mang đến cho người ta cảm giác dịu dàng và bình thản. Âm hưởng trầm mặc ấy kéo dài suốt cả năm, chứ không riêng gì ngày Tết. Hãy cùng nhà báo Minh Tự khám phá xem Ăn Tết kiểu Huế có gì độc đáo?
Vốn là đất "thần kinh" nơi nhà Tây Sơn, rồi đến 13 triều vua Nguyễn định đô, nên người ở "xứ mộng mơ" rất cẩn trọng trong chuyện lễ nghi, cúng bái. Ngày Tết, chuyện tâm linh, tín ngưỡng ấy càng được đề cao. Người ta cúng ở đình chùa, cúng ông bà tổ tiên, cúng ruộng, cúng vườn... đến chuồng trâu, chuồng gà cũng làm lễ cúng cho chuyện chăn nuôi được thuận lợi, tốt lành. Người nơi khác đến thường nói đùa: "Người Huế cúng đến hết tháng Giêng".
Tết đoàn viên mang đến cho người đọc một chuyến du xuân dài bất tận. Tới nhiều vùng miền để tận hưởng những phong vị của Tết. Trong gió xuân hây hây của ngày đầu năm, Tết là cái hào sảng, rộn ràng như cách người phương Nam trò chuyện. Tết miền Tây Nam bộ là bạt ngàn hoa trái, cùng đủ loại bánh mứt, ngọt ngào và thảo thơm đủ để níu chân người viễn xứ.
Hãy cùng nhau ngược lên phương Bắc, cùng nhau ăn một cái Tết của người Tày trong cái lạnh cắt da. Bên bếp lửa miền sơn cước ấy, Tết đến là lúc người ta được thoải mái hít hà mùi thơm của những dẻ thịt lợn, thịt trâu đang hong khói chờ khô. Nghe câu chuyện về những ngày đã xa, con cháu chia nhau đôi quả chuối trâu, ruột vàng như mật. Từ những điều giản dị ấy, đi đâu người ta cũng nhớ quê hương.
Không chỉ là câu chuyện của vùng miền và văn hóa, Tết đến còn là lúc chúng ta lắng lòng lại để nghe tâm sự dưới mỗi nếp nhà, nơi tiếng lòng của những đứa con quanh năm tha phương đang thủ thỉ.
Với những người may mắn luôn được ở cạnh người thân, Tết không quá đặc biệt, nó giống như ngày chủ nhật được kéo dài để người ta nghỉ ngơi, ăn uống một cách thỏa thuê. Vậy mà khi xa nhà, người ta thấy nhớ Tết và "thèm" Tết da diết. Đó là tâm sự của những đứa con ở trời tây trong Tết lạnh màu tuyết trắng và món phở ở Birmingham.
Xa quê, người ta mới thấy quý những điều giản dị như: hương mùi già chiều ba mươi Tết, phút giây được quây quần đón giao thừa cùng cha mẹ, hay mùi mỡ nồng nồng cùng tiếng xèo xèo của những cái nem vàng ruộm trên bếp. Ở cái nơi không biết tới lịch âm, những người đồng hương vẫn ngồi lại cùng nhau, cố chuẩn bị cho mình cái Tết để đỡ nhớ nhà.
Gắn bó với chương trình "Gặp nhau cuối năm" suốt chặng đường dài hơn một thập kỷ, với MC Thảo Vân: Tết thật đặc biệt. Những ngày giáp Tết, được ở bên những người đồng nghiệp thân thiết, cùng nhau làm nên chương trình quen thuộc mà khán giả mong chờ, mang lại cho chị sự háo hức khôn tả. Cảm giác ấy khác hẳn với cái rộn ràng của cái Tết thuở ấu thơ.
Mỗi con người, mỗi câu chuyện trong Tết đoàn viên đưa độc giả đến những cung bậc cảm xúc. Đó có thể là niềm vui nhỏ, như đóa hoa mùa xuân đang nhen lên trong lòng, hay những phút giây cùng lắng lòng lại để hoài niệm về những điều đã cũ. Dù là ai, mang trong lòng bao nhiêu tâm sự, khi Tết đến, được về bên gia đình, quây quần ăn bữa cơm đầm ấm, chúng ta đều thấy lòng dịu lại.
Quỳnh Anh