Hành tinh khỉ (tên Pháp: La Planète des Singes) là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng xuất bản năm 1963. Sách được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành trong tháng 7, qua bản dịch của Vĩnh An.
Trong tác phẩm, độc giả theo chân người kể chuyện - nhà báo Ulysse Mérou - cùng hai nhà khoa học lỗi lạc năm 2500 - Antelle và Levain - đến khám phá một hành tinh mới có sinh quyển hoàn toàn giống Trái đất.
Tại đây, họ sững sờ chứng kiến một thế giới hoàn toàn đảo lộn. Con người không còn giữ vị trí thượng đẳng nữa mà bị giáng cấp trở thành những loài động vật hoang dã. Trong khi đó, loài khỉ nắm quyền thống trị thế giới với những thiết bị máy móc, cơ sở hạ tầng và một nền văn minh giống hệt con người. Trong quá trình khám phá hành tinh mới, Ulysse cùng những người bạn bị hiểu nhầm là những sinh vật hạ đẳng, rồi bị cuốn vào một hành trình giải thoát bản thân đầy chông gai và nguy hiểm.
Tác phẩm được khen ngợi bởi lối kể lôi cuốn và cách đặt vấn đề thú vị. Con người có thật là chủ nhân của thế giới và là sinh vật duy nhất có trí tuệ? Cùng với sự phát triển và tiến hóa không ngừng, trong tương lai liệu nhân loại có thể trở nên bất tử hay sẽ bị diệt chủng như các loài khác? Thông qua điểm nhìn mới về những con khỉ trên hành tinh Soror, tác giả cho chúng ta thấy những cảm quan về con người và sự hoán đổi vị trí quyền lực. Cách những con khỉ đối xử với con người hoang dã chính là lời đáp trả cho những gì mà con người đã đối xử với chúng trong thực tế.
Tiểu thuyết được kể dưới dạng một thông điệp cảnh báo tương lai nhân loại, gửi trong chiếc chai trôi dạt trên vũ trụ. Cũng giống những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng khác về viễn cảnh tương lai như Cỗ máy thời gian của H.G.Wells hay R.U.R của Karel Čapek, Hành tinh khỉ khơi gợi trong tâm trí người đọc về tương lai của loài người. Sự thắng thế của loài khỉ trước loài người sẽ là điều tất yếu nếu chúng ta quá ỷ lại vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật và để sự lười biếng, thụ động và ưa hưởng thụ lên ngôi.
* Cô bé bị bầy khỉ bao vây trong "War for the Planet of the Apes"
Sự phân chia chủng tộc của cộng đồng khỉ thành ba giống loài: đười ươi, tinh tinh, khỉ đột là ẩn dụ của Pierre Boulle về văn minh nhân loại. Đặt trong bối cảnh những năm 60 - 70 của thế kỷ 20, trước sự thắng thế của hàng loạt các phong trào giải phóng dân tộc và thuộc địa, nền văn minh châu Âu trước đây vốn vẫn tự xem mình là trung tâm nay đã phải chấp nhận sự bình đẳng. Tuy nhiên, vẫn có những sự phân biệt đẳng cấp tồn tại trong xã hội. Điều đó giống như việc loài đười ươi trong tác phẩm dù được đánh giá là kém thông minh và sáng tạo hơn loài tinh tinh, vẫn luôn có một chỗ đứng trong xã hội, chỉ đơn giản vì chúng luôn tự cho mình là những người giữ vị trí quan trọng nhất trong xã hội khỉ.
Sinh năm 1912, Pierre Boulle sống và làm việc ở châu Á trong một thời gian dài, đặc biệt là xuyên suốt Thế chiến thứ hai. Khi trở về Paris sau chiến tranh, với những trải nghiệm của mình, Boulle mới chuyển hướng trở thành tiểu thuyết gia. Tác phẩm đầu tay của ông - William Conrad - được xuất bản năm 1950 và thu hút được sự chú ý của giới phê bình dù ông chưa từng được đào tạo về văn chương. Sau này, hai tác phẩm Cầu sông Kwaii (The Bridge over the River Kwai) và Hành tinh khỉ khiến tên tuổi của ông nổi bật trên văn đàn.
Không chỉ bán được hàng triệu bản, Hành tinh khỉ còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim sau này. Tiểu thuyết được khai thác thành tám phim điện ảnh, hai loạt phim truyền hình và vài bộ truyện tranh.
Năm 1968, tác phẩm Planet of the Apes (1968) được giới phê bình đánh giá cao. Đến năm 2011, thương hiệu điện ảnh được tái khởi động với phim Rise of Planet of the Apes - kể về quá trình loài khỉ vươn lên đánh chiếm thế giới. Tập mới nhất trong series này - War for the Planet of the Apes - sẽ khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 14/7.
Ân Nguyễn