Tác giả viết: "Trở thành người giỏi hay người tốt có thể là điều vô cùng khó, nhưng ai cũng có thể trở thành người giỏi hơn hay tốt hơn, nếu mình muốn". Trong sách, ngoài đề xuất mô hình giáo dục mới, tác giả đồng thời tổng hợp những phương pháp sư phạm từ xưa đến nay trên thế giới.
Theo Giản Tư Trung, mọi người không nên có tham vọng biến nhà trường, thầy cô, phụ huynh thành những hình mẫu hoàn hảo trong lĩnh vực giáo dục. Điều đó dễ gây ra sự thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng. Tuy nhiên, mỗi người có thể nỗ lực cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng nhân văn và hiệu quả trong bối cảnh xã hội hiện đại.
Với tư duy "dạy chính là giúp người khác học" và "khai phóng chính là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng con người", tác giả cho rằng thầy cô, cha mẹ nên vạch ra "con đường sư phạm" phù hợp, giúp học sinh biết cách tự tìm hiểu và khám phá tiềm năng trong suốt quãng đường đời. "Học để biết nhiều là điều vô cùng đáng quý, nhưng đáng quý hơn là ta sẽ làm được gì và sẽ sống thế nào với những điều mình biết", tác giả viết.
Tác giả Giản Tư Trung tốt nghiệp thạc sĩ ngành Nghiên cứu Phát triển tại Học viện sau Đại học Geneva, Thụy Sĩ, tu nghiệp về Chính sách Giáo dục Quốc tế tại Đại học Harvard, Mỹ, tốt nghiệp tiến sĩ ngành Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore và tốt nghiệp tiến sĩ ngành Giáo dục tại Đại học London (UCL), Anh.
Ông hiện là hiệu trưởng trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Trưởng ban tổ chức giải Sách Hay. Ông từng phát hành cuốn Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh.
Hiểu Nhân