Ấn phẩm do ông Nguyễn Thái Bình, Phạm Hoàng Hải đồng tác giả, gồm chín bài viết, nội dung góp phần hoàn thiện bức tranh về Hội An. Nơi đây từng được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới ngày 4/2/1999.
Các tác giả khẳng định: "Thành phố là những gì cổ kính nhất, mộc mạc nhất, trầm lắng nhất của một không gian Việt Nam với những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo nối đuôi nhau chạy dài như bất tận, nơi đây đã lưu giữ gần như trọn vẹn những nét văn hóa mang đậm dấu ấn phương Đông".
Hai tác giả dành loạt trang đầu tiên để mô tả các ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương phủ đầy rêu phong, những không gian đền miếu, đưa độc giả ''lạc vào một câu chuyện cổ tích giản dị, ngược dòng thời gian hàng vài trăm năm trước đây''.
Bạn đọc cũng được ''tham quan'' thành phố lúc chiều muộn. Khi đó, ''hàng trăm chiếc đèn lồng bọc lụa màu treo rải rác khắp nơi tỏa ra các vùng sáng nhỏ để du khách tự tin bước đi trên đường... Đâu đó phía xa là ánh sáng mờ mờ hắt ra từ các ngôi nhà đã khép cửa, từ các ngõ nhỏ đã vắng người qua lại''.
Với Chùa Cầu - di sản được xem là biểu tượng của Hội An, hai tác giả khắc họa lại kiến trúc độc đáo, đồng thời làm rõ lịch sử, nội hàm văn hóa của cây cầu do các thương nhân người Nhật khởi dựng vào khoảng thế kỷ 17. Qua đó minh chứng cho những dấu tích, sự ảnh hưởng của người Nhật tại đây.
Bên cạnh phố cổ nhộn nhịp, hai tác giả cũng đưa người đọc khám phá Cù Lao Chàm, cụm đảo hoang sơ, yên bình, cách Hội An 16 km về hướng Đông - Đông Bắc. Đây là nơi tụ cư của các loài chim quý như yến, có nghề khai thác yến sào ở làng Thanh Châu và nền văn hóa Champa từng phát triển suốt nhiều thế kỷ.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhận định tác phẩm giàu tính văn hóa, trải nghiệm, cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Ông đề xuất dịch cuốn sách sang một số tiếng phổ thông trên thế giới để bạn đọc quốc tế có thể tìm hiểu.
Phương Linh