Dù bước sang tuổi 75, tiến sĩ chuyên ngành công nghệ thông tin Nguyễn Chí Công vẫn có niềm đam mê với các di sản dân tộc. Hồi tháng 12/2023, ông ra mắt tập sách viết về 1.000 di tích khắp khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Tác giả cho biết tiếp tục viết các tập sách về các vùng, miền trong nước nếu điều kiện sức khỏe cho phép.
Hai tập sách đầu tiên với chủ đề Ven sông Tô Lịch và Xung quanh đầm, hồ Hà Nội, mỗi tập giới thiệu hơn 100 di tích. Nội dung về các di tích quanh Hà Nội, nơi Nguyễn Chí Công sinh ra và gắn bó.
Theo tác giả, mảng sách giới thiệu điểm đến của một vùng đất ở trong nước hiện còn thiếu. Trong khi đó, nếu đi du lịch ở nước ngoài, đây là "cẩm nang" quan trọng của du khách. Vì vậy, ông biên soạn các tập sách, hướng đến những người thích đi du lịch, đồng thời phục vụ những người đam mê di tích và di sản cha ông để lại.
Tác giả áp dụng công nghệ vào việc biên soạn sách. Ông lập ra format cho từng bài viết, mỗi bài gồm tên di tích gồm tên chữ (chữ và âm Hán Việt), địa chỉ, mức độ xếp hạng di tích, vị trí trên bản đồ, các trạm bus gần nhất (phục vụ khách từ nơi xa). Phần nội dung giới thiệu về quá trình xây dựng di tích, danh nhân được thờ, đặc điểm kiến trúc, di sản đang được lưu giữ và bảo quản ở đó, đến vài di tích lân cận.
Việc biên soạn sách tương đối thuận tiện với Nguyễn Chí Công, do đã đi khắp các địa điểm được liệt kê trong tác phẩm từ hơn 20 năm trước. Sau khi đến từng di tích, tác giả ghi chép, chụp ảnh để đăng trên các trang website do ông tự lập.
"Tôi muốn những cuốn sách này ghi lại hiện trạng của các di tích, vì qua thời gian, các công trình ngày một xuống cấp, bị hư hại, phải trùng tu hay xây mới, không còn giữ được hình dáng, hồn cốt cũ. Rất đau xót", tiến sĩ nói.
Khi đưa các địa điểm tham quan vào sách, Nguyễn Chí Công lấy các bài đã viết về mỗi di sản đã viết trước đây, biên tập lại cho đúng cấu trúc bài viết, sau đó kiểm tra và cập nhật thông tin. Là người hiểu chữ Hán, Nôm, lại có kinh nghiệm chế bản, nên tác giả có thể đẩy tốc độ biên soạn nhanh nhất có thể.
Tổng biên tập Nhà xuất bản Nông nghiệp - tiến sĩ Lê Lân - đánh giá cao ấn phẩm, cho rằng các di tích trong bộ sách đều gắn với văn hóa nông nghiệp và người Bắc Bộ. Phía tác giả lẫn nhà xuất bản cho biết chuẩn bị cho việc ra mắt tác phẩm bằng tiếng Anh, kỳ vọng trở thành sách hướng dẫn du lịch cho du khách nước ngoài.
Hiện hai tập đầu của bộ sách 1000 điểm đến đồng bằng Bắc Bộ được áp dụng các công nghệ mới, như gắn mã QR trên từng trang sách giúp liên kết mỗi bài viết lên ấn bản điện tử, hay địa chỉ rút gọn của Google, giúp mọi người tìm vị trí chính xác của di tích. "Tôi hy vọng có sự chung tay của những người yêu di sản ở khắp các địa phương tham gia đóng góp thêm thông tin vào mỗi bài viết trên không gian mạng, để sau này tôi già yếu hoặc mất đi, vẫn có người có thể nối tiếp được công trình này", tác giả nói.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Công, sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Tác giả là cháu nội của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Hữu Cầu, một trong những sáng lập viên của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Cha là nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo (1900-1966), chú ruột là học giả Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954) - tác giả bộ Hán Việt tự điển, đồng thời là dịch giả có kiến thức sâu rộng về Nho giáo và Phật giáo.
Tác giả tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin (CNTT) tại Cộng hòa Czech, sau đó về nước làm việc. Nguyễn Chí Công từng tham gia chế tạo chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam năm 1977, giữ các chức vụ giám đốc Trung tâm Hệ thống thông tin ISC thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia, trưởng Tiểu ban Mạng thuộc Chương trình Quốc gia về CNTT.
Hiện ông Nguyễn Chí Công là trưởng ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn CNTT thuộc Viện Tiêu chuẩn Việt Nam, đồng thời là tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Tin học Kết nối tri thức với cuộc sống. Ngoài đam mê với các di sản dân tộc, ông còn sáng lập Bảo tàng CNTT tư nhân đầu tiên ở Việt Nam đặt ngay tại nhà riêng, nơi lưu giữ hàng nghìn thiết bị và tài liệu quý hiếm liên quan đến lịch sử CNTT trong nước và thế giới.
Tiên Long