Tại nhiều tỉnh miền núi, trẻ em nghèo không có điều kiện tới trường. Ảnh: H.V. |
Chiều 18/3, Bộ GD&ĐT họp với Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... bàn giải pháp khắc phục tình trạng hơn 100.000 học sinh bỏ học trong học kỳ I vừa qua.
Một lần nữa, Bộ GD&ĐT khẳng định, tình trạng bỏ học vừa qua không có gì đột biến so với những năm trước. Tỷ lệ bỏ học ở các cấp cũng giảm đáng kể. Ở bậc Tiểu học, tỷ lệ này giảm từ 3,3% (2005-2006) xuống còn 0,2%; bậc Trung học giảm từ 7,6% (2004-2005) xuống 1,2% trong năm học này.
Nhận định tình trạng bỏ học hiện không phải là vấn đề ghê gớm nhưng PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh, hiện tượng học sinh bỏ học, dù ít cũng phải chống. Hội Khuyến học đã có chương trình hiệu quả để chống bỏ học và hạn chế lưu ban.
Theo vị nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, học sinh bỏ học và lưu ban là đội quân "trù bị" của ma túy và tệ nạn xã hội. "Chống tệ nạn xã hội theo cách hiện tại là chống... ngọn. Do đó, muốn hiệu quả phải chống từ gốc và là trách nhiệm chung của toàn xã hội", ông nói.
Từ thực tế, xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai, Hà Tây) có lớp tỷ lệ bỏ học chiếm 10-15%, nhưng nhờ việc mỗi năm cần kiểm tra 4 lần để phân loại học sinh và có kế hoạch bồi dưỡng cụ thể, nay tỷ lệ này giảm xuống còn 0,1-0,2%. Ông Nhĩ cho rằng, những học sinh kém do không có khả năng học cần có những chương trình văn hóa hoặc học nghề phù hợp.
Đề cập tới chương trình và sách giáo khoa, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ lo ngại, không thể làm tốt công tác đánh giá trong vòng một tháng như yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Do đó, Bộ cần nhìn thẳng vào thực tế, một chương trình, một bộ sách giáo khoa áp dụng cho tất cả các vùng, miền sẽ không tránh khỏi việc có vùng thấy "nặng".
"Nên thiết kế chương trình mềm dẻo để trẻ em dân tộc có thể học chương trình dài hơn so với những vùng thuận lợi. Bộ chưa dám nhìn nhận chương trình, sách giáo khoa là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bỏ học nhưng thực tế đây lại chính là nguyên nhân mà Bộ có thể can thiệp tốt nhất", ông Nhĩ thẳng thắn.
Bên cạnh lý do kinh tế khiến trẻ phải bỏ học, theo ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), còn một nguyên nhân khác đó là chương trình, sách giáo khoa chưa phù hợp với vùng miền, đặc biệt là vùng khó khăn... Bên cạnh đó, đợt rét đậm kéo dài, lũ lụt... cũng là nguyên nhân khiến học sinh bỏ học.
Trước những ý kiến này, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ sẽ cùng các địa phương rà soát, thống kê, phân loại học sinh yếu kém, bỏ học tìm rõ nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ; phối hợp với Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi... tạo điều kiện giúp đỡ những gia đình còn khó khăn.
Tiến Dũng