Sách có tên Dianaworld: An Obsession khái quát về một "thế giới", nơi hình ảnh Công nương Diana được nâng lên thành biểu tượng văn hóa mà truyền thông và công chúng quan tâm đặc biệt đến độ "ám ảnh". Sau hơn 30 năm kể từ khi Diana qua đời, theo tác giả, bà vẫn là "một phụ nữ có sự phức tạp mang tính huyền thoại và tầm ảnh hưởng sâu rộng".

Bìa sách "Dianaworld: An obsession" (Thế giới Diana: Một nỗi ám ảnh) do nhà xuất bản W W Norton & Co phát hành cuối tháng 4. Ảnh: W W Norton & Co
Để khắc họa chân dung Diana, tác giả đặt bà trong tương quan với các mối quan hệ xung quanh: người thân, công chúng, báo chí, các phe phái chính trị. Chính họ đã góp phần định hình nên danh tiếng của bà.
Trong chương đầu tiên - Blood Family, tác giả hé lộ nguồn gốc xuất thân của Diana - gia tộc Spencers, thuộc tầng lớp quý tộc Anh. Bên cạnh ý thức tự hào về dòng dõi, những nỗi đau từ thuở thơ ấu cũng có ảnh hưởng thế giới quan của bà. Bố mẹ ly dị, sau này lại chịu sự lạnh nhạt trong cuộc hôn nhân, bà thấu hiểu cảm giác "bị bỏ lại". Những bước ngoặt trong cuộc đời nhiều bi kịch khiến Diana có khả năng cảm thông với những tổn thương của người khác. Bà triển khai các hoạt động từ thiện vì những thân phận yếu thế như người đồng tính, bệnh nhân ung thư, người nhiễm HIV/AIDS.

Diana cùng em trai Charles vào năm 1964. Ảnh: Sách "Dianaworld: An obsession"
White nhận định hầu hết công chúng dành tình cảm cho "bông hồng nước Anh" bởi tính cách "vừa truyền thống, vừa hiện đại". Bà vừa tham vọng thực hiện những điều vĩ đại, mạnh mẽ cam kết trước cộng đồng vừa tận tụy nâng đỡ những người xung quanh. Năm 1987, Diana không ngần ngại nắm tay bệnh nhân AIDS tại bệnh viện Middlesex, phá vỡ định kiến xã hội rằng "căn bệnh thế kỷ" có thể lây qua tiếp xúc thông thường. Cũng chính bà, vào năm 1997, đã đội mũ bảo hộ, đi bộ qua bãi mìn còn sót lại ở Angola, kêu gọi chấm dứt việc sử dụng vũ khí sát thương. Những hình ảnh ấy khắc họa biểu tượng Diana không chỉ gần gũi, dịu dàng mà còn can đảm và tiên phong.
Tác giả đưa các dẫn chứng thể hiện sự mến mộ đến mức "ám ảnh" của người dân dành cho Diana. Một nhà điêu khắc lên kế hoạch dựng một bức tượng bán thân của bà cao hơn 2,7 m, nặng 2 tấn bên ngoài trụ sở chính quỹ AIDS quốc gia (National AIDS Trust) tại London.
White cũng đề cập đến cách truyền thông đại chúng nhìn nhận, đóng khung biểu tượng Diana. Một mặt, họ ca ngợi và củng cố niềm tin nơi số đông về hình mẫu "Công nương của nhân dân" thân thiện, giàu lòng trắc ẩn. Mặt khác, truyền thông dẫn dắt, thu hút sự quan tâm của công chúng bằng những quan điểm hoài nghi về con người Diana. Sách có đoạn: "Diana là một kẻ đánh lừa đáng tin cậy hay là người vô cùng chân thực - hai cực đối lập ấy luôn tồn tại và gây tranh cãi về danh tiếng của bà".
Tác giả để một nhân vật từng là vũ nữ thoát y với nỗi ám ảnh về việc bị người đời đối xử như "đồ vật", lên tiếng bênh vực, bày tỏ sự đồng cảm với Diana. Cô ngụ ý rằng hình ảnh Diana trở thành một mặt hàng để truyền thông khai thác.

Công nương Diana mặc váy của Christina Stambolian tới sự kiện quyên tiền từ thiện của Vanity Fair năm 1994. Ảnh: Reuters
Theo The Telegraph, White còn mô tả Diana như một "biểu tượng không thuộc bất cứ phe phái nào". Đây là nhân vật được cả cánh tả lẫn cánh hữu, người cấp tiến lẫn bảo thủ đều có thể đồng cảm và "nhận về phía mình".
Văn phong trong Dianaworld sắc sảo, đan xen màu sắc học thuật - đặc trưng phong cách nghệ thuật của Edward White. Để tăng tính khách quan cho tác phẩm, ông thu thập thêm nhiều ý kiến từ các tầng lớp xã hội khác nhau. Tuy nhiên, theo The Boston Globe, độc giả mong chờ nhiều góc nhìn về Diana hơn nữa trong Dianaworld và cần cung cấp những thông tin có khả năng đi xa hơn câu chuyện về cuộc hôn nhân và cái chết kinh điển của bà.
Tờ Publishers Weekly nhận xét về cuốn sách: "Một bức chân dung đa sắc như kính vạn hoa về Công nương Diana, được nhìn qua lăng kính những cuộc đời đã được bà chạm đến. White tiếp cận nhân vật của mình một cách công bằng và khách quan. Đó minh chứng cho sự ảnh hưởng lâu dài của bà".
Công nương Diana (1961-1997) là vợ đầu của Thái tử Charles, thành viên Hoàng gia Anh. Bà nổi bật với vẻ đẹp thanh lịch, sự gần gũi với công chúng và những hoạt động nhân đạo, đặc biệt về AIDS và chống mìn sát thương. Cuộc sống hôn nhân sóng gió khiến bà rời Hoàng gia năm 1996. Diana qua đời trong một tai nạn xe hơi tại Paris năm 1997.
Edward White là một nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa người Anh được biết đến với các tác phẩm phân tích về các biểu tượng văn hóa và lịch sử. Các tác phẩm của ông bao gồm: The Twelve Lives of Alfred Hitchcock, Dianaworld: An Obsession, Never The Big House, The Mystery.
Khánh Linh (theo The Telegraph, The Boston Globe)