Kỹ sư máy tính Nguyễn Lừng Danh đã đọc bài của PGS Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và muốn có vài trao đổi.
Sách Công nghệ giáo dục phải đặt trong bối cảnh ra đời - năm 1978
Trước hết là về tên cuốn sách. Từ “công nghệ” trong “công nghệ giáo dục” không nên được hiểu theo nghĩa phổ biến, gắn liền kỷ nguyên số như hiện nay, mà nên đặt trong bối cảnh sách ra đời năm 1978. Đối với giáo viên, hai loại kiến thức họ cần là lý luận chuyên môn và kỹ năng thực tiễn. Khi đất nước mới thống nhất, giáo dục còn chập chững, lực lượng giáo viên khi đó liệu có được trang bị phương pháp sư phạm tiên tiến như hiện nay?
Và nếu như lý luận chuyên môn chưa đầy đủ thì cách hiệu quả nhất chắc chắn là tạo ra một quy trình giảng dạy, đầy đủ các bước, hiệu quả, để giáo viên có lý luận chuyên môn bình thường cũng có thể trở thành người dạy tốt nếu tuân thủ theo các bước đó. Từ “công nghệ” có lẽ vốn có ý nghĩa là một quy trình với các bước dạy được thiết kế tỉ mỉ, có thể dễ dàng sử dụng, đào tạo nhanh chóng.
Việc học sinh có cảm giác đơn điệu, nhàm chán hay không khi học theo một phương pháp lặp đi lặp lại có thể được khảo sát dễ dàng. Tuy nhiên, ngay cả khi phương pháp có lặp lại thì nội dung bài học đã mới (âm mới, chữ mới). Trong phạm vi học đánh vần, học đọc của chương trình lớp 1, “bắt chước” và “lặp lại” có lẽ là điều cần thiết. Vả lại, cách chúng ta hiểu về “nhàm chán” chưa chắc giống với cảm nhận của các em nhỏ tuổi.
Có những bài hát, có những trò chơi, có những hoạt động học tập được giáo viên dùng đi dùng lại nhiều lần, nhưng học sinh vẫn hào hứng tham gia. Vì thế, tôi thắc mắc liệu Hội đồng thẩm định đã khảo sát mặt cảm xúc của các em khi học chương trình này chưa? Tôi được biết, GS Hồ Ngọc Đại từng đứng trước cổng trường mỗi ngày, hỏi thăm từng em xem hôm nay đi học có vui không.
Trong lĩnh vực dạy ngoại ngữ hiện nay, một xu hướng sử dụng khá phổ biến là dạy “Phonics”, tức là tách âm các từ. Ví dụ học sinh được học từ “cat” gồm có “c” và “at”, thì khi gặp các từ mới như “bat, hat, rat...” các em sẽ có thể đọc được dễ dàng. Như vậy, tôi không nghĩ rằng phương pháp dạy phân tích cấu trúc âm tiết là ít được sử dụng.
Với mục tiêu chính là dạy đọc, việc dạy đọc những từ lạ cùng cấu trúc âm (theo ví dụ trên, dạy “mat, pat, vat...) nhưng không đặt nặng việc hiểu nghĩa cũng đã được áp dụng theo cách dạy Phonics này. Như vậy, “chân không về nghĩa” không phải hoàn toàn vô lý, nếu xét ở góc độ dạy học sinh nhìn mặt chữ và đọc được.
Học đánh vần không cần chú trọng giao tiếp
Trước hết là “nguyên tắc dạy học theo quan điểm giao tiếp” (Communicative language teaching - CLT). Đây là phương pháp dạy học ngoại ngữ, xuất hiện những năm 1980s, nhấn mạnh vai trò tương tác giữa học sinh trong lớp trong việc giúp phát triển ngoại ngữ, cũng như giảm thiểu những giờ học nặng nề ngữ pháp, dịch thuật.
Tuy nhiên, ngữ cảnh dạy CLT cho đối tượng học viên bản ngữ và học viên ngoại ngữ là khác nhau. Ví dụ khi chúng ta học tiếng Anh, không có nhiều thời gian nói tiếng Anh ngoài lớp học, thì việc chú trọng phát triển giao tiếp tiếng Anh trong lớp là cần thiết.
Trái lại, khi học sinh học tiếng Việt, ngoài lớp học các em có rất nhiều môi trường khác để giao tiếp: với cha mẹ, bạn bè, hàng xóm... Suy cho cùng, các em đã giao tiếp được sáu năm trước khi vào lớp 1, và tôi không nghĩ giờ học tiếng Việt lại cần nhiều giao tiếp, bởi hai lý do. Thứ nhất, ngoài giờ tiếng Việt, còn rất nhiều giờ học khác, với nhiều hoạt động giảng dạy khác mà các em có thể giao tiếp. Thứ hai, khi học sinh học đánh vần thì cũng khó mà nghĩ đến một hoạt động giao tiếp nào đi liền với đánh vần.
Và rõ ràng, CLT cũng chỉ là một phương pháp dạy học trong rất nhiều phương pháp, không phải là cái duy nhất. Có rất nhiều phương pháp dạy học và chúng ta có thể lựa chọn một, hoặc sử dụng nhiều phương pháp đan xen, miễn sao đạt hiệu quả tối ưu.
Vì những lý do đó, tôi không nghĩ rằng học sinh Việt Nam học tiếng Việt phải thật sự chú trọng giao tiếp khi học đánh vần.
Tiếp theo là vấn đề “100% dân cư đi học thì nên dạy ngôn ngữ hàng ngày”. Rõ ràng, khi chúng ta có một lượng học sinh lớn, khác nhau về nhiều mặt (văn hóa gia đình, nền tảng, khả năng nhận thức...) thì việc lựa chọn ngôn ngữ hàng ngày làm nội dung giảng dạy là điều dễ hiểu. Đó là ngôn ngữ chung, gần gũi mà các em có thể tiếp cận dễ dàng. Việc lựa chọn giảng dạy ngôn ngữ thuộc nhiều phong cách, đa dạng cũng có mặt tốt, tuy nhiên ở chương trình lớp 1, thì có lẽ chưa thật sự cần thiết.
“Tiếng nói là vật thật, chữ viết là vật thay thế”
Nếu so sánh hai cách diễn đạt, “thanh là cái biểu thị khái niệm trong tư duy, còn chữ viết là chuyển đổi ngôn ngữ nói thành ký hiệu” và “tiếng nói là vật thật, chữ viết là vật thay thế”, thì tôi e rằng đối với học sinh lớp 1, với trình độ nhận thức còn chập chững, cách diễn đạt thứ hai dễ tiếp thu hơn, dễ hiểu hơn. Tôi không cho đó là phức tạp hóa vấn đề, mà chỉ là đơn giản hóa để học sinh dễ hiểu. Và nếu không chắc cách diễn đạt nào dễ hiểu, chúng ta hoàn toàn có thể khảo sát trực tiếp học sinh.
Và cũng có lẽ vì lý do đó mà trong những bài học đầu, Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục dùng các ô vuông, tròn, tam giác để biểu thị tiếng. Nếu không xét về nghĩa mà chỉ xét việc đếm số lượng âm thì những khối hình học đó là những vật thay thế hợp lý giúp trẻ hiểu được việc tách lời nói thành nhiều âm riêng lẻ.
Cần kiểm chứng kết quả học, đánh giá tỷ lệ tái mù
Về khẳng định “học sinh theo chương trình Công nghệ giáo dục không thể bị tái mù” của GS Hồ Ngọc Đại hoàn toàn có thể kiểm chứng dựa vào khảo sát những em lớp cao, và so sánh tỷ lệ đó với tỷ lệ tái mù, ngồi nhầm lớp của các em theo chương trình phổ thông hiện tại. Và chúng ta có thể ủng hộ Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục nếu tỷ lệ tái mù thấp hơn, chứ không nhất thiết phải mong đợi con số “0% học sinh tái mù”.
Nếu cùng thời lượng dạy, cùng số tiết, mà Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục có thể dạy cho học sinh đọc được nhiều từ hơn thì rõ ràng đó là ưu điểm. Không thể cho rằng công sức học sinh và giáo viên bỏ ra nhiều là nhược điểm, bởi không có thành tựu nào mà không đòi hỏi nhiều công sức. Tuy nhiên, nếu chỉ học một năm lớp 1 mà có thể đọc tốt, thay vì phải học đến lớp 2, lớp 3 mới đọc được tốt, thì tôi cho rằng trường hợp thứ hai sẽ bỏ nhiều công sức hơn cho việc đọc.
Và tất nhiên, chúng ta không thể mong đợi một học sinh lớp 1 đọc hiểu một tiểu thuyết. Ở độ tuổi ấy, trình độ nhận thức ấy, đọc được mặt chữ đã là một lợi thế. Các em còn rất nhiều năm để phát triển, để hiểu những gì đọc được hôm nay.
Vì những luận điểm trên đây, tôi không cho rằng cách tiếp cận của Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là cực đoan. Thiết nghĩ không có sách nào hoàn hảo, nếu sách Công nghệ giáo dục thể hiện được những ưu điểm của nó, kết quả kiểm chứng trong 40 năm qua là tốt, thì việc cấp phép cho bộ giáo trình này được dùng rộng rãi là điều nên làm.
Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh lớp 1 (chiếm gần một nửa số học sinh lớp 1) đang dùng cuốn sách này.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ sách được xây dựng trên nguyên tắc "muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy". Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.
Nguyễn Lừng Danh