-
Dưới đây là những chia sẻ của họ trong cuộc trò chuyện trực tuyến sáng 13/3 với VnExpress, chủ đề "Người trẻ viết gì, đọc gì?".
- Xin chào các anh chị, tôi rất vui khi được tham gia buổi trực tuyến về chủ đề thú vị này. Liệu anh, chị, mỗi người có thể giới thiệu cho độc giả một cuốn sách hay mà anh, chị đã đọc được từ trước đến nay? (Minh Anh, 25 tuổi, Hà Nội)
- Phan Hồn Nhiên: Xin chào các bạn! Có rất nhiều sách cho độc giả lựa chọn. Thật khó để giới thiệu với các bạn, bởi tôi nghĩ trong từng giai đoạn của cuộc sống, thậm chí trong từng thời điểm của một ngày, mỗi người cũng có thể tìm những cuốn sách khác nhau. Tuy nhiên, tôi cũng xin chia sẻ với các bạn 2 đầu sách mà tôi luôn thấy hay dù đọc bất cứ lúc nào. Đó là Trần trụi với văn chương của tác giả Paul Auster và Hoàng Tử đen của tác giả Iris Mudoch.
- Vũ Đình Giang: Có 2 cuốn sách mà tôi thấy ấn tượng, có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Đó là cuốn Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm của Mark Haddon, nói về một đứa trẻ tự kỷ. Và một cuốn sách độc đáo nữa là Cô giáo dương cầm của Elfriede Jelinek.
- Nguyệt Ánh: Cuốn sách gây ấn tượng với tôi nhất là Thay thái độ, đổi cuộc đời. Tôi nghĩ, đây là cuốn sách có thể giúp cho bạn cân bằng trong lúc stress, hoặc thất vọng nhất, và giúp bạn lạc quan, nghị lực để đi tiếp con đường mình đã chọn.
- Hà Okio: Tôi đọc khá nhiều loại sách, không phân biệt già trẻ lớn bé. Gần đây tôi thích 2 cuốn Tâm lý học đám đông (Gustave LeBon) và Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết. Để cân bằng với 2 cuốn khá "nặng" này, tôi vẫn thường xuyên giải trí bằng truyện tranh Conan. Quan điểm cùa tôi là cuốn sách nào cũng có những thông điệp, "không bổ ngang thì cũng bổ dọc".
Nhà văn Phan Hồn Nhiên. |
- Chị Nguyệt Ánh ơi, nếu người yêu của chị nói với chị là anh ấy không thích đọc sách một chút nào cả thì chị sẽ nói gì với anh ấy? (Littlemouse, 27 tuổi, TP HCM)
- Nguyệt Ánh: Thật ra người yêu hiện nay của chị rất thích đọc sách và khuyến khích chị đọc. Trước đây, chị không phải là người đam mê sách, nhưng từ khi quen anh ấy, chị đã thay đổi và thấy điều đó rất cần thiết. Nếu sau này, anh ấy bỗng dưng không thích đọc sách nữa, thì chị sẽ là người khuyến khích lại, chủ động giới thiệu cho anh những cuốn sách hay nhất. Chị tin chắc là anh ấy sẽ thay đổi như chị từng thay đổi. :)
- Theo anh chị, làm thế nào để sách đến được với những người có nhu cầu đọc rất cao nhưng không đủ khả năng để mua sách? (Nguyen Thuy Ngoc Anh, 25 tuổi, TP HCM)
- Vũ Đình Giang: Nếu tự tạo lập một cộng đồng đọc sách chung thì khi đó bạn sẽ có mạng lưới để trao đổi với nhau. Chẳng hạn, bạn tham gia những CLB yêu sách ở phường, quận hay là những cộng đồng trên mạng.
- Hà Okio: Bây giờ các phương tiện truyền thông đại chúng rất phát triển, tôi nghĩ một cách đọc phổ biến với các bạn trẻ hiện nay là trên Internet. Tuy nhiên, thích thú của việc đọc sách còn ở chỗ là ta được sở hữu một cuốn sách và cầm nó trên tay. Có một giải pháp cho việc không đủ khả năng mua sách là đi thư viện và trao đổi sách với bạn bè.
- Nguyệt Ánh: Tôi thấy cách đi thư viện là rất hay đó. Thêm vào đó, hiện nay có rất nhiều nơi bán sách giảm giá và có những hội chợ sách cho độc giả lựa chọn với giá phải chăng. Chủ yếu là các bạn nên để dành tiền và bỏ thời gian đi lựa chọn cuốn sách phù hợp. Hoặc các bạn cùng chia sẻ với nhau, đó là cách tiết kiệm hiệu quả nhất.
- Phan Hồn Nhiên: Có rất nhiều cách để tiếp cận với sách hay, sách cần thiết mà không phải quá tốn kém: đọc sách trên mạng, chia sẻ sách hay với bạn bè, chọn sách là quà tặng trong các dịp đặc biệt giữa các bạn trẻ với nhau. Nhiều người nói rằng sách đắt tiền, phải tốn kém để có một tủ sách, nhưng tôi nghĩ sách luôn trong tầm tay của mỗi người, vấn đề là các bạn có muốn sở hữu thật nhiều sách hay không mà thôi.
- Xin chào Vũ Đình Giang. Anh nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng tuổi trẻ phải đọc nhiều, đọc mọi thứ, vớ được gì cũng đọc? (Phương Hoàng, 24 tuổi, Hà Nội)
- Vũ Đình Giang: Tôi thấy ý kiến đó không chuẩn xác, bởi vì quỹ thời gian của lớp trẻ hiện đại không nhiều, cho nên quan điểm của tôi không phải là đọc nhiều mà là đọc kỹ và hiểu sâu, quan trọng phải chọn đúng loại sách mà mình cần.
Nhà văn Vũ Đình Giang. |
- Là một nhà văn chuyên viết về tuổi mới lớn (teen), chị Phan Hồn Nhiên có cảm nhận các nhân vật trong truyện cho tuổi teen của rất nhiều tác phẩm hiện nay dường như không hợp thời nữa? Theo chị, tuổi teen ngày nay còn đam mê với truyện của các nhà văn "nội" không? (Kim Kim, 26 tuổi, TP HCM)
- Phan Hồn Nhiên: Theo kinh nghiệm của một biên tập viên làm việc cho một tờ báo tuổi teen, tôi nhận thấy vấn đề là các nhà văn chuyên nghiệp có muốn viết cho tuổi teen hay không. Vì thiếu người viết chuyên nghiệp cho teen cho nên bạn có ấn tượng như trên. Thật ra độc giả tuổi teen hiện nay vẫn có những cây bút viết cho riêng họ. Vấn đề là những cây bút này chưa được chú ý và quảng bá một cách rộng rãi. Bạn có thể tìm gặp những cây bút viết cho teen và được họ yêu quý trên một số tờ báo như Hoa Học Trò 2!, sách dành cho tuổi teen của NXB Kim Đồng và NXB Trẻ.
- Hi Okio. Tôi hơi bất ngờ khi thấy anh tham gia chung với nhà văn trong đợt giao lưu về sự kiện Hội sách này. Không biết anh có thường đọc sách không và thể loại nào anh thích nhất? (Nhã Thanh, 23 tuổi, TP HCM)
- Hà Okio: Xin chào! Tôi đọc không thường xuyên lắm, nhưng cũng thích đọc tất cả các thể loại. Trong đó tôi hay đọc những cuốn sách viết về hơi thở cuộc sống thường ngày. Trong đó cuốn sách mà tôi yêu thích nhất là Tư duy tích cực. Khi đọc cuốn sách này tôi thấy mình tươi mới hơn, tích cực hơn.
- Cho hỏi hai anh chị nhà văn một chút. Nghe nói hai anh chị là bạn bè thân của nhau, tôi cũng lấy làm lạ, bởi tôi nghĩ, những người viết lách thường có cái tôi rất lớn, như Xuân Diệu đã nói:"Ta là Một là Riêng là Thứ nhất, không có ai bè bạn nổi cùng ta". Vậy thì hai anh chị đã kết bạn với nhau như thế nào? (Trần Văn Thưởng, 45 tuổi, Gò Vấp, TP HCM)
- Vũ Đình Giang: Tôi nghĩ mọi thứ đều có ngoại lệ. Viết văn là việc riêng tư độc lập, nhưng khi kết bạn với nhau thì chúng tôi cần những sự thông cảm trong cuộc sống, không hẳn là có liên quan tới văn học. Để kết bạn, tôi nghĩ mọi người cũng cần có quan điểm nghệ thuật gần nhau để có thể trao đổi khi cần.
- Phan Hồn Nhiên: Tôi đồng ý với suy nghĩ của Giang. Tôi nghĩ một nhà văn càng có quan điểm rộng mở thì càng thích hợp với cuộc sống hiện đại. Có một đồng nghiệp giỏi và có thể chia sẻ thực sự là một may mắn không phải ai cũng có được. Tôi luôn tin rằng những người làm nghệ thuật cùng thế hệ và có cùng quan điểm là "những chân trời chiếu sáng cho nhau".
- Tôi muốn hỏi nhà văn Vũ Đình Giang. Ngày nay giới trẻ đã rất ngại cầm những cuốn sách nhiều trang như tiểu thuyết vì họ không có nhiều thời gian rảnh và có nhiều thú vui khác. Vậy khi viết và in "Song song", anh nghĩ gì? (Thu Hương, 29 tuổi, Thuhuongphi@yahoo.Com)
- Vũ Đình Giang: Tôi cho rằng độc giả của riêng thể loại sách văn học bao giờ cũng chiếm tỷ lệ thấp. Sự thật là một khi bạn đã có sự say mê với văn học thì người ta không e ngại việc sách dày hay mỏng, mà dung lượng ý nghĩa của cuốn sách mang lại. Khi tôi viết Song song, tôi muốn hướng đến nhóm đối tượng độc giả đó.
- Đọc sách có phải là một trong những điều cần thiết của Phụ nữ thế kỷ 21? Sách giúp ích được gì cho công việc của Nguyệt Ánh? (Nguyen Hong, 23 tuổi, 63 Vo Van Tan, Quan 3, TP HCM)
MC Nguyệt Ánh. |
- Nguyệt Ánh: Ánh nghĩ đây là điều rất cần thiết không chỉ với thế kỷ 21 mà với phụ nữ ở mọi thế kỷ. Vì tri thức là một điều rất cần thiết với tất cả mọi người. Riêng với bản thân Ánh, với vai trò là một MC - ca sĩ, vừa là một người kinh doanh thì Ánh cho rằng càng cần phải đọc sách nhiều hơn. Bạn biết là cả hai công việc này đều cần phải có rất nhiều kiến thức, vấn đề với mỗi vai trò Ánh sẽ chọn một loại sách phù hợp và cần thiết với mình, để tham khảo và bồi bổ tri thức.
- Anh Hà Okio từng nói rất thích đọc sách thiếu nhi. Nhưng có vẻ anh không quan tâm đến sách thiếu nhi của Việt Nam, tại sao vậy? (Huy Minh, 27 tuổi, TP HCM)
- Hà Okio: Sách thiếu nhi vẫn luôn là sự yêu thích của tôi. Tuy nhiên tôi có cảm giác sự bay bổng có nhiều ở sách thiếu nhi nước ngoài. Thật ra tôi cũng không phân biệt sách thiếu nhi nước ngoài hay Việt Nam, quan trọng là phù hợp với sở thích của mình.
- Chào Giang, điều hạnh phúc nhất mà nghề viết văn mang đến cho bạn là gì? (Diễm Ái, 27 tuổi, TP HCM)
- Vũ Đình Giang: Nghề viết không mang lại hạnh phúc đâu bạn. Có chăng là việc giải phóng suy nghĩ và nếu độc giả thích thú với những điều tôi viết thì tôi có một chút hài lòng, rằng công việc của mình theo đuổi không hề vô nghĩa.
- Thưa nhà văn Vũ Đình Giang, văn chương là phản ánh từ cuộc sống, vậy lúc này, khi đất nước đang lạm phát, giá cả tăng cao thì nhà văn sẽ viết về điều gì? (Starfish, 21 tuổi, Hà Nội)
- Vũ Đình Giang: Theo tôi, văn chương thuộc về dòng chảy ngầm của cuộc sống nên nó không nhất thiết phải đuổi theo thời sự. Tôi nghĩ thế giới nội tâm phức tạp của con người trong bất kỳ thời đại nào mới là điều mà văn chương phản ánh.
- Anh Vũ Đình Giang ơi, trong 2 cuốn sách mà anh thích, em quan tâm tới cuốn "Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm" của Mark Haddon vì sáng nay, VTV1 vừa giới thiệu nó trong mục giới thiệu sách hay. Anh có thể giới thiệu cho em cũng như các bạn đọc của VnExpress được biết về nội dung cuốn sách đó, cảm nhận của anh về nó cũng như những ấn tượng mà Mark Haddon gây ra cho anh không ạ? (Đỉnh Nguyễn, 22 tuổi, ĐHXD Hà Nội)
- Vũ Đình Giang: Khi đọc tôi rất ngạc nhiên vì tác giả đã tìm hiểu kỹ, lặn sâu vào đời sống không dễ chia sẻ của một đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ. Dựa vào đó, tác giả đã sáng tạo một bút pháp văn chương độc đáo và phù hợp với tâm lý của đứa trẻ đó. Khi nỗi ngạc nhiên vì được khám phá trôi qua, giá trị nhân văn của cuốn sách đọng lại rất lớn, nhất là cho những người lớn hiểu thêm về thế giới của những đứa trẻ gặp vấn đề đặc biệt trong cuộc sống.
- Xin các anh chị cho biết suy nghĩ của mình về văn hóa đọc hiện nay? Anh chị chọn và đọc sách như thế nào? (Tạ Thị Kiều Anh, 30 tuổi, Hà Nội)
- Nguyệt Ánh: Hiện nay, văn hóa đọc ở các bạn trẻ vẫn nhiều và họ đã biết chọn những cuốn sách mình yêu thích và cần thiết cho bản thân, nhờ có nhiều thông tin để tham khảo qua báo chí, Internet... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bạn đọc sách theo phong trào. Theo tôi, tốt nhất các bạn nên có sự tham khảo chọn được cuốn sách mình cần và tiết kiệm được chi phí không cần thiết. Riêng bản thân Ánh thì nghĩ mình đủ chín chắn để chọn được sách phù hợp cho mình. Gần đây, tôi đọc nhiều sách kinh tế, để bổ sung kiến thức cho việc kinh doanh của mình. Những lúc muốn cân bằng và giảm stress, tôi tìm đến loại sách sống đẹp như Hạt giống tâm hồn, Thay thái độ đổi cuộc đời... Đôi khi, tôi cũng tìm đọc truyện tranh hay thiếu nhi như Harry Porter... để thư giãn.
- Vũ Đình Giang: Tôi thấy văn hóa đọc hiện nay khá phát triển và phong phú. Tuy nhiên do thông tin trên các phương tiện truyền thông hơi hỗn loạn, nên các biên tập viên báo chí phải công tâm và có sự nhiệt tình để hướng dẫn cho độc giả tìm đến các thể loại sách phù hợp nhất, tùy từng nhóm đối tượng đọc.
- Phan Hồn Nhiên: Có nhiều kênh để những người yêu sách tiếp cận với các tác phẩm và loại sách cần thiết là một trong những điểm nổi bật thay đổi văn hóa đọc của độc giả hiện nay. Tôi nghĩ đời sống bây giờ vận hành rất nhanh, nên đôi khi một số tác phẩm hay, có giá trị cũng phải chịu chung tốc độ xuất hiện nhanh và biến mất nhanh như thế, thậm chí có những quyển sách như tôi vừa đề cập ít được quan tâm đúng với tầm mức của nó. Dù sao thì tôi vẫn luôn tin rằng những tác phẩm có giá trị có một đời sống riêng trong lòng độc giả đồng điệu.
Rapper Hà Okio. |
- Hà Okio: Có nhiều người lo ngại văn hóa đọc đang biến mất, tôi thì thấy chẳng có gì phải lo. Người ta không đọc sách thì cũng có thể đọc trên mạng. Đó cũng là một cách tiếp nhận kiến thức. Còn chuyện đọc sách gì phụ thuộc vào sở thích và nhu cầu, mà những chuyện này thì rất khó để tranh cãi. Bản thân tôi sẽ đọc những gì giúp tôi giải trí và cho tôi những gợi ý trong cuộc sống, nên tôi đọc từ truyện tranh về con nít đến sách về tâm lý học.
- Chị Phan Hồn Nhiên có nhận xét gì về nhân vật nhà văn nữ trong tiểu thuyết "Song song" của anh Vũ Đình Giang? (Mạnh Hà, 27 tuổi, Q.3, TP HCM)
- Phan Hồn Nhiên: Vũ Đình Giang luôn có lựa chọn, cân nhắc đặc biệt để tạo ra những nhân vật độc đáo. Cùng với diễn biến bất ngờ, tâm lý khai thác sắc sảo, xây dựng hình ảnh nhân vật riêng biệt cũng là một thế mạnh đặc biệt của Vũ Đình Giang. Nhân vật nhà văn nữ trong Song song cũng nằm trong hệ thống nhân vật khá thống nhất của anh. Tôi nghĩ, giữa những nhân vật nam đồng tính trong tác phẩm, sự xuất hiện của nhà văn nữ này vừa là đối trọng vừa là một điểm thắt nút ẩn giấu nhiều bí mật hấp dẫn trong tác phẩm.
- Anh chị nghĩ sao về trào lưu viết về sex phổ biến trong văn học Việt Nam hiện nay? (An Nhiên, 27 tuổi, TP HCM)
- Nguyệt Ánh: Nguyệt Ánh nghĩ không chỉ trong văn học mà trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như: điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật... thì sex đều là một đề tài phổ biến, được nhiều người quan tâm chứ không riêng trong văn chương.
Tôi thấy văn học của mình hiện nay khai thác khá nhiều đề tài hay khác nhau và sex chỉ là một trong những đề tài mà thôi. Nhưng vì từ sex khá nhạy cảm, nó được quan tâm nhiều hơn nên dễ gây cảm tưởng về một trào lưu.
- Hà Okio: Tôi xin kể một chuyện. Tôi đọc xong Cánh đồng bất tận và tôi nghe mọi người bàn tán là truyện này khá táo bạo về sex. Nhưng riêng tôi thì thấy trí tưởng tượng nhà văn rất phong phú và hướng thiện, còn tình dục không phải là dụng ý của tác giả.
- Vũ Đình Giang: Tôi phản đối từ "trào lưu". Mọi chủ đề mà chúng ta hay nghĩ là nhạy cảm và cấm kỵ như tình dục, chính trị, tôn giáo thì các nhà văn thế giới đã khai thác nhuần nhuyễn từ lâu, nhưng ở Việt Nam vì thời đại đã cởi mở hơn cho nên các nhà văn trẻ khai thác chúng một cách bạo dạn. Đặt chúng vào thế bình đẳng với các chủ đề khác. Đề tài sex hấp dẫn, và có được chấp nhận hay không tùy thuộc vào "tay nghề" của nhà văn.
- Chị Phan Hồn Nhiên ơi! Em rất thích đọc truyện ngắn của chị, kể từ khi chúng xuất hiện trên các báo HHT, SVVN H!, như "Anh và em sinh đôi"," Áo bông chần đỏ", "Bay về phương Bắc", "Bưu thiếp từ Stuttgart", "Cánh trái", "Cánh xanh trong suốt", "Câu chuyện cà phê", "Cổ tích", "Cổng bình minh"... Trong đó, em chú ý tới trong một số truyện như "Thẻ Xanh" chị sử dụng bút danh "Quý Quý", chị có thể giải thích xuất xứ của cái bút danh đáng yêu đó không ạ? (Đỉnh Nguyễn, 22 tuổi, ĐHXD Hà Nội)
- Phan Hồn Nhiên: Tôi có một người bạn rất thân tên Quý. Đôi khi để giảm tình trạng xuất hiện dày đặc, tôi sử dụng bút danh này như một kỷ niệm về tình bạn kéo dài từ tuổi ấu thơ.
- Chào chị Nguyệt Ánh! Chị làm rất nhiều nghề, MC, ca sĩ, diễn viên và giám đốc một công ty. Hỏi thật, chị còn đâu thời gian để đọc sách? Trung bình mỗi tháng chị đọc được bao nhiêu trang sách (bất cứ thể loại nào)? (Bùi Hồng Hạnh, 29 tuổi, Nha Trang, Khánh Hòa)
- Nguyệt Ánh: Thật ra Ánh có thói quen mỗi tối trước khi ngủ đều tranh thủ đọc một cuốn sách mà mình yêu thích. Vì nó đã trở thành thói quen rồi nên cũng khó để mà biết mình đọc bao nhiêu trang sách vào mỗi tháng. Điều quan trọng là mình có thật sự thích đọc sách hay không, còn bất cứ lúc nào mình có thời gian rảnh thì đều có thể đọc được.
- Người ta thường bảo "văn Bắc báo Nam". Những người trẻ ở Sài Gòn chỉ giỏi làm báo, chứ văn chương thì cũng bình thường thôi. Anh Giang và chị Nhiên có thấy vậy không? (Tiggana Tí Con, 28 tuổi, Bảo Lộc, Lâm Đồng)
- Vũ Đình Giang: Tôi cho rằng nhận định này chưa chính xác. Nếu tìm hiểu kỹ, bạn sẽ thấy mỗi vùng miền đều có những tài năng trong cả văn lẫn báo.
- Phan Hồn Nhiên: Bạn nghĩ sao nếu các nhà báo giỏi hiện làm báo tại miền Bắc, hay các nhà văn có tác phẩm nổi tiếng ở phía Nam bị "ám ảnh" bởi thành kiến này. Tôi nghĩ khi đọc tác phẩm văn chương hay báo chí, độc giả chỉ chú ý đến chất lượng tác phẩm chứ không mấy ai để tâm đến xuất xứ vùng miền của các tác giả.
- Chào anh Hà. Được biết anh tự đặt lời rap cho mình. Anh dựa vào đâu để sáng tác? Bởi tôi thấy lời rap Việt đôi khi... "vô duyên". Anh nghĩ sao? (Kiến Tâm, 21 tuổi, Lê Văn Sỹ, Q3, TP HCM)
- Hà Okio: Cảm ơn bạn đã theo dõi sự phát triển của dòng nhạc còn rất non trẻ ở Việt Nam. Tôi viết lời cho các ca khúc dựa vào cuộc sống, những kinh nghiệm bản thân, những sự tưởng tượng của cá nhân. Theo tôi nghĩ, để có một kết quả thì trước đó phải có nguyên nhân, đôi khi những tưởng tượng, những ý kiến riêng của người sáng tác rất riêng tư. Việc tác phẩm có phù hợp với từng hoàn cảnh, môi trường cụ thể lại phụ thuộc vào từng người nghe.
- Chào chị Nguyệt Ánh! Trước đây tôi có đọc một bài viết của chị trên báo KTGĐ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chị viết về mối quan hệ của chị với một đồng nghiệp cùng tên. Tôi thấy chị viết cũng có duyên lắm. Chị có nghĩ, mai mốt cũng viết sách không, như viết hồi ký chẳng hạn? (Phan Thế Hữu Toàn, 24 tuổi, Phan Thiết, Bình Thuận)
- Nguyệt Ánh: Cảm ơn bạn đã nhớ đến bài viết này. Thật ra đã có lúc, Ánh có ý định viết một cuốn sách về cuộc sống của mình và những kinh nghiệm muốn chia sẻ với các bạn cùng trang lứa, vì ở phổ thông, Ánh là học sinh chuyên Văn - Anh. Vào đại học, Ánh học ở trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nên cũng có một chút khả năng viết lách. Tuy nhiên, thời gian này Ánh quá bận rộn trong khi đó việc viết sách đòi hỏi đầu tư nghiêm túc về mặt thời gian. Nên bạn hãy chờ trong tương lai nhé.
- Nhiều người nhìn anh Hà thấy trẻ trung nhưng khó gần. Là bản tính hay do tính chất của thể loại nhạc mà anh chọn? (Quý Vân, 21 tuổi, Bến Chương Dương, Quận 1, TP HCM)
- Hà Okio: Xin lỗi bạn vì bạn đã có một ấn tượng đầu tiên không được vui. Tuy nhiên, tôi luôn luôn mong muốn được kết bạn với nhiều người, và tôi đang học hỏi cách cư xử cho phù hợp với mọi hoàn cảnh, tình huống trong cuộc sống. Hy vọng là bạn sẽ hiểu được điều đó và tiếp tục ủng hộ trong thời gian tới.
- Nguyệt Ánh... Cái tên này ắt hẳn rất quen thuộc với khán giả truyền hình. Em khâm phục tính thẳng thắn của chị. Chị không những tài giỏi mà còn là một người phụ nữ rất năng động. Cuộc sống có rất nhiều khó khăn và những lời dị nghị. Vậy chị đã vượt qua những điều đó như thế nào? (Nấm Lùn, 24 tuổi, Hà Nội)
- Nguyệt Ánh: Cảm ơn lời khen của em. Tình cảm của em chính là một trong những điều giúp chị vượt qua tất cả khó khăn trong công việc của mình. Với chị, đã là người của công chúng thì phải biết chấp nhận những lời dị nghị, gièm pha về mình. Tuy nhiên, trước những khó khăn thì tình cảm của người thân, gia đình, bạn bè và khán giả là phần thưởng quý giá nhất, giúp chị vượt qua tất cả.
- Thu Minh có phải là giọng hát mà Hà Okio thích kết hợp nhất không? Anh có kế hoạch nào tiếp tục cộng tác với Thu Minh sau "Thiên Đàng"? (Mlightvn, 21 tuổi, TP HCM)
- Hà Okio: Các nghệ sĩ mà tôi đã kết hợp mỗi người là một cá nhân rất tiêu biểu. Được cộng tác với họ là điều may mắn đối với tôi. Việc kết hợp đó hoàn toàn ngẫu nhiên và tôi tin rằng nếu chúng tôi có duyên thì sẽ gặp lại nhau.
- Tiểu thuyết "Song song" viết về đời sống nội tâm của những người đồng tính, được đánh giá là ngoạn mục và gay cấn như một vũ điệu thăng bằng trên dây, một bên là sex đồng tính còn một bên là bạo lực và tội ác. Vậy anh đã thâm nhập vào đời sống của những người đồng tính như thế nào? Anh có dự định viết tiếp một cuốn tiểu thuyết nữa về đề tài đồng tính nữa không vì đây là đề tài đang "hot"? (Bùi Ngọc Quý, 21 tuổi, TP HCM)
- Vũ Đình Giang: Thật khó để nói chi tiết về chuyện "bếp núc" khi chuẩn bị chất liệu cho cuốn sách đó. Với tôi, vốn sống và vốn hiểu nằm ngay ở mắt nhìn của mình, và phụ thuộc vào nhận thức cởi mở của mình đối với người đồng tính. Tuy nhiên, quá trình xây dựng cuốn sách cũng diễn ra khó khăn. Theo tôi, những người đồng tính đang sống quanh ta và có những đóng góp bình đẳng cho xã hội. Về dự định, tôi nghĩ khi chất liệu đó đã được khai thác xong, tôi sẽ tìm đến đề tài khác. Hiện tôi chưa có ý định viết một cuốn tương tự.
- Chào Okio, theo tôi biết nhạc rap thường phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội chứ không đơn thuần là ghép vần câu chữ cho xuôi tai hoặc cố ý vần vè cho ra bài để hát. Vậy anh có nghĩ, những bài rap anh sáng tác vẫn chưa thật sự có bề sâu mà chỉ mới khoác chiếc áo đẹp bên ngoài? (Linh Anh, 24 tuổi, TP HCM)
- Hà Okio: Xin chào bạn và tôi muốn hỏi là bạn đã nghe được những ca khúc nào của tôi, và bạn đang muốn đề cập tới ca khúc nào. Như tôi đã nói ở trên, tôi viết dựa vào kinh nghiệm, cảm xúc và sự tưởng tượng của cá nhân. Do vậy, mỗi ca khúc sẽ phù hợp với từng hoàn cảnh.
Các nhà văn và ca sĩ tại tòa soạn Vnexpress. |
- Thưa các anh chị, gần đây ở VN xuất hiện rất nhiều các tiểu thuyết mà nội dung chứa đựng sex, chẳng hạn như sách của Haruki Murakami, của Tào Đình, Vệ Tuệ. Theo anh chị, liệu những tác phẩm đó có ảnh hưởng tiêu cực tới tư tưởng của giới trẻ VN không ạ? (Đỉnh Nguyễn, 22 tuổi, ĐHXD Hà Nội)
- Vũ Đình Giang: Những tác giả này đã được đón nhận nồng nhiệt tại đất nước của họ, không lẽ giới trẻ của họ bị ảnh hưởng tiêu cực hết sao. Bạn biết đấy, sách vở chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định trong đời sống của giới trẻ. Bên cạnh đó còn có phim ảnh và nhiều loại hình thông tin, giải trí khác. Quan điểm về sự tiêu cực hay không thì tùy thuộc vào cách đọc, vào thái độ, và sự chuẩn bị tâm lý của độc giả khi đến với tác phẩm như thế nào mà thôi.
- Phan Hồn Nhiên: Ở vị trí của người viết, tôi nghĩ phần lớn các nhà văn khi đưa nội dung sex vào tác phẩm thì sử dụng nó như một chất liệu giống các chất liệu "sống" khác, vấn đề là sự lựa chọn, và bản lĩnh của người đọc. Hiện nay, người đọc trẻ có điều kiện tiếp cận những tác phẩm khá rộng rãi nên kinh nghiệm đọc của họ khá tốt. Tôi nghĩ nếu không dám va chạm với những tác phẩm "nặng đô" thì liệu độc giả có tạo được "bộ lọc" cho mình hay không?
- Nguyệt Ánh: Ánh nghĩ đọc những cuốn sách này như là một hình thức giáo dục giới tính nói chung, có thể có người thích, có người không và nó phụ thuộc rất nhiều vào sự cảm nhận của mỗi người. Tuy nhiên, với tôi những cuốn sách bạn kể trên rất thú vị.
- Anh lấy cảm hứng từ đâu để viết lời rap cho ca khúc "Xích lô" của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh? Bao giờ album riêng của anh sẽ phát hành? (Dovuongphong, 25 tuổi, Nhật Bản)
- Hà Okio: Cảm xúc đó có từ chính bài hát và hình ảnh của người đạp xích lô, chạy xe ôm trong đời sống hằng ngày. Còn album riêng, theo bạn thì nên phát hành vào lúc nào?
- Anh Hà Okio ơi, khi người ta ở tuổi 27 và đọc Doremon hay Conan, họ sẽ thu thập được gì từ kinh nghiệm bản thân? (Cao Vân, 24 tuổi, TP Huế)
- Hà Okio: Tôi đọc Conan và Doremon từ lúc 10 tuổi. Đến bây giờ thì tôi vẫn thấy thích thú. Bạn nhắc làm tôi muốn đọc lại chúng. Đọc Conan và Doremon, thu thập được rất nhiều, nhất là được cảm giác thoải mái và sự thư giãn.
- Chào Nguyệt Ánh, chị thích đọc sách của những nhà văn nào? Lúc buồn có bao giờ chị làm thơ không? (Minh Hằng, 25 tuổi, Hà Nội)
- Nguyệt Ánh: Gần đây tôi thích đọc sách của Nguyễn Ngọc Tư và Phan Hồn Nhiên, vì đây là những tác giả trẻ và suy nghĩ của họ rất mới mẻ và thú vị. Đọc sách của họ cũng là cách tôi hiểu hơn về những người trẻ đang sống quanh mình.
Thơ thì tôi không thích lắm. Mặc dù là người lãng mạn nhưng tôi lại thích những lãng mạn đó biến thành hiện thực hơn là chỉ thể hiện vào thơ. Khi buồn tôi lấy cuốn sách mình yêu thích ra đọc, hoặc là rủ những bạn bè thân thiết nhất đi uống cà phê, tán gẫu hay thưởng thức một bản nhạc.
- Hà Okio và Nguyệt Ánh thân mến, nếu có người nói, ca sĩ mà đọc sách cũng giống như người đang cố đeo đồ trang sức để khoe mẽ thì bạn nghĩ sao? (Phan Quoc Nguyen, 25 tuổi, TP HCM)
- Nguyệt Ánh: Nếu vậy theo bạn thì những người làm ca sĩ như chúng tôi không được đọc sách hay sao. Theo tôi, quan trọng là ý thức tự giác của mỗi người. Bản thân tôi luôn biết rõ mục đích vì sao tôi phải đọc sách.
- Hà Okio: Trang sức như thế thì cũng đẹp và an toàn đấy bạn ạ.
- Hai nhà văn Phan Hồn Nhiên và Vũ Đình Giang là bạn thân của nhau? Anh chị có bị ảnh hưởng lẫn nhau không? (Minh Long, 24 tuổi, TP HCM)
- Vũ Đình Giang: Nếu bạn đọc kỹ chúng tôi thỉ sẽ thấy sự khác biệt cả phong cách lẫn nội dung của 2 người. Văn của Nhiên thiên về sự tinh tế, sang trọng, khám phá và khai thác tâm lý cũng như đời sống của người trẻ đô thị. Diễn đạt không gian tâm trạng của nhân vật độc đáo là một thế mạnh trong văn Phan Hồn Nhiên. Bạn sẽ nhận thấy rõ điều đó trong tác phẩm Công ty, do NXB Trẻ mới phát hành.
- Phan Hồn Nhiên: Ngay từ khi mới đọc tôi đã ấn tượng bởi văn Vũ Đình Giang. Một trong những phẩm chất mà tôi đánh giá cao ở anh là ý thức rõ nét về công việc của người viết, nỗ lực thay đổi và bứt phá với chính mình. Chính vì thế, mỗi tác phẩm mới của Giang trình làng là một bất ngờ để mọi người chờ đợi. Nếu có ảnh hưởng lẫn nhau thì đó là sự kỹ lưỡng và khắt khe với chính mình và tác phẩm.
- Chào anh Hà Okio, tại sao anh có biệt danh nghe giống người nước ngoài quá vậy? Nghe nói anh có tham gia hát rap trong phim "Nụ hôn thần chết" phải không? Anh có thể kể kỷ niệm thú vị về công việc này? (Vân Anh, 24 tuổi, TP HCM)
- Hà Okio: Okio chỉ đơn giản là một nickname. Về Nụ hôn thần chết thì đúng là tôi có tham gia. Điều thú vị là người cô ruột của tôi vẫn hay hỏi là tôi đang tập đọc, mãi không hát được à?
- Nguyệt Ánh ơi, tôi nhìn thấy bạn là một người phụ nữ khá xinh đẹp và có cá tính. Tôi cũng là nguời đã đọc cuốn sách "Thay thái độ, đổi cuộc đời" rồi. Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, vậy tôi muốn hỏi Ánh một câu: Ngoài đọc sách ra, Ánh còn có sở thích gì nữa không? (Nguyễn Việt Hùng, 30 tuổi, Sóc sơn Hà nội)
- Nguyệt Ánh: Đó là nghe nhạc và tập thể dục. Với tôi, sức khỏe và tinh thần vui vẻ rất quan trọng, bởi nó giúp tôi có thể làm được nhiều việc hơn, tỉnh táo hơn để vượt qua mọi khó khăn trong công việc.
- Tôi đang chờ đợi một cuốn tiểu thuyết của chị Phan Hồn Nhiên? Câu trả lời của chị thế nào? (Phương An, 21 tuổi, Cống Quỳnh, TP HCM)
- Phan Hồn Nhiên: Tiểu thuyết là một thử thách rất lớn với nhà văn, nó đòi hỏi một nội lực "thâm hậu", một vốn sống dày dặn. Tôi vốn khá kỹ lưỡng và cẩn trọng. Hiện nay, tôi đang khổ luyện với các truyện ngắn để đào sâu hơn về cấu trúc và nội dung. Tôi hy vọng đến một lúc nào đó không xa tôi cho phép mình khởi sự tiểu thuyết đầu tay của mình.
- Anh Vũ Đình Giang, những câu chuyện của anh thường mang dáng dấp của nỗi buồn, lắm lúc lập dị. Vì sao anh không viết những tác phẩm có nhiều tiếng cười hơn một chút. Anh muốn tìm cho mình một giọng điệu riêng trong dòng văn học trẻ hiện nay, hay muốn thể hiện bản ngã của mình? (Meo Meo, 23 tuổi, Q. Bình Thạnh, TP HCM)
- Vũ Đình Giang: Khi sáng tác, mỗi tác giả thường lựa chọn một dòng chất liệu riêng, dựa trên vốn sống, mối quan tâm, và có thể có cả tính cách của tác giả. Phong cách của tôi như thế vì tôi thấy nó phù hợp với mình. Khi mình viết những gì mình thấu hiểu thì trang viết mới riêng biệt, và truyền đạt sự rung cảm, đi sâu vào tâm trí bạn đọc.
- Hi anh Hà Okio. Được biết anh có hát ở bar Acoustic, nhưng chưa thấy anh ra CD hay hát đơn trên các sân khấu lớn. Anh có thể cho biết lý do? (Thanh Xuân, 25 tuổi, Quận 5, TP HCM)
- Hà Okio: Xin cám ơn bạn đã quan tâm. Việc ra CD phụ thuộc vào nhiều yếu tố, yếu tố chính vẫn là tôi, nhưng tôi quan niệm là muốn đưa một sản phẩm nào ra công chúng thì phải tươm tất. Nếu mà chưa đạt được điều đó thì tôi chưa dám thực hiện.
- Những người viết trẻ hiện nay, ai đang khiến chị Phan Hồn Nhiên và anh Vũ Đình Giang đặc biệt chú ý? (Nhân Văn, 25 tuổi, Ba Đình, Hà Nội)
- Vũ Đình Giang: Những người viết trẻ chúng tôi ai cũng cố gắng tìm kiếm những phương thức biểu đạt riêng để tiếp cận với độc giả. Thật khó để liệt kê một vài tên tuổi cụ thể. Tôi chỉ biết chúc cho họ thành công với sự chọn lựa của mình.
- Phan Hồn Nhiên: Sự âm thầm để làm việc là một điều cần thiết với những cây bút mới xuất hiện. Tôi hy vọng bằng chất lượng tác phẩm, những cây bút tiềm năng sẽ tự chứng minh với số đông dộc giả. Tôi e rằng nhận xét hoặc đề cử của tôi có thể không chính xác.
- Được biết anh Giang làm việc tại NXB Kim Đồng, hằng ngày quẩn quanh trong sách truyện thiếu nhi và những hình họa tương đối căn bản, có khiến anh chùn tay? (Huy Trường, 25 tuổi, Quận 7, TP HCM)
- Vũ Đình Giang: Thế giới đó rất rộng lớn chứ không hề quẩn quanh như bạn nghĩ. Việc làm sách cho thiếu nhi thật ra không hề đơn giản, mỗi tác phẩm phải có tiếng nói gần gũi với tuổi thơ, và được trẻ em chấp nhận. Còn cụm từ "hình họa tương đối căn bản" tôi thấy không rõ nghĩa lắm, nhưng tôi có thể tiết lộ cho bạn biết, ví dụ một cuốn truyện tranh cho thiếu nhi là công sức và tâm huyết của cả một tập thể họa sĩ và nhà văn chuyên nghiệp tạo dựng nên.
- Hi anh Okio. Em thấy anh có vẻ ngoài rất xinh, giọng hát cũng dễ thương. Anh có định hát dòng nhạc khác không phải thể loại bây giờ, biết đâu giúp anh nổi tiếng hơn? (An Nhơn, 25 tuổi, Võ Văn Tần, Q.3, TP HCM)
- Hà Okio: Xin cám ơn bạn. Có chứ, tôi là một người thích đa thể loại và hy vọng đặc điểm này sẽ giúp tôi tìm được chính mình. Tôi chịu ảnh hưởng của dòng nhạc soul, R&B.
- Mọi người thường ngại khi nói chuyện hay bàn tán về sex, tình dục. Vậy anh có ngại khi viết sách về vấn đề này không? Anh có sợ dư luận hay phê bình này nọ không? Thưa anh Giang! (Nguyễn thanh tùng, 22 tuổi, Hạ long, Quảng Ninh)
- Vũ Đình Giang: Nếu tôi e ngại thì cuốn tiểu thuyết Song song đã không thể ra mắt bạn đọc như bạn đã thấy. Khi viết, tôi chỉ tập trung vào suy nghĩ của riêng mình và tìm cách diễn đạt sao cho hiệu quả nhất. Mọi phê bình hay dư luận thường xuất hiện sau khi tác phẩm ra đời, và sự thật tôi không bị phân tâm vì dư luận.
- Chị Hồn Nhiên ơi! Chị có giới thiệu các tác phẩm của mình ở nưóc ngoài không? Em muốn có một cuốn sách của chị ở Nhật thì phải làm sao? (Nguyễn Thanh Tùng, 24 tuổi, 12B-H1 Tập thể ĐHSP-I Hà Nội)
- Phan Hồn Nhiên: Rất cám ơn sự quan tâm của bạn. Việc quảng bá và phát hành tác phẩm không phải do nhà văn đảm nhiệm, cho nên dù rất muốn, nhưng tôi chưa có điều kiện phát hành các tác phẩm của mình ở nước ngoài. Rất tiếc vì tôi chưa có sách phát hành ở Nhật, nhưng nếu bạn thực sự quan tâm, Nhiên xin gửi tặng bạn cuốn Công ty do NXB Trẻ mới phát hành. Bạn vui lòng gửi thông tin chính xác của bạn về địa chỉ: Phan Hồn Nhiên, Báo Sinh viên Việt Nam - 502 Lê Văn Sỹ - Quận 3 - TP HCM.
- Chào chị Nguyệt Ánh. Chị nghĩ thế nào về tác phẩm "Rừng Nauy"(Lò Văn Phốc, 20 tuổi, 309 - G3 Hà Nội)
- Nguyệt Ánh: Cuốn sách đó Ánh đọc rồi và thấy nó có những thú vị riêng của nó. Cuốn này được quảng bá ở Việt Nam rất rầm rộ và tôi cũng tò mò đọc thử. Tuy nhiên đó không phải là cuốn sách mà tôi yêu thích nhất.
- Chào anh chị Giang và Nhiên. Tôi đã chứng kiến những người làm sách và kinh doanh sách thì rất khá giả, trong khi những người viết sách chẳng no đủ gì. Anh chị có thấy đây là một nghịch lý không? (Hoàng Nữ Thục Anh, 31 tuổi, Long Phú, Sóc Trăng)
- Phan Hồn Nhiên: Như một điều đã được mặc định, nhà văn rất hiếm ai "no đủ" bằng tác phẩm đơn thuần. Khi nào công nghệ làm sách ở Việt Nam chuyên nghiệp và đồng bộ ở tất cả các khâu thì tình trạng như bạn vừa nêu sẽ lùi vào quá khứ.
- Vũ Đình Giang: Tôi nghĩ rằng không phải bất cứ người làm sách hoặc kinh doanh sách nào cũng khá giả. Riêng với sách văn học thì số lượng phát hành bao giờ cũng ít hơn các thể loại sách khác. Thực tế trên thế giới có rất ít nhà văn "sống được" bằng việc bán tác phẩm. Nhưng tôi nghĩ giá trị khác đến từ phía sau công việc đó có ý nghĩa rất lớn. Độc giả chính là những người góp phần hạn chế sự nghịch lý đó bằng việc mua sách nhiều hơn.
- Ý kiến của các anh chị thế nào khi có một số ý kiến cho rằng tác phẩm truyện và nhạc hiện nay chỉ chạy theo thị hiếu mà không để lại nhiều ấn tượng cho người đọc và người nghe. Liệu có phải do người đọc, người nghe? (Quang Vinh, 30 tuổi, Hà Nội)
- Nguyệt Ánh: Tôi không biết những người có ý kiến đó đã đọc bao nhiêu sách, đã nghe bao nhiêu nhạc. Mỗi người một ý và tôi tôn trọng tất cả mọi ý kiến. Còn đối với bản thân thì chúng tôi luôn tin tưởng vào những sản phẩm của mình.
- Hà Okio: Theo tôi, chất lượng của sản phẩm là do người thực hiện. Tôi thông cảm cho những ai đọc hoặc nghe phải những sản phẩm đó.
- Vũ Đình Giang: Theo tôi thì không thể nhận xét chung chung như vậy. Trong nghệ thuật, nếu muốn biết việc chạy theo thị hiếu hay không thì bạn cần phải kiểm tra từng cái tên cụ thể. Chính người đọc, người nghe góp phần quan trọng trong việc hình thành thị trường nghe, đọc. Nhưng tôi cho rằng một người nghệ sĩ đích thực là người quyến rũ công chúng theo mình.
- Phan Hồn Nhiên: Tôi nghĩ mỗi tác phẩm, mỗi album đều ít nhiều gửi gắm thông điệp của người làm nghệ thuật tới độc giả, thính giả. Tùy vào mức độ cảm nhận của từng người mà tác phẩm hay album đó được đánh giá là ấn tượng hay không. Có thể vì thưởng thức quá nhiều, thiếu chọn lọc cho nên bạn có cảm giác là không ấn tượng. Không chỉ người sáng tác luôn phải thay đổi, làm mới mà cả người nghe, người đọc cũng phải thay đổi cách nghe, cách đọc. Sự tương tác này, theo tôi, là hữu ích cho cả hai phía.
- Có bao giờ sau một nỗi buồn, anh chị nghĩ rằng mình sẽ từ chối sách, nơi sẽ cho anh chị thêm những nỗi buồn, thêm những dằn vặt, vì bên cạnh những cái sáng rõ mà sách mang lại, dường như người ta cũng nhìn thấy nỗi đau của mình rõ hơn? (An Phương, 25 tuổi, Tân Bình, TP HCM)
- Vũ Đình Giang: Tôi nghĩ đọc sách không chỉ là chuyện để buồn hay vui mà là để trải nghiệm cảm giác - thứ mà bạn không phải lúc nào cũng có thể thu nhận hết trong đời thực.
- Phan Hồn Nhiên: Tôi không thể hình dung đầu óc mình sẽ ra sao nếu cuộc sống của tôi thiếu vắng sách. Tôi tin rằng, những lời giải tốt nhất, những kinh nghiệm sống hữu ích nhất đều có thể tìm thấy trong sách. Vì thế, việc hóa giải nỗi buồn bằng sách là phương cách hữu hiệu chứ sách không "nhấn chìm" bạn vào nỗi buồn đâu.
- Hà Okio: Chúng ta đều có quyền lựa chọn sách phù hợp với chính mình, và sự lựa chọn đó nó sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng người đọc.
- Nguyệt Ánh: Bạn nói cũng đúng, nhưng sách đâu chỉ có nỗi buồn phải không bạn. Trong thế giới mênh mông của sách vở còn có những niềm tin, hy vọng, và cả nghị lực để giúp mình vượt qua những nỗi đau, nỗi buồn của bản thân. Vấn đề quan trọng nhất là bạn chọn sách gì để đọc.