Bức "Cầu duyên" của Phạm Minh Tùng. Triển lãm diễn ra từ 5/1 đến 28/2 tại phòng tranh Tự Do, TP HCM., quy tụ tác phẩm của tám họa sĩ: Nguyễn Văn Phương, Trịnh Thanh Tùng, Bùi Quang Ánh, Nguyễn Tuấn Đức, Phạm Minh Tùng, Văn Chiến, Quang Hải, Trần Thị Thu Hà. Các tác phẩm tại triển lãm đều phản ánh sinh hoạt tâm linh, dân gian trong những ngày Tết truyền thống của người Việt. "Dâng lễ đền Ngọc Sơn" của Phạm Minh Tùng. Chủ đề yêu thích trong tranh Phạm Minh Tùng là lễ hội ngày xuân ở Hà Nội. Những khuôn mặt vui tươi, phúc hậu, thành kính đội lễ vật lên chùa dâng hương cúng Phật, để cầu phúc, cầu an những ngày đầu năm khiến tranh của ông rất gần với tranh dân gian. "Mùa xuân Văn Miếu" của Nguyễn Văn Phương. "Nguyễn Văn Phương vẽ nhiều tranh khổ lớn, bố cục nhiều người, thường dùng màu nguyên chất với hai gam nóng chủ đạo là vàng cam và đỏ son, luôn có đường viền đen. Bắt gặp ở thế giới hội họa Nguyễn văn Phương là niềm vui hưng phấn của lễ hội mà ông cho là thời đại mùa xuân vĩnh cửu", họa sĩ Đinh Cường nhận xét về tranh của Nguyễn Văn Phương. "Tiếng lòng", sơn mài của Quang Hải. "Sơn mài cho ta sự cảm thụ một cách thích thú và mê đắm bởi sự huyền bí, sâu lắng nhưng quyến rũ. Mộc mạc như vỏ trai, vỏ trứng, bột điệp, bột son đến lung linh sang trọng như vàng, bạc, nhũ và sự huyền ảo ngọt ngào của màu cánh gián cứ như quyện vào, quyện vào để rồi tiết ra cái hồn, cái khí của con người, của trời đất", họa sĩ chia sẻ. "Quạnh quẽ" của Nguyễn Tuấn Đức. Tranh phong cảnh của Nguyễn Tuấn Đức là những cảm xúc, tình yêu thiên nhiên nhẹ nhàng và lãng mạn. "Trăng nghiêng" của Trần Thị Thu Hà. Họa sĩ Tô Ngọc Thành chia sẻ cảm nhận: "Xem tranh của nữ họa sĩ cho ta một thẩm mỹ mới về hội họa, đó là sự biểu cảm từ bên trong của người nghệ sĩ. Nghệ thuật không chỉ dừng ở miêu tả thế giới quanh ta, nghĩa là nghệ thuật không chỉ là nhìn thấy, mà còn là cảm thấy, theo khuynh hướng biểu hiện". "Biển vắng" của Nguyễn Tuấn Đức. "Nghinh phong" của Nguyễn Tuấn Đức. "Phố cổ Hà Nội", sơn mài của Văn Chiến. Sơn mài truyền thống là chất liệu quyến rũ Văn Chiến. Kỹ thuật cẩn vỏ trứng của họa sĩ này cũng khá đặc sắc. Ông chuyển nhiều chất liệu của sơn mài qua tranh sơn dầu thành công như vàng, bạc, sơn then… Thất Sơn