Tổng công ty cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mới đây tổ chức cuộc gặp với các nhà đầu tư. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VietCap từ cuộc gặp này, ban lãnh đạo Sabeco bày tỏ lo ngại giá nhôm biến động mạnh làm tăng chi phí dự phòng và gây khó khăn cho kế hoạch tài chính của họ.
Nhôm là thành phần quan trọng trong sản xuất bia đóng hộp. Gần một năm qua, giá nguyên liệu này liên tục biến động, hiện ở 2.639 USD một tấn. Mức này tăng 18% so với cùng kỳ.
Theo doanh nghiệp, xung đột địa chính trị, nhất là chiến sự Nga - Ukraine ảnh hưởng lớn đến nguồn cung nhôm toàn cầu do Nga là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Các lệnh trừng phạt làm hạn chế nguồn cung, đẩy giá nhôm tăng. Ngoài ra, biện pháp hạn chế xuất khẩu từ các nước sản xuất lớn như Trung Quốc cũng khiến nguồn cung nguyên liệu này bị thắt chặt.
Sabeco cho biết họ sẽ dự phòng nguyên liệu này trong thời gian ngắn hơn, thay vì 6-12 tháng như trước. Việc này nhằm tăng linh hoạt, giúp doanh nghiệp đàm phán chi phí chuyển đổi với nhà cung cấp.
Ngoài nhôm, hãng bia này cũng đang sử dụng đại mạch (nguyên liệu để nấu bia) với giá mua cao từ trước. Việc này ảnh hưởng tới tổng chi phí bao bì nguyên liệu của họ. Tuy nhiên, công ty dự kiến dùng hết lượng đại mạch này trong vài tháng tới và có thể mua được nguồn nguyên liệu giá thấp hơn để cân bằng chi phí.
Ở chiều ngược lại, một số yếu tố giúp cân bằng lại biên lãi của "ông lớn" ngành bia. Ban lãnh đạo Sabeco dự báo việc hợp nhất với Sabibeco (thương vụ hoàn tất tháng 1/2025) sẽ giúp biên lợi nhuận gộp của hãng tăng 1-1,5 điểm phần trăm, tùy vào phân bổ sản lượng giữa các nhà máy thuộc công ty con và liên kết.
Họ cũng kỳ vọng sản lượng và biên lợi nhuận năm nay sẽ cao hơn 2024, với mục tiêu trưởng tiêu thụ bia ở mức một chữ số trong kịch bản tốt nhất.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, Sabeco ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng 5% lên 31.872 tỷ đồng, lãi gộp tăng 2% đạt 9.318 tỷ. Doanh thu tài chính giảm 26% do lãi tiền gửi thấp. Chi phí tài chính và bán hàng lần lượt hạ 66% và 10%.
Nhờ tiết giảm chi phí, nhu cầu phục hồi, hãng đạt lợi nhuận sau thuế 4.495 tỷ đồng, tăng 6% so với 2023. Tức là mỗi ngày hãng bia Sài Gòn lãi hơn 12 tỷ đồng. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp của hãng giảm nhẹ, còn hơn 29%.
Theo Nielsen, Sabeco duy trì vị trí số một tại Việt Nam, khi họ giành thêm thị phần, đặc biệt tại miền Bắc. Sản lượng bia bán qua kênh mua mang về tăng mạnh, nhưng tiêu thụ tại chỗ lại ảm đạm, chỉ nhích nhẹ vào các dịp lễ cuối năm.
Kết quả kinh doanh 2024 vẫn tăng trưởng, Sabeco tạm ứng cổ tức 20% tiền mặt, tương ứng 2.000 đồng một cổ phiếu. Vietnam Beverage (thuộc ThaiBev) - cổ đông lớn nhất của hãng nắm 53,6% vốn - nhận hơn 1.375 tỷ đồng cổ tức.
Lũy kế từ cuối 2017 - thời điểm họ thâu tóm hãng bia Sài Gòn, ThaiBev đã nhận hơn 12.030 tỷ đồng cổ tức, tương đương 11% vốn đầu tư. Tập đoàn này đánh giá Sabeco là tài sản giá trị và Việt Nam là thị trường lớn thứ hai sau Thái Lan.
Thi Hà