Đầu tháng 9/2014, anh Trần Chí Nghĩa (Hà Nội) làm việc cho công ty Maha, ký hợp đồng lao động 36 tháng với chức vụ trưởng phòng kinh doanh dịch vụ. Gần một năm sau, phòng này bị giải thể. Ba tháng sau (10/2015), anh Nghĩa nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động.
Trong đơn khởi kiện gửi TAND quận Cầu Giấy, anh Nghĩa cho rằng sau khi nghỉ việc mới phát hiện việc giải thể bộ phận kinh doanh, dịch vụ chỉ là cái cớ. Dù lãnh đạo công ty nói không có nhu cầu thuê lao động nhưng vẫn ký hợp đồng với hai người khác để làm công việc trước đây anh phụ trách, chỉ khác tên gọi.
Vì thế, anh kiện đòi công ty hủy quyết định chấm dứt hợp đồng với mình do trái luật; bồi thường tiền lương nghỉ việc và nhận trở lại làm việc.
TAND quận Cầu Giấy khi xử sơ thẩm đã bác các yêu cầu của anh Nghĩa, nhận định công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật. Theo chống án của anh Nghĩa, ngày 17 và 20/3, phiên phúc thẩm được mở tại TAND Hà Nôi.
Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa cho rằng, dù công ty không cung cấp được tài liệu chứng minh đã thành lập phòng kinh doanh dịch vụ, tuy nhiên cả hai bên nguyên và bị đơn đều thừa nhận có nên cần công nhận thông tin này có thật, không cần chứng minh.
Do nhu cầu kinh doanh, Công ty Maha giải thể phòng kinh doanh dịch vụ là đúng thẩm quyền. Sự thay đổi cơ cấu tổ chức của công ty chỉ ảnh hưởng đến việc làm của một người là anh Nghĩa với vị trí trưởng phòng chứ không ảnh hưởng đến nhiều người nên công ty không xây dựng phương án sử dụng lao động. Do không giải quyết được việc làm cho anh Nghĩa, công ty chấm dứt hợp đồng và trợ cấp hai tháng tiền lương là đúng quy định.
Ngoài ra, công ty đã báo thời gian nghỉ việc trước 30 ngày nhưng anh không có ý kiến. Anh cũng được hưởng đầy đủ quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng. Vì vậy, việc anh Nghĩa kháng cáo đòi bồi thường là không có căn cứ. Tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện là có cơ sở.
Tuy nhiên, VKS cho rằng bản án sơ thẩm có nhiều sai sót về chính tả, và nhiều điều luật áp dụng không chính xác, cần sửa.
Quá trình thẩm vấn, HĐXX phúc thẩm nhận định khi thay đổi cơ cấu công việc, công ty chưa có đàm phán với anh Nghĩa mà ra thông báo cho thôi việc là trái pháp luật... Tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Nghĩa, hủy quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng của công ty Maha.
Tuy nhiên, tòa bác yêu cầu được nhận trở lại làm việc của anh Nghĩa vì cho rằng đã đi làm cho công ty khác. Dù anh đã nghỉ làm ở nơi mới nhưng thời hạn hợp đồng 36 tháng ký với Công ty Maha cũng sắp hết vào tháng 8.
Tòa tuyên buộc Công ty Maha bồi thường cho anh Nghĩa hơn 200 triệu đồng cho quãng thời gian bị cho nghỉ việc mà vẫn còn thời hạn hợp đồng.
Bảo Hà