Phán quyết cuối cùng này vừa được TAND Cấp cao tại TP HCM đưa ra, sau khi xử phúc thẩm.
Theo bản án, ông Virel (49 tuổi, quốc tịch Pháp) ký hợp đồng lao động không thời hạn với Công ty Lio (trụ sở chính tại Pháp) từ ngày 1/9/2013 ở vị trí Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc vùng, có nhiệm vụ điều hành và phát triển hoạt động tại Việt Nam.
Sau nhiều năm làm việc, ngày 7/9/2017, ông Virel nhận được thông báo của Tổng Giám đốc công ty về việc chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 7/10/2017, song không nêu lý do chính đáng. Không đồng ý, ông Virel nhiều lần liên hệ yêu cầu Tổng Giám đốc cũng như gặp trực tiếp người đại diện của công ty để được giải thích lý do và giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, phía công ty vẫn giữ nguyên quyết định chấm dứt hợp đồng.
Trong đơn khởi kiện, ông Virel cho rằng công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là vi phạm luật lao động tại Việt Nam, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên khởi kiện.
Ông yêu cầu tòa tuyên buộc phía công ty phải nhận mình trở lại làm việc ở vị trí cũ, trả tiền lương trong thời gian không được làm việc. Nếu không được nhận lại, công ty phải trả tiền lương từ thời gian cho ông nghỉ việc đến khi tòa xử cùng các khoản trợ cấp và bồi thường thêm 2 tháng lương; tổng cộng là hơn 378.000 Euro - tương đương gần 9,9 tỷ đồng.
Thời gian tòa thụ lý vụ án, phía Công ty Lio đã thay đổi người đứng đầu văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Trong các bản trình bày gửi tòa, đại diện Công ty Lio không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cho rằng đã sa thải ông Virel đúng trình tự thủ tục pháp luật.
Theo bị đơn, quá trình làm việc ông Virel nhiều lần bị khách hàng tại Việt Nam than phiền, trong đó có khách hành lớn đã trực tiếp phản ánh với Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á rằng "ông Virel có thái độ làm việc không tốt với khách hàng". Điều này đe dọa cho mối quan hệ kinh doanh của công ty. Phía công ty đã yêu cầu ông cải thiện thái độ, cách ứng xử với khách hàng nhưng Virel không thay đổi, còn lớn tiếng với người quản lý trong cuộc họp bàn về thái độ làm việc của mình.
Đến ngày 20/10/2017, quyết định sa thải đã có hiệu lực nhưng ông Virel không trả lại con dấu cũng như tài khoản ngân hàng của Văn phòng đại diện, gây khó khăn cho công ty trong việc quyết toán thuế, bị cảnh sát kinh tế xử lý hành chính... Khi công ty tổ chức họp thanh toán tiền lương theo quy định thì ông Virel không hợp tác.
Thêm lý do công ty sa thải ông này là, doanh nghiệp đang tái cơ cấu tổ chức và cắt giảm ngân sách hoạt động tại châu Á, nên vị trí điều hành các Văn phòng đại diện chỉ một người đảm nhiệm.
Sau nhiều lần hoà giải không thành, cuối năm 2019, TAND TPHCM xử sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Virel, buộc Công ty Lio phải bồi thường tổng cộng 6,9 tỷ đồng gồm: tiền lương những ngày không đi làm (4,3 tỷ đồng); thuê nhà (1,1 tỷ đồng); sinh hoạt phí...
Theo HĐXX, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty Lio với ông Virel là trái pháp luật, bởi hai bên có giao kết hợp đồng lao động theo diện không xác định thời hạn.
Phía bị đơn xác nhận thời điểm ông Virel làm việc văn phòng đại diện có 3 người, nhưng sau khi sa thải ông số lượng nhân viên văn phòng không thay đổi mà chỉ thay đổi Trưởng văn phòng đại diện mới. Như vậy, theo quy định của pháp luật đây không phải trường hợp thay đổi cơ cấu nhân sự.
Không đồng ý với phán quyết của tòa, Công ty Lio kháng cáo toàn bộ bản án.
TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã có cùng quan điểm với tòa sơ thẩm, giữ nguyên phán quyết.
Đối với số tiền nguyên đơn yêu cầu bồi thường (9,9 tỷ đồng), HĐXX cho rằng, ông Virel và công ty ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ năm 2013. Tuy nhiên, giấy phép lao động cơ quan chức năng cấp cho ông này có thời hạn làm việc từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2019. Do vậy tòa chỉ có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường của ông Virel, buộc bị đơn bồi thường số tiền trên.
Hải Duyên
* Tên các đương sự đã thay đổi