Đó là lời nhắn của một nữ du khách Hàn Quốc vừa bị chặt chém tại Đà Nẵng, trước khi lên đường trở về nước. Và chị không hề mỉa mai. Những người có trách nhiệm đã ghi điểm từ một vụ việc tai tiếng.
Nữ du khách ấy vừa bước xuống máy bay đã bị tài xế taxi ngửa tay “xin” 700.000 đồng cho quãng đường gần 6km từ sân bay về khách sạn.
Vụ việc được phản ánh trực tiếp đến số điện thoại của giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố. Sáng chủ nhật, Sở vẫn triệu tập cuộc họp khẩn với hãng taxi và tài xế được xác định đã thu tiền cước quá quy định, yêu cầu phải xin lỗi công khai, hoàn tiền cho khách. Ít giờ sau, nữ du khách gặp lại tài xế từng chở mình. Anh ta đến để nói lời xin lỗi và được chấp nhận.
Nhưng hãng taxi không thể bỏ qua lỗi đối với tài xế, khi chỉ vì lòng tham, anh đã hạ thấp uy tín của doanh nghiệp, của đồng nghiệp. Rất nhiều tài xế taxi ở Đà Nẵng đã trả lại tài sản của khách để quên, được công ty vinh danh, dư luận ủng hộ. Đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng Đà Nẵng phải yêu cầu xử lý một tài xế “chặt chém” du khách. Tài xế bị sa thải.
Hãng taxi sau đó đã điều một tài xế taxi thông thạo tiếng Hàn trực tiếp đưa đón vị khách vừa bị “chặt chém” đi Hội An, những điểm du lịch ở Đà Nẵng, mà không thu bất kỳ một đồng. Vị khách sau đó đã nở nụ cười, nói sẽ quay lại Đà Nẵng vào tháng tới. Trước khi lên máy bay, chị ghi ra tờ giấy đưa cho người tài xế gửi đến hãng: “Mình cảm thấy thú vị khi ở Đà Nẵng...”.
Ngành giao thông và hãng taxi đã xử lý kịp thời và không thể không khen ngợi. Nhưng đó là kịp thời cho một sự vụ cụ thể, khi đã được phản ánh trực tiếp đến tận giám đốc sở. Nhiệm vụ chính của các nhà quản lý giao thông thành phố không phải là chạy theo và tìm cách “ghi điểm” trong những sự vụ như thế.
Việc tìm đến xe bus hay tàu điện là phản xạ phổ biến của bất kỳ khách du lịch nào đặt chân xuống sân bay một nước lạ: nó rẻ tiền, chính xác về giờ giấc và trên hết là an toàn. Nếu Đà Nẵng muốn trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, thì khách bước xuống sân bay Đà Nẵng cũng phải mang cảm giác của khách bước xuống Changi (Singapore) hay là Survanabuhmi (Bangkok): họ có thể mở điện thoại ra kiểm tra lịch tàu, lịch bus ngay lập tức.
Nhưng tình trạng kẹt xe ở Đà Nẵng hiện nay diễn ra khá phổ biến. Thành phố hiện có gần 65.000 ôtô, hơn 822.000 xe máy dẫn đến kẹt xe từ trung tâm cho đến tuyến đại lộ từ sân bay sang hướng biển - nơi khách sạn đang mọc lên như nấm. Thành phố có xe buýt nội đô, nhưng các chuyến rất vắng, đôi lúc chỉ có vài khách. Chưa bàn đến việc tổ chức tuyến đã hợp lý hay chưa, nhưng điều mà nhiều người đi đường có thể nhìn thấy ngay, là những trạm chờ xe bus không có mái che. Tình trạng quá tải giao thông đang diễn ra nhưng việc phát triển phương tiện công cộng chưa được chú trọng đúng mức.
Hà Nội và TP HCM đã từ chối trả lời cho đến khi tình trạng giao thông quá tải cực độ. Bây giờ hai đô thị lớn nhất nước bày ra làm xe buýt, làm tàu điện, mới thấy khổ hình. Đà Nẵng có lợi thế của một địa phương đi sau. Thành phố bây giờ vẫn nhỏ, nhưng lâu dài, khi tham vọng đặt ra là một đô thị tầm cỡ, một điểm đến của khu vực, thì việc tính đến những giải pháp tương lai, không thừa.
Còn rất nhiều câu hỏi vĩ mô mà người ta sẽ không nhắn tin trực tiếp cho lãnh đạo Sở để thắc mắc, để giục giải quyết ngay. Chính Đà Nẵng đã chứng kiến những bài toán giao thông mà đến lúc muốn giải, thì đã muộn. Theo quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh đến năm 2020, thành phố sẽ có 158 bãi đỗ xe nhưng mới chỉ có 17 bãi đỗ rục rịch được đầu tư, số còn lại đang nằm trên giấy. Đất vàng đất bạc đã bán. Để có hơn 370 ha đất cho các bãi đỗ xe này, chính quyền Đà Nẵng thậm chí phải tính đến việc... mua lại những lô đất đã bán.
Lời khen của nữ du khách Hàn Quốc, nhìn thoáng qua rất đẹp đẽ, nhưng không thể là mục tiêu của các nhà quản lý thành phố. Ở một nét nghĩa nào đó, nó còn nguy hiểm: tâm lý đuổi theo sự vụ, biểu hiện si mê những lời ngợi khen khi “ghi bàn bằng tình huống cố định” từng xuất hiện không chỉ ở một cấp lãnh đạo.
Người dân Đà Nẵng chắc chắn cảm thấy đẹp lòng khi Sở thành công trong việc giữ gìn hình ảnh của một thành phố đáng sống, với những tài xế taxi lương thiện nhiều hơn tham vặt. Nhưng người dân Đà Nẵng chắc chắn cũng mong chờ Sở, hay là các nhà quy hoạch nói chung, tìm cách trả lời những câu hỏi lớn. Đó mới là nhiệm vụ chính.
Ngành giao thông, quản lý một hành vi thường nhật của người dân, là một ngành rất dễ ghi điểm sự vụ; một ngành rất dễ cho phép người lãnh đạo thường xuyên lên báo bằng các sự vụ. Và đó là nơi mà vấn đề tỉnh táo trước tâm lý sự vụ đã được đặt ra hơn một lần. Đằng sau các lần đẹp mặt ấy, vẫn là những bài toán vĩ mô chưa được giải.
Là dân Đà Nẵng, tất nhiên, tôi muốn tin vào sự tỉnh táo của lãnh đạo địa phương.
Nguyễn Đông