PGS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Già hóa Quốc gia, Đại học Khoa học Sức khỏe, thuộc Đại học Công nghệ Swinburne (Australia), nhận định như trên tại Hội thảo công bố kết quả đề tài tăng cường ứng phó với sa sút trí tuệ ở Việt Nam, ngày 6/12.
Theo ông Tuấn Anh, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ người cao tuổi đạt 12% vào năm 2022, tăng lên 28% vào năm 2050. Trong khi Australia cần 72 năm để chuyển trạng thái từ nước có dân số "đang già" sang "đã già", Việt Nam chỉ mất 16 năm. Tỷ lệ mắc mới bệnh sa sút trí tuệ ở nước phát triển được kiểm soát, do tình trạng già hóa dân số đã ổn định. Còn ở các nước đang phát triển, tỷ lệ người bệnh tăng cao hơn, do sự già hóa dân số diễn ra nhanh hơn.
"Già hóa dân số nhanh để lại nhiều hệ lụy, do đó Việt Nam cần lên kế hoạch cấp quốc gia để ứng phó với dự báo trên. Đây là điều hết sức cấp thiết", ông Tuấn Anh nói.
Sa sút trí tuệ là bệnh lý xảy ra do những tế bào não, hoặc đường liên kết giữa các tế bào não bị tổn thương, làm mất đi chức năng hoạt động thông thường. Đây là các chức năng cao cấp của con người, như trí nhớ, sắp xếp công việc, tính toán, tư duy, lên kế hoạch, chăm sóc bản thân... Chứng rối loạn thần kinh này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, người thân mà còn tạo các gánh nặng về kinh tế cho gia đình, xã hội.
Nghiên cứu cho thấy, năm 2019 Việt Nam có 531.000 người bị sa sút trí tuệ, dự báo tăng gấp ba lên 1,8 triệu người vào năm 2050. Tuy nhiên, nước ta không có dịch vụ chăm sóc y tế hoặc chăm sóc xã hội chuyên về sa sút trí tuệ. Có 27 bệnh viện, phòng khám điều trị về bệnh này ở 5 tỉnh thành, chủ yếu là Hà Nội và TP HCM.
Theo các chuyên gia, mô hình chăm sóc dài hạn người bệnh sa sút trí tuệ ở Việt Nam chưa phát triển bài bản, mới manh nha ở một số cơ sở như trung tâm bảo trợ xã hội hoặc nhà dưỡng lão. Ở khối cộng đồng, người bệnh chủ yếu dựa vào gia đình hoặc người chăm sóc chưa được đào tạo bài bản về kiến thức và kỹ năng.
Từ năm 2019 đến 2022, Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội, nghiên cứu 405 cán bộ y tế ở tuyến huyện, xã, 967 người dân tại 8 tỉnh gồm Điện Biên, Hà Nam, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Kon Tum, Khánh Hòa, Cần Thơ và Tây Ninh. Kết quả cho thấy nhân viên y tế chỉ đạt khoảng 50% số điểm trong thang đo kiến thức về sa sút trí tuệ, phản ánh thực trạng cán bộ y tế địa phương thiếu kiến thức chẩn đoán, chăm sóc người bệnh.
Về phía người dân, đa số nhận thức sai lầm về sa sút trí tuệ, coi đó là bệnh của tuổi già, thiếu kiến thức về triệu chứng, yếu tố nguy cơ bệnh, cách phát hiện và phòng ngừa. Đặc biệt, có sự kỳ thị đối với người bệnh sa sút trí tuệ.
Trước thực trạng này, ông Tuấn Anh đề xuất nâng cao năng lực cho các trạm y tế xã, phường, mở rộng khả năng tiếp cận chăm sóc lâu dài, đào tạo cho người chăm sóc trong gia đình. "Một số câu lạc bộ người bệnh sa sút trí tuệ tự liên hệ chia sẻ lẫn nhau rất phù hợp với thực tế chăm sóc dài hạn ở cộng đồng", ông Tuấn Anh nói, thêm rằng cần hỗ trợ mô hình này phát triển.
Mục tiêu quốc gia đến năm 2025 phát hiện ít nhất 30% người mắc sa sút trí tuệ. Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị Bộ Y tế chuẩn bị kịch bản - kế hoạch chăm sóc cho nhóm dân số già hóa, đề xuất mô hình quản lý, khám và điều trị nhóm bệnh nhân này. Tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ xã hội về kiến thức, kỹ năng khám chẩn đoán và quản lý người bệnh sa sút trí tuệ.
Lê Nga