![]() |
Hạch hạnh nhân hoạt động mạnh trên não những người rụt rè. |
Trong một thí nghiệm, nhà nghiên cứu tâm lý Kagan, Đại học Harvard, và cộng sự đã thực hiện chụp cắt lớp não một nhóm người 22 tuổi, những người từng được xếp vào nhóm rụt rè hoặc mạnh dạn ở lứa tuổi lên 2, dựa vào hành vi thời thơ ấu của họ.
Tất cả những người tham gia được xem một loạt chân dung biểu thị tâm trạng ôn hoà. Sau khi đã quen với số tranh này, họ được xem thêm ảnh của các khuôn mặt mới, trong khi các nhà nghiên cứu đo phản ứng của hạch hạnh nhân (khối chất xám hình hạnh nhân ở sâu bên trong mỗi bán cầu não, liên quan tới tính tình, cảm giác, năng khiếu và trí nhớ cho những sự kiện mới xảy ra) trên não họ. Kết quả là hạch hạnh nhân trên não những người từng là "đứa trẻ nhút nhát" hoạt động mạnh hơn hẳn so với số còn lại.
“Phát hiện này củng cố quan niệm cho rằng, nguyên nhân tạo nên tâm lý rụt rè, ngượng ngập và khép mình ở tuổi lên 2 là do những người này có một hạch hạnh nhân dễ bị kích thích”, Kagan nói. Nghiên cứu cho thấy ngượng ngập dường như là một đặc tính bẩm sinh, tuy khí chất này không nhất thiết quyết định đến nhân cách lúc trưởng thành của người đó.
Tuy nhiên, Kagan thừa nhận trước khi bất kỳ kết luận chính thức nào được đưa ra, cần có những nghiên cứu tương tự trên nhiều đối tượng hơn nữa, bởi tính cách nhút nhát và mạnh dạn có thể thay đổi theo thời gian và kinh nghiệm sống.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết sự rụt rè quá mức có thể báo trước những rối loạn nghiêm trọng, như trạng thái phiền muộn và ám ảnh. Phát hiện này có thể dẫn tới việc phát triển những loại thuốc mới để chữa trị cho các bệnh nhân mà cuộc sống của họ bị tác động bởi điều kiện xung quanh.
B.H. (theo AP)