Trước đó, chiều 31/12/2002, công an huyện Hàm Thuận Bắc đã công bố quyết định của UBND huyện về việc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với quán cơm Thu Thanh. Riêng quán Thiên Thảo, UBND huyện đang xem xét mức độ vi phạm để có quyết định xử lý.
Trung tá Nguyễn Tiến Dung - Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bình Thuận - cho biết đã khởi tố các bị can: Nguyễn Trung Dũng (1967) - chủ quán cơm Thu Thanh, Phạm Viết Cường, Nguyễn Văn Lành, Nguyễn Trung Thảo và Lê Văn Đoan về tội tổ chức giết người. Trong đó, Nguyễn Trung Dũng được xác định là kẻ chủ mưu.
Cảnh sát cũng đang xem xét trách nhiệm hình sự đối với tài xế xe khách 69K4107 vì đã hợp đồng chở khách vào quán Thu Thanh để trục lợi; không can thiệp khi ông Hương bị hành hung cho tới chết; không chở nạn nhân đi cấp cứu; tài xế bỏ trốn khỏi hiện trường (bỏ tất cả hành khách lại).
Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo cho công an các huyện thị trong tỉnh khẩn trương lập danh sách theo dõi tất cả các quán cơm trên địa bàn dọc theo các quốc lộ 1A, 28, 55; xác minh đề xuất chính quyền địa phương thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các hàng quán hoạt động theo kiểu "cơm tù".
![]() |
Quán Hà Tâm II, Đà Nẵng đã dùng lưới sắt để bao vây khách. |
Trên tuyến quốc lộ 1A hiện tồn tại hàng trăm quán "cơm tù", chuyên hành khách bằng những chiêu như bán với giá cao gấp 10-15 lần thực tế, ai không ăn thì bị mắng nhiếc, thậm chí bị hành hung. Riêng đoạn đi qua huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh (khoảng 60 km) có tới 110 quán cơm chuyên phục vụ xe khách, xe tải đường dài. Trưa 30/12/2002, khi một xe vừa dừng tại xã Kỳ Phong, chủ một quán ăn không tên đon đả mời lái, phụ xe vào rửa chân tay và sai nhân viên chuẩn bị mâm cỗ trong căn phòng khuất sau nhà. Còn khách vào quán được các nhân viên chỉ đến những cái bàn ướt sũng nằm cạnh lối đi, vừa chật chội lại mất vệ sinh. Số còn lại lưỡng lự thì bị nhân viên mặt mày dữ tợn đẩy và ép buộc phải vào. Khách không vào cũng chẳng biết đi đâu vì xe đã bị khoá cửa, dưới sân lại là lãnh địa riêng của quán. Các mặt hàng bán tại đây đều đắt gấp 15-20 lần so với giá thực tế.
Đoạn quốc lộ 1A đi qua thị trấn Phong Điền, Thừa Thiên - Huế (chừng 5 km) có hẳn một thị trấn "cơm tù" với tên gọi Phò Trạch. Mới 9h30' sáng 30/12/2002, tại quán Bố Già Nam Dương đã chật kín với hơn 100 khách từ hai xe đi Nam Định và Hải Dương. Trông coi đội quân chạy bàn là một người đàn ông có râu quai nón, trông rất dữ. Quán chỉ bán hai món, cơm 15.000 đồng/suất, bún 10.000 đồng/bát. Các đĩa đều giống nhau gồm một bát cơm, hai miếng thịt lợn nguội ngắt, một miếng trứng chiên với gia vị nhạt nhẽo. Dù biết là đắt, nhưng thực khách vẫn phải bấm bụng trả tiền.
Nổi tiếng nhất là những quán cơm nằm trên huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Nơi đây có 20 quán và tập trung nhiều nhất ở xã Xuân Thọ 2. Trưa 30/12/2002, khi một ôtô khách vừa đỗ vào sân quán Q.H., ngay lập tức hơn 10 thanh niên nhanh chóng triển khai đội hình bao vây. Tất cả hành khách bị dẫn vào con đường đến khu nhà vệ sinh. Ai không đi cũng bị buộc ngồi vào ghế và không được đi ra ngoài. Hành khách không ăn nhưng lỡ đi tiểu hoặc rửa mặt đều bị chủ quán thu 5.000 đồng. Ai không trả tiền sẽ bị dằn mặt nhiều kiểu.
Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế thừa nhận tiếng "cơm tù Phò Trạch" đã gây bức xúc cho cả dân địa phương. Trong năm 2001, huyện đã 2 lần triệu tập chính quyền, cơ quan công an, thuế, y tế, thương mại... để tổ chức kiểm tra; đề nghị chủ quán phải dẹp bỏ hàng rào và cam kết về thái độ phục vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá bán. Nếu cơ sở nào vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Ông Thái Sơn, Trưởng công an xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, Phú Yên, thừa nhận nạn "cơm tù" đã có từ năm 1997. Lúc đó các quán như Quê Hương, Văn Sĩ Ben, Ba Miền, Nam Bắc, Miền Trung... đã dùng rào chắn khá kiên cố khu vực xung quanh. Năm 1999, công an huyện phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phá bỏ hàng rào. Ngay sau đó, các quán cơm tù dùng khung gỗ đóng sẵn để chặn người. Công an thu khung gỗ thì quán lại dùng dây để nhốt khách. Năm 2001, huyện Sông Cầu đã triển khai đợt lập lại trật tự và xoá nạn nhốt khách. Công an xã Xuân Thọ 2 đã tịch thu tất cả dây và xử lý hành chính một số quán vi phạm, đồng thời yêu cầu các chủ quán làm cam kết không rào chắn, không ép buộc khách. Tuy nhiên, nạn "cơm tù" vẫn tiếp diễn.
Trong khi một số địa phương còn lúng túng với việc xử lý nạn này thì tỉnh Quảng Bình lại rất thành công. Ông Mai Xuân Thọ, Phó công an thị xã Đồng Hới, cho biết kinh nghiệm: Trước hết phải bắt đầu từ sự kiên quyết của lãnh đạo tỉnh, thị xã. Năm 2000-2001, đích thân ông Đinh Hữu Cường, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhiều lần đi kiểm tra tình hình, sau đó trực tiếp chỉ đạo thị xã và các huyện phải giải quyết dứt điểm việc này.
Chủ tịch UBND thị xã lập tức thành lập đội liên ngành gồm công an, quản lý đô thị, thuế, xã, phường và kiểm tra liên tục, lập biên bản xử phạt, tịch thu hàng rào ngay tại chỗ. Khi tạm ổn thì giao trách nhiệm này cho công an và chính quyền các xã, phường. Cùng với đó là biện pháp tổ chức họp các chủ quán, vận động họ ký cam kết nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng và rút giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, công an còn thiết lập mạng lưới tai mắt của quần chúng để họ kịp thời tố cáo khi phát hiện chủ quán nào dựng rào chắn.
(Theo Tuổi Trẻ, Người Lao Động)