Khu vực đông trung bộ Trung Quốc là nơi nuôi trồng giống cua lông màu vàng nổi tiếng. Trong đó ngon nhất phải kể đến cua được nuôi ở hồ Dương Trừng, gần Thượng Hải.
"Cua Dương Trừng chủ yếu để đi biếu. Nhưng bây giờ chính phủ cắt giảm chi tiêu công quỹ, lượng tiêu thụ giảm mạnh giáng cho chúng tôi một đòn chí tử", Vương Chí Cường, một thương lái cho biết. Năm nay, hàng trăm hộ nông nuôi cua và các lái buôn bị ảnh hưởng nặng nề.
Hàng năm, mùa thu đến cũng là lúc vụ thu hoạch cua ở Trung Quốc bắt đầu. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình từ năm 2012 đến nay đã làm lượng tiêu thụ cua tại đây giảm đáng kể.
"Các quan chức hầu như không gọi món cua trên bàn tiệc", Dương Duy Long, phó chủ tịch hiệp hội thủy sản Trung Quốc nói.
Trao đổi với News, ông Dương cho biết giá cua tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc giảm tới hơn 20%, hiện giờ chỉ còn khoảng 850.000/kg. Nhu cầu tiêu thụ của các quan chức đẩy giá cua liên tục tăng cao trong hơn 10 năm qua. Nhưng nay, sự tình đã khác.
"Các nhà hàng buộc phải giảm giá để bán cho khách hàng phổ thông, nếu không, số phận họ sẽ chẳng khách gì rượu Mao Đài cả", Dương nói.
Công ty Mao Đài Quý Châu chiếm lĩnh thị trường rượu cao cấp ở Trung Quốc đã nhiều năm nay. Tuy nhiên, tháng 8 vừa qua, công ty này buộc phải cắt giảm sản lượng để "đối mặt với tình hình thị trường phức tạp".
Chiến dịch chống tham nhũng mà chủ tịch Tập khởi xướng từ năm 2012 khiến cua, rượu ngoại, và các món quà biếu sang trọng khác gần như biến mất khỏi các thực đơn bàn tiệc.
Theo một báo cáo tuần trước đăng trên Nhân dân Nhật báo, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, chính quyền nước này cũng đã cắt giảm hơn 114.000 xe công. Đây là một trong những động thái nhằm biểu thị quyết tâm kiểm soát và cắt giảm chi tiêu công của Trung Quốc.
Chính sách chống lãng phí là một phần trong chiến dịch cải thiện hình ảnh của đảng Cộng sản Trung Quốc mà chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra, bên cạnh chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi".
Hồng Hạnh