Một ngày sau khi bị Công an Quảng Ninh bắt để điều tra vụ ngộ độc "Rượu nếp 29 Hà Nội" gây chết 6 người, Nguyễn Duy Vường (Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu rượu 29 Hà Nội) cùng nhân viên Đặng Văn Cảnh đều lộ rõ vẻ ân hận, hối tiếc. Vì lợi nhuận họ đã sản xuất rượu độc trong thời gian dài, đến khi xảy ra các vụ chết người thì mọi việc mới được đưa ra ánh sáng.
Giám đốc Vường khai nhập số lượng cồn từ Nguyễn Thị Thu Hà để pha chế lô rượu sản xuất ngày 12/10. Tuy nhiên mọi giao dịch đều liên lạc qua điện thoại và lấy hàng không ký hợp đồng nên hiện không biết Hà ở đâu. Do chủ quan và tin tưởng bạn hàng, Vường không cho kiểm tra xuất xứ số cồn và kiểm định chất lượng có đảm bảo hay không.
Theo nghi can Vường, những lô hàng được sản xuất trước đây, lượng cồn dùng pha chế được nhập khẩu qua các công ty lớn có uy tín trong nước. Do gần Tết, thấy nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, Vường đã lấy thêm hàng từ Hà để kịp thời phụ vụ sản xuất.
Toàn bộ khâu pha chế, Vường giao Cảnh phụ trách. Để sản xuất một lít "rượu nếp 29 Hà Nội", Cảnh pha 30% cồn với 70% nước cộng với hương liệu trộn đều rồi đóng chai bán ra thị trường.
Nói về lô rượu độc đã gây tử vong cho 6 người, Vường bảo không ngờ có độc tố cao đến thế. Anh ta ân hận vì đã không làm đúng quy trình trong mẻ rượu ra lò ngày 12/10. "Nếu biết có độc tố mạnh như vậy thì tôi đã không dám làm", Vường nói.
Thượng tá Nguyễn Thái Bình (Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Ninh) đánh giá, hầu hết các nghi can đều khai báo thành khẩn. Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu rượu 29 Hà Nội có đầy đủ pháp nhân, được Sở Công thương Hà Nội cấp phép sản xuất rượu.
Theo nhà chức trách, cồn pha nước lã và hương liệu thành rượu là cách phổ biến mà một số cơ sở sản xuất rượu chui thường dùng. Người uống phải thứ rượu độc này không chỉ bị ngộ độc mà còn dẫn tới suy gan, suy thận, nặng là tử vong.
Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục làm rõ các sai phạm của ông chủ nhãn hiệu "rượu nếp 29 Hà Nội".
Theo Công an nhân dân