Thứ bảy, 7/9/2024
Thứ sáu, 2/10/2020, 07:37 (GMT+7)

Rước rồng lửa trước Tòa thánh Tây Ninh

Đêm Trung thu, hàng nghìn tín đồ đạo Cao Đài đổ về Tòa thánh Tây Ninh xem múa Rồng nhang, một trong những lễ hội lớn nhất năm của giáo hội này.

Tối 1/10, hàng nghìn người dân, tín đồ đạo Cao Đài tham dự Hội Yến Diêu Trì Cung. Sự kiện được tổ chức lần đầu tiên vào rằm tháng 8 năm Ất Sửu (1925) tại nhà của Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư ở Sài Gòn và được duy trì từ đó đến nay vào hai ngày giữa tháng 8 âm lịch hàng năm.

Nét đặc trưng của hội là đoàn rước cộ với màn múa rồng nhang phun lửa.

Mô hình rồng dài khoảng 20 m, được 30 thanh niên diễu hành trước Báo Ân từ đến Đền Thánh vòng qua Đông Tây khán đài.

Tòa thánh được coi là tổ đình - cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài. Công trình khởi công năm 1933, hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành. Ngôi toà thánh rộng hơn 2.000 m2, nổi bật với hai lầu chuông và trống cao 25 m. Khuôn viên toà thánh rộng hơn một km2 với những con đường thênh thang. Nơi đây cách TP Tây Ninh khoảng 4 km.

Màn phun lửa có sự kết hợp của bốn linh vật Long, Lân, Quy, Phụng tạo nên điểm nhấn trong đêm lễ hội. Kỹ thuật phun lửa được các diễn viên thực hiện bằng việc điều tiết gas và dầu hỏa.

Trong ngày đại lễ, dẫn đầu là đoàn rước cộ bông Đức Phật Mẫu và cửu vị Tiên Nương, theo sau là đội nhạc, đội trống và đội lân, rồng. Trên xe rước bài trí hình nộm với màu sắc rực rỡ, mang màu sắc thần tiên.

Khi đoàn rước đi qua, người dân và các tín đồ Cao Đài trong khuôn viên cùng chắp tay, đọc kinh bày tỏ sự thành kính.

Đoàn rước Trung thu còn có sự tham gia của các nhi đồng hoá trang thành phượng hoàng, trượt patin trên sân.

Các thiếu nữ diện trang phục truyền thống, vai mang gùi diễu hành quanh khuôn viên tòa thánh. Theo quy định của ban tổ chức, năm nay do Covid-19 nên tất cả diễn viên trong đoàn rước đều phải đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn.

Khi đám rước đi hết hai vòng, cũng là lúc người dân và các tín đồ được tự do tham quan, chụp hình lưu niệm tại Nội ô tòa thánh. Vào ngày hội, nhiều tín đồ trong tỉnh mang theo chăn màn, quần áo để qua đêm tại đây.

Cũng trong đêm hội, tại Báo Ân từ, người dân và du khách còn được chiêm ngưỡng không gian rực rỡ sắc màu của hoa quả phẩm, đèn hoa trang trí hiến lễ tại 74 gian trưng bày của các Họ đạo, Ban đại diện Hội thánh trong tỉnh. Theo ban tổ chức, năm nay do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên lễ hội hạn chế, chỉ tổ chức trong tỉnh.

22h, hơn 2.000 chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài trong trang phục truyền thống - nam áo dài trắng, đầu đội khăn đóng, nữ áo dài, đứng trước Báo Ân từ, tiến hành nghi thức cúng đại lễ, cầu bình an trong cuộc sống cho mọi người.

Trời về đêm lất phất mưa nhỏ, một số tín đồ mặc sẵn áo mưa, vừa đọc kinh làm lễ.

Đông đảo tín đồ tập trung làm lễ trước Báo Ân từ trong khuôn viên tòa thánh. Nghi lễ kéo dài suốt 2 giờ trong tiếng nhạc và các bài kinh kệ truyền thống của đạo Cao Đài.

Sáng 2/10, ban tổ chức Hội Thánh tiếp tục làm lễ cúng và dâng sớ cầu an và phát quà cho nhi đồng, kết thúc lễ hội.

Đạo Cao Đài hay Cao Đài giáo là một tôn giáo độc thần được thành lập ở miền Nam vào năm 1926. Tôn chỉ của đạo này là lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm hành đạo, lấy việc phụng sự chúng sinh làm hành động, lấy sự cứu rỗi các chơn linh làm cứu cánh, phấn đấu xây dựng một xã hội đạo đức, an lạc bằng tinh thần thương yêu đồng đạo.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2009, đạo Cao Đài có trên 10.000 chức sắc, gần 30.000 chức việc, khoảng 2,4 triệu tín đồ, với 958 tổ chức Họ đạo cơ sở được công nhận ở 35 tỉnh, thành phố, thành lập 65 Ban Đại diện, 1.290 cơ sở thờ tự.

Phương Phương