Thứ năm, 25/4/2024
Chủ nhật, 12/7/2020, 17:53 (GMT+7)

Rước long vị vua Hàm Nghi từ Huế về Quảng Trị

Long vị vua Hàm Nghi được rước từ kinh thành Huế về thành Tân Sở, nơi vị vua này ra chiếu Cần Vương kêu gọi chống Pháp 135 năm trước.

Sáng 12/7, tại Thế miếu, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn, bên trong Hoàng thành Huế (TP Huế), đại diện chính quyền và nhân dân Quảng Trị làm lễ cung thỉnh Long vị vua Hàm Nghi về Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương ở xã Cam Chính (huyện Cam Lộ, Quảng Trị).

Việc cung thỉnh diễn ra vào dịp 135 năm vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương kêu gọi nhân dân phò vua đánh thực dân Pháp (13/7/1885 - 13/7/2020).

Ông Nguyễn Phước Bửu Hồng (trái), Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc tại Huế, làm chủ lễ, cùng với ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thắp hương trước án thờ Hoàng đế Hàm Nghi, trong nghi lễ xin thỉnh Long vị vua.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, thắp trầm trước khi lư hương và Long vị vua Hàm Nghi được cung thỉnh.

Long vị là tên gọi dành riêng cho bài vị ghi tên để thờ vua Hàm Nghi.

Vị quan đọc chúc văn đưa Long vị vua ra ngoài.

Vua Hàm Nghi có tên húy là Nguyễn Phúc Minh, sinh năm 1871 tại Huế. Theo sử sách, ngày 6/7/1885, Tôn Thất Thuyết cho quân lính tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ Huế. Quân Pháp với vũ khí tối tân, phản công khiến Tôn Thất Thuyết thua chạy. Trước tình thế khẩn cấp này, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng với tam cung xa giá ra thành Tân Sở ở vùng rừng miền tây Quảng Trị.

Hai vị quan đọc chúc văn ôm lư hương và Long vị dừng, bái lễ trước án thờ vua Gia Long. Gia Long là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn.

Đoàn rước Long vị đi từ Thế miếu ra Ngọ Môn, Kinh thành Huế.

Long vị vua Hàm Nghi được cố định trên kiệu đặt trên nóc xe ôtô. Đoàn rước vượt khoảng 90 km từ kinh thành Huế đến Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương ở xã Cam Chính (huyện Cam Lộ).

Người dân huyện Cam Lộ chào đón đoàn rước Long vị vua Hàm Nghi. Dịp này, tỉnh Quảng Trị cũng rước Bài vị Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết, Bài vị Kỹ vĩ quận công Nguyễn Văn Tường về thờ. Đây là hai vị quan triều Nguyễn có công phò tá vua Hàm Nghi, góp công trong phong trào Cần Vương.

Sau khi đi ôtô từ kinh thành Huế, khoảng một km cuối cùng, đoàn rước dùng kiệu để đưa Long vị vua vào đền thờ, tạo thuận lợi cho người dân chứng kiến.

Cô giáo trường mầm non Hoa Mai Trần Thị Lưu mang áo dài, cầm cờ đón đoàn rước, nói rất vui mừng, phấn khởi khi bà con được đón long vị vua Hàm Nghi về thờ ở vùng đất vua từng đặt chân đến.

Đoàn rước dừng trước đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương. tại thành Tân Sở

Năm 2011, tỉnh Quảng Trị khảo cổ xác định vòng thành Tân Sở và di tích trong lòng đất. Tỉnh Quảng Trị quy hoạch chi tiết thành Tân Sở với diện tích 25 ha. Ông Trần Anh Tuấn cho hay, thời gian đến, huyện Cam Lộ kêu gọi các nguồn xã hội hoá để tôn tạo một số hạng mục thành Tân Sở, lập một bảo tàng Cần Vương.

Long vị vua Hàm Nghi được ông Hà Sỹ Đồng đặt lên án thờ trong Đền thờ vua Hàm Nghi.

Đạn thần công phát hiện ở các hố khai quật tại thành Tân Sở vào năm 2012.

Theo sử sách, Tôn Thất Thuyết phò giá vua Hàm Nghi từ kinh thành Huế ra thành Tân Sở (huyện Cam Lộ), sau khi cuộc phản công ở kinh thành thất thủ.

Ngày 13/7/1885, vua Hàm Nghi ra dụ Cần Vương, dấy lên một phong trào kháng Pháp rộng khắp. Song chỉ mấy ngày sau, quân Pháp đánh chiếm tỉnh Quảng Trị, buộc tướng Tôn Thất Thuyết phải phò vua rời Tân Sở. Quân Pháp tràn vào cướp phá và san bằng thành Tân Sở. Thành Tân Sở được công nhận là di tích quốc gia năm 1995.

Hoàng Táo