Thứ sáu, 17/5/2024
Thứ sáu, 29/9/2023, 14:35 (GMT+7)

Rước linh vật Trung thu ở phố cổ Hội An

Quảng NamĐoàn rước với thiên cẩu, lân, sư, rồng, đèn lồng cùng hàng trăm du khách đi qua phố cổ Hội An trong sự chào đón của người dân và du khách.

Tối 28/9 (14/8 Âm lịch), UBND TP Hội An tổ chức rước bằng công nhận Tết Trung thu Hội An là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, với sự tham gia của các linh vật Trung thu.

Đoàn rước khởi hành khi trăng đã lên cao. Phía sau bằng công nhận di sản là hai đội lân. Đoàn diễu hành qua các con đường chính như Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Lợi.

Tứ linh long, ly, quy, phụng được chế tác sinh động, có điện thắp sáng và do các nam sinh thay phiên nhau khiêng tham gia diễu hành.

Liền sau đó là các đoàn biểu diễn cùng linh vật long, lân, thiên cẩu. Trên chiếc xe đẩy, đoàn long, lân đi qua được Bạch Đằng ven sông Hoài liên tục đánh trống, chiêng làm không khí thêm náo nhiệt.

Những giá trị văn hóa của lễ hội Tết Trung thu Hội An được tái hiện một phần qua đoàn rước. Mỗi khi đi qua ngã tư, các đội thiên cẩu, lân, sư, rồng dừng lại ít phút để biểu diễn, khuấy động không khí trong tiếng vỗ tay của người dân địa phương và du khách.

Một đoàn biểu diễn múa rồng trên đường phố. Vào dịp Trung thu, khu phố cổ không bật nhiều đèn đường để dành không gian thắp sáng đèn lồng riêng có ở Hội An và ánh trăng chiếu sáng tự nhiên.

Đoàn biểu diễn thiên cẩu trình diễn múa và thổi lửa trên đường phố Hội An. Múa thiên cẩu phố Hội là loại hình trình diễn dân gian lâu đời và phát triển mạnh từ đầu thế kỷ 20. Thiên cẩu (chó nhà trời) là linh vật truyền thống của Hội An.

Trong đoàn rước bằng di sản Tết Trung thu Hội An có một số du khách nước ngoài. Họ mặc áo dài, mang theo đèn lồng.

Người dân Hội An gánh những chiếc đèn lồng truyền thống kích thước lớn tham gia đoàn rước.

Tết Trung thu ở Hội An được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể ngày 14/2/2023. Đây là lễ hội truyền thống, với tập quán xã hội và tín ngưỡng được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa, văn hóa dân tộc, có sự giao lưu - tiếp biến văn hóa với Trung Quốc, Nhật Bản trong quá trình hình thành và phát triển đô thị - thương cảng Hội An.

Một số du khách nước ngoài cho biết đã có trải nghiệm "vô cùng thích thú" khi được xem màn rước và biểu diễn của các đoàn thiên cẩu, lân, sư, rồng trên đường Bạch Đằng.

Khách Tây thích thú chứng kiến người nước ngoài mặc áo dài truyền thống Việt Nam tham gia đoàn rước.

Đến 20h, trời đổ mưa lớn khiến Trung thu ở Hội An có phần trầm lắng. Nhiều hàng quán đóng cửa. Một số khu vực bị mất điện. Dẫu vậy, nhiều du khách vẫn thích thú đi dạo dưới mưa ở Hội An.

Đến nay, Hội An có 6 di sản văn hóa phi vật thể, gồm Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu, nghề mộc Kim Bồng, nghề khai thác yến sào Thanh Châu, nghề gốm Thanh Hà và nghề trồng rau Trà Quế.

Nguyễn Đông