Vợ chồng chị Lam kết hôn từ năm 2019 nhưng muộn con. Chồng chị, anh Nam, 35 tuổi là con trưởng nên càng áp lực sinh con nối dõi. Đầu tháng 8, chị mang thai tự nhiên, gia đình chi 18 triệu đồng mua nhiều thực phẩm và thuốc bổ sắt, canxi đến axit folic, omega 3, vitamin E, D, C... Chị tuân thủ chặt chẽ lời khuyên từ mẹ chồng như ăn nhiều hải sản, thịt bò, hàu, trứng đà điểu để cơ thể đủ chất, con khỏe mạnh.
"Thuốc bổ thì không bổ ngang cũng bổ dọc, miễn là con sinh ra cao lớn, thông minh", chị Lam nói. Tháng đầu mang thai, chị liên tục bị ốm nghén, song vẫn cố "nhắm mắt" uống cả vốc thuốc Tây lẫn thuốc Bắc. Chị thường uống mỗi ngày hai viên sắt sau ăn, một viên canxi, một viên vitamin tổng hợp gồm C, E, axit folic.
Tuy nhiên, sau ba tuần, chị liên tục bị táo bón, đi ngoài phân đen, cơ thể mệt mỏi. Có lần, chị ăn cố hai quả trứng đà điểu, bị đầy bụng, khó tiêu, mất ngủ. Đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị bàng hoàng khi biết mình bị thừa sắt do bổ sung quá liều.
Tương tự, anh Ninh, 30 tuổi, ở Nghệ An, cũng mua về cho vợ hàng loạt gói thuốc bổ bán trên mạng. Anh nói, đứa bé là con đầu lòng, nên hết mực chăm sóc. "Cứ thấy ai nói thuốc tốt cho bà bầu là lại mua", anh nói. Thế nhưng, càng uống càng khiến chị Ngọc mệt mỏi và không ăn được gì. Ban đầu, anh Ninh nghĩ vợ nghén nên càng động viên uống thuốc để bồi bổ.
Thấy ăn uống không ngon miệng, chị Ngọc đi khám. Hai vợ chồng không tin vì uống nhiều thuốc vẫn bị thiếu chất, con thiếu cân. Bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng quát, kê lại đơn thuốc để chị bồi bổ tại nhà.
Hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc bổ được bày bán tràn lan trên mạng xã hội, không qua kiểm duyệt nhưng vẫn thu hút mọi người. Họ quảng cáo công dụng thuốc như "giúp con thông minh", "giúp con sinh ra trắng hồng"... hay nhập khẩu từ nước ngoài, uy tín, được các bác sĩ sản phụ khuyên dụng. Lời quảng cáo khai thác trúng tâm lý mong con khỏe mạnh, thông minh nên hầu hết không ngại chi tiền, thậm chí uống "vô tội vạ".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc lạm dụng quá nhiều loại thuốc có thể "phản tác dụng", khiến bà bầu mệt mỏi, táo bón, tăng gánh nặng cho gan, đặc biệt là trường hợp dùng quá liều, dùng không đúng cách.
Bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết chưa có số liệu cụ thể về trường hợp gặp họa khi tự ý dùng thuốc, song sử dụng bất cứ loại thuốc nào cũng cần chỉ định của bác sĩ, kể cả thuốc bổ.
Theo bác sĩ, cơ thể không có khả năng tự tổng hợp được hầu hết vitamin nên một số loại cần được cung cấp từ ngoài vào qua khẩu phần ăn và dạng thuốc bổ sung. Vitamin sẽ giúp duy trì quá trình chuyển hóa để đảm bảo tốt nhất cho sự sinh trưởng và khả năng hoạt động bình thường của cơ thể.
Đối với thai kỳ, vitamin không chỉ giúp duy trì sức khỏe cho mẹ mà còn tăng cường dưỡng chất cho sự phát triển toàn diện của thai nhi. "Trường hợp bà bầu có chế độ ăn không cân đối, lượng vitamin hấp thu từ thực phẩm thấp sẽ khiến thai nhi bị thiếu chất, gây ra nhiều ảnh hưởng cho thai kỳ", bác sĩ nói.
Các loại vitamin cho bà bầu và khoáng chất thiết yếu cần bổ sung đó là vitamin A, vitamin B, vitamin C, vitamin D, sắt, canxi...nhưng không nên vượt quá hàm lượng mà cơ thể cần mỗi ngày. Ngoài ra, những loại thuốc này không thể thay thế cho việc nạp vitamin từ chế độ ăn hằng ngày với một thực đơn khoa học.
Sai lầm của các mẹ bầu thường uống cùng lúc nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng và nghĩ chúng "bổ béo". Tuy nhiên, hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi viên thuốc không giống nhau, kết hợp nhiều loại có thể dẫn đến tình trạng thừa chất, đặc biệt là sắt và vitamin A, D. Phụ nữ mang thai được khuyến cáo bổ sung khoảng 27 mg sắt mỗi ngày. Lượng sắt tối đa không nên vượt quá 45 mg mỗi ngày để tránh các tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn, và nguy cơ tích tụ sắt trong gan, thận. Mẹ bầu thừa sắt còn có thể gây táo bón, buồn nôn và các vấn đề tiêu hóa... Thừa vitamin D sẽ gây tăng canxi máu; thừa vitamin A sẽ gây nhức đầu; thừa vitamin C có thể gây viêm loét dạ dày.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Công Định, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2, cho biết các mẹ có thể bồi bổ để mang thai khỏe mạnh song không nên bất chấp, lạm dụng hoặc tự ý dùng thuốc, bởi bất kỳ loại nào cũng có tác dụng phụ.
"Tự ý dùng thuốc kéo theo nhiều mối nguy sức khỏe tương lai, khó lường trước", bác sĩ nói. Chẳng hạn một số thuốc nam không rõ nguồn gốc được pha trộn với các thuốc Tây y cấm sử dụng (như phenformin) dẫn tới suy gan, suy thận, nhiễm acid máu nghiêm trọng...
Ngoài ra, thuốc là con dao hai lưỡi, phải dùng theo chỉ định vì có thể gây hại đến hai tính mạng. Ở Mỹ, hằng năm phải tiêu tốn khoảng 150 tỷ USD để xử lý tai biến do thuốc, có 5 - 20% bệnh nhân nhập viện phải gánh chịu tai biến do thuốc trong suốt thời gian nằm viện, hoặc có khá nhiều người không cứu được, dẫn đến tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu nên tham khảo ý kiến chuyên gia ở mỗi giai đoạn của thai kỳ, đọc kỹ thông tin trên bao bì và hướng dẫn sử dụng. Mẹ bầu có thể bổ sung chất từ thực phẩm, dinh dưỡng hằng ngày như thịt đỏ, hải sản, ngũ cốc, rau xanh...
Theo dõi cân nặng khi mang thai để không bị tăng cân, tăng nguy cơ tiền sản giật, sinh non. Ngược lại, người mẹ thiếu cân, thai nhi nguy cơ chậm phát triển, suy dinh dưỡng bào thai, thai lưu, non tháng nhẹ cân.
Chị em nên hạn chế ăn mặn, nhiều muối như đồ hộp, xúc xích, dưa cà muối; đồ ăn nhanh. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc bổ khi chưa có chỉ định bác sĩ.
Thùy An