Thông tin được ông Hà Công Tuấn, nguyên thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói tại hội thảo phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột, ngày 4/4.
Ông Tuấn cho biết sau năm 1975, Tây Nguyên là thủ đô của lâm nghiệp, với 3,8 triệu ha rừng tự nhiên, độ che phủ toàn vùng 70%. Sau nhiều thập kỷ, diện tích rừng ở đây chỉ còn khoảng 2,1 triệu ha. Trong đó, gần 10% là diện tích rừng giàu, phân bố ở sáu vườn quốc gia và các rừng phòng hộ; còn lại là rừng nghèo kiệt.
Từ năm 1976 đến 2005, mỗi năm Tây Nguyên để mất khoảng 34.000 ha rừng tự nhiên. Sau Chỉ thị 13/2017 của Ban Bí thư, tình trạng phá rừng giảm nhưng cũng mất 25.000 ha mỗi năm. Trong số này, 78% mất rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng, phá rừng bất hợp pháp chỉ chiếm 6%, khai thác rừng trồng 4%, cháy rừng 1%, còn 11% là nguyên nhân khác.
Từ đó, nguyên thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Trung ương có chính sách đối với hơn 300.000 ha đất lâm nghiệp trước đây bị người dân lấn chiếm trái phép (thực tế người dân sinh sống ổn định tại đây suốt thời gian dài). Nhà nước giải quyết dứt điểm đối với đất đã giao khoán; xem xét công nhận một số loài cây lâu năm (bơ, sầu riêng), cây lấy gỗ vào mục tiêu là cây rừng.
Ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Vụ phó Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng thời gian qua vẫn còn những bất cập trong chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp. Điều này dẫn đến hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp còn hạn chế, chưa xứng đáng với tiềm năng. Thời gian tới, nhà nước cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trong dự thảo luật đất đai (sửa đổi).
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, là vùng có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước, có tiềm năng phát triển tài nguyên rừng. Song công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, giao đất, giao rừng còn gặp nhiều thách thức. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng còn xảy ra ở một số địa phương.
Theo ông Tuấn Anh, nhà nước đã có nhiều chính sách bảo vệ rừng, nhưng thực tế một số chính sách, chủ trương chưa thực sự đảm bảo cuộc sống cho người dân, lực lượng quản lý rừng. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, với thực trạng như hiện nay, rừng đang là "gánh nặng" cho địa phương.
Trần Hoá