![]() |
Ông Janathan C. Eamas. |
- Thưa ông Janathan C. Eamas, nghe nói những phát hiện của ông cũng có chút ít may mắn?
- Phải, may mắn đã đem lại vinh quang lớn cho tôi và các đồng nghiệp. Đầu tiên tôi muốn nói về chuyện tôi đã có "cú đúp" như thế nào khi phát hiện ra gần như cùng lúc hai loài khướu mới. Giữa những năm 90, tôi đi khảo sát vùng rừng núi Ngọc Linh (nóc nhà của hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với đỉnh cao gần 2.600 m) để tiến tới thành lập khu bảo tồn tại đây. Ngay trong ngày đầu tiên ở đó, tôi đã gặp chú khướu mà sau này được đặt tên là khướu vằn đầu đen (Actinodura sodangorum). Những vệt đen trên cổ họng và cằm, cùng với chiếc mào trên đầu đã khiến tôi chú ý, bởi nó không giống những gì tôi đã biết. Với nhạy cảm nghề nghiệp, tôi lập tức nghĩ ngay có thể đó là một loài mới. Chuyến khảo sát còn kéo dài một tháng, và chúng tôi tiếp tục tiếp cận với nhiều tầng rừng của núi Ngọc Linh. Ở độ cao 2.000 m so với mặt biển, nơi bìa rừng, tôi lại gặp một loài khướu thứ hai cũng hoàn toàn mới, với mầu nâu đỏ thẫm trên đỉnh đầu và sau gáy - sau này nó được mang tên khướu Ngọc Linh (Garrulax ngoclinhensis). Kết thúc chuyến đi, chúng tôi đã bắt được mẫu mang về nghiên cứu.
- Thủ tục "khai sinh" cho chúng như thế nào?
- Tôi phải mất bốn năm mới hoàn tất việc đó. Ngay sau khi đưa mẫu về, tôi đã đến các bảo tàng tự nhiên của Anh, Mỹ để so sánh mẫu. Công việc phải được tiến hành rất cẩn thận, tỷ mỉ với hàng triệu phép so sánh, bởi riêng một bảo tàng tự nhiên ở Anh đã lưu giữ hơn 1 triệu mẫu về các loài chim. Việc so sánh để xác định những đặc điểm mới của hai loài này đã đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về xác định loài mới. Lúc đó tôi mới có đầy đủ cơ sở miêu tả chúng trên các tạp chí chuyên ngành để có được sự công nhận. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1968, tại tiểu lục địa Đông - Nam Á có hai loài chim mới được phát hiện.
- Phát hiện thứ ba của ông vừa được công bố năm 2001 cũng là một loài khướu?
- Vâng, nó được tôi "khai sinh" với cái tên Kon Ka Kinh (Garrulax konkakinhensis) để kỷ niệm vùng núi tỉnh Gia Lai nơi chúng tôi đã tìm thấy nó, đồng thời cũng để lôi cuốn sự chú ý của mọi người đến vùng núi có tầm quan trọng quốc tế này. Đây là loài chim sống chủ yếu ở tầng thấp của vành đai rừng có độ cao tới 1.600 - 1.700 m so với mặt biển. Rất có thể nó còn phổ biến ở nhiều vùng khác của Tây Nguyên có cùng sinh cảnh và độ cao. Với ba loài chim đó, người ta thực sự kinh ngạc về những điều còn tiềm ẩn ở rừng núi Tây Nguyên.
- Đó là suy nghĩ của các nhà điểu học, nhưng đối với người dân bình thường, dường như chúng chẳng có gì đáng chú ý lắm, đều bé tí tẹo và sống tít trên núi cao. Có cách gì để mọi người đều thấy được giá trị và sự cần thiết phải bảo vệ chúng?
- Tôi xin nhấn mạnh rằng đây là loài chim đặc hữu, hầu như chỉ sống ở khu vực này (có thể còn có ở một khu tương tự ở địa phận nước Lào), ngoài ra không có ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Vì thế phát hiện này là động lực thúc đẩy quá trình công nhận khu vực chúng sinh sống là khu bảo tồn thiên nhiên cỡ quốc tế. Ở những nơi đó, chúng sống khá phổ biến, và tất cả mọi người đều có cơ hội chiêm ngưỡng. Nhưng nay, chúng đang bị đe dọa bởi nạn phá rừng để lấy gỗ hoặc làm nương rẫy, và thậm chí bởi cả những con đường sắp được mở xuyên qua rừng.
- Năm nay, ông còn quan tâm đến việc tìm kiếm các loài chim mới nữa không?
- Đây là một phần công việc của Chương trình Bird Life ở Việt Nam, và có thể nói rằng, việc đó còn đầy triển vọng. Bởi lẽ, thế giới các loài chim ở Việt Nam còn tương đối mới mẻ, chưa dày dấu chân của các nhà điểu học so với các nơi khác. Theo kinh nghiệm của tôi, các loài chim mới thường ở những đỉnh núi cao, tương đối biệt lập, vì sự biệt lập đó khiến cho loài mới được hình thành.
- Kinh nghiệm của ông có giúp ích gì cho các nhà điểu học Việt Nam?
- Các nhà sinh vật học Việt Nam mà tôi có dịp tiếp xúc hay hướng dẫn đều là những người có đủ kinh nghiệm để thực hiện việc này. Nhưng ở Việt Nam không có bảo tàng tự nhiên để lưu giữ mẫu các loài chim, phục vụ cho việc so sánh mẫu để dự đoán ra loài mới. Muốn thực hiện khâu này, họ phải gửi mẫu ra nước ngoài. Đó là một cản trở rất lớn, bởi theo tôi được biết, có không ít nhà điểu học ở các nước lấy được mẫu xong lại tống tất vào bảo tàng, vì không đủ kiên trì hoặc không có điều kiện so sánh mẫu. Tôi nghĩ, việc thành lập một bảo tàng tự nhiên ở Việt Nam không phải là quá khó, nhiều nước chung quanh Việt Nam cũng đã có rồi.
Ông Janathan C. Eamas là một trong những nhà bảo tồn thiên nhiên đến làm việc sớm nhất ở Việt Nam (từ năm 1988). Kể từ năm 1997, khi Chương trình Bird Life ở Việt Nam được thành lập, ông liên tục ở Việt Nam và thường xuyên bận rộn với các hoạt động bảo tồn chim và tiến cử các khu bảo tồn mới. |
(Theo Thể Thao - Văn Hoá)