Có nhiều cách trèo hái xoay, thông dụng nhất là buộc nối cây con hoặc đóng đinh làm bậc trèo lên cây, dùng dao ''thượng cành, tỉa nhánh'' cho rơi xuống đất để người nhà vặt quả. Nhanh hơn, cũng nguy hiểm hơn là lợi dụng mật độ dày đặc và lớp tầng của cây rừng, người ta dùng cù nèo móc nghéo vào một ngọn cây gần nhất và bay sang. Cứ thế, cho đến khi họ tiếp cận được ngọn xoay.
Năm Bình, một thợ chuyên leo hái quả xoay, tâm sự: "Chẳng tài giỏi gì đâu, vì miếng cơm manh áo cả thôi. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Đã lên cây là phó thác sinh mệnh cho thần núi, sơ sẩy một chút là thành ma núi". Theo Bình, mỗi vụ xoay rừng lại có thêm vài oan hồn thác phận. Năm nay đã có 6 người thiệt mạng dù mùa xoay chỉ mới bắt đầu. Như trường hợp anh Phạm Viết Tấn, ở mãi Xuân Thuỷ, Nam Định. Tranh thủ lúc nông nhàn, anh vào rừng mong kiếm thêm chút tiền cho con chuẩn bị năm học mới, chỉ một phút sơ sẩy đã khiến vợ anh và 3 đứa con thành goá phụ, cút côi.
Theo lời Bảy Nhu, một tay buôn kỳ cựu, mỗi ngày có không dưới 10 tấn xoay (mỗi kg giá 15.000 đồng) được tiêu thụ, tức là có đến trăm triệu đồng đổ về Kbang. Nhưng số tiền ấy lại chẳng đổ trọn vẹn về túi người chủ rừng. Ngay từ khi xoay vừa kết hoa, nhiều kẻ đã cho quân khảo sát thực địa, đóng bảng chữ ''cây có chủ, vô phận sự miễn trèo'' vào từng cây. Họ lập lán trại, chốt trong rừng canh giữ đất trên lâm phần của người dân bản xứ được các lâm trường Sơ Pai, Sơn Lang, giao cho chăm sóc vào bảo vệ.
Trước tình trạng này, UBND xã Sơn Lang đã kiến nghị UBND huyện Kbang chỉ đạo các ban ngành chức năng giúp địa phương trấn áp phòng ngừa tội phạm, tạo niềm tin cho nhân dân. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Sơ Pai, ông Dương Trung Thắng, cũng khẳng định: ''Chính quyền xã đã được lâm trường hỗ trợ dẹp các băng nhóm chiếm rừng. Nhưng không thể thành công nếu thiếu sự hỗ trợ của huyện''.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND huyện Kbang, ông Trần Vĩnh Hương, lại cho rằng: "Phải giải quyết từ dưới cơ sở. Lâm trường có trách nhiệm phối hợp với xã xử lý các băng nhóm mang tính xã hội đen".
(Theo Tuổi Trẻ)