Dự án trồng rừng phòng hộ thuộc Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng ở huyện Tiên Phước được phê duyệt năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Tiên Phước làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, 56,5 hecta cây bản địa lim xanh và sao đen sẽ được trồng ở ba xã Tiên Lãnh (18 hecta), Tiên Ngọc (8,5) và Tiên Cảnh (30).
Khi trồng cây, hộ dân phải xử lý, phát quang thực bì tạo đường băng rộng 2 m, băng chừa một mét; chỉ được chặt cây bụi, dây leo, để lại cây gỗ và rừng tái sinh. Hố trồng sâu, cao, rộng 40 cm và trồng so le với khoảng cách 2,5-3 m một cây. Về mật độ, mỗi hecta trồng 1.300 cây, trong đó 60% là sao đen, 40% lim xanh.
Kinh phí đầu tư trồng và chăm sóc là 17 triệu đồng/hecta, trong đó công trồng và 3 năm chăm sóc 8 triệu đồng, lim giống 10.000 đồng/cây, sao đen giá 3.000-4.000 đồng/cây, còn lại là kinh phí vận chuyển. Tổng kinh phí trồng hơn 56 ha rừng là 950 triệu đồng.
Mục tiêu của dự án là tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn, từng bước phục hồi đa dạng sinh học, hạn chế thiên tai, lũ lụt. Rừng trồng góp phần xác định quyền sở hữu đất nhà nước để người dân không được xâm lấn lấy đất trồng cây gỗ keo.
Năm 2021, tại xã Tiên Lãnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Tiên Phước hợp đồng với ba nhóm hộ dân trồng 18 hecta ở tiểu khu 551. Cuối năm 2022, dự án đã nghiệm thu và bàn giao cho người dân chăm sóc.
Sau hơn hai năm trồng, tiểu khu 551 xã Tiên Lãnh được bao phủ bởi màu xanh nhưng không phải do cây lim hay sao đen mà là keo. Dọc tuyến đường mòn đi trong rừng dự án, chỉ có một số cây lim, sao đen nằm dưới tán keo. Nhiều cây giống bị chặt đứt ngang thân, một số hố trồng cùng lúc hai cây.
Cây giống chỉ được trồng trong lỗ nhỏ, kích thước chưa được 20 cm nên cằn còi, phát triển kém. Đường băng không được xử lý thực bì khiến các loại cây khác phát triển mạnh, chèn ép cây lim và sao đen.
Nhiều người dân bày tỏ bức xúc bởi dự án được đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng đến nay không có hiệu quả. Nhiều cây giống bị vứt bỏ, cách trồng không đúng với phương án phê duyệt.
"Nhìn vào ai cũng nghĩ đây là rừng keo chứ không biết đó là rừng trồng cây bản địa. Cây gỗ keo cao lớn, còn lim xanh, sao đen ở dưới bị che ánh sáng, thiếu chất dĩnh dưỡng nên còi cọc, chết", một người dân nói.
Ông Bùi Sang, Chủ tịch xã Tiên Lãnh, cho hay khu vực này trước đây người dân phá rừng để trồng keo, sau đó bị cháy. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước phối hợp với xã giao cho nhóm hộ trồng cây lim, sao đen nhằm phục hồi rừng. "Qua kiểm tra, có hiện tượng hộ dân phát thực bì không chú ý làm chết một số cây. Tỷ lệ cây sống ít", ông Sang nói.
Giải thích việc trồng rừng không đúng thiết kế, toàn cây keo, ông Nguyễn Đức Vũ Thao, chuyên viên Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước, nói do tiểu khu 551 đặc thù đồi núi nên không thể trồng lim, sao đen theo hàng. Sau vụ cháy, hạt keo bay mọc khắp nơi, các hộ nhận khoán "tiếc không chặt bỏ".
"Quá trình nghiệm thu, cây sống đạt tỷ lệ 85%, đúng với quy định. Rừng phát triển tốt, có một số khu vực không được như mong muốn", ông Thao nói và cho hay sau khi trồng người dân phải chăm sóc đến 3 năm. Trường hợp cây chết, xã phải mua cây trồng dặm.
Trước phản ánh của người dân và chính quyền xã, ông Tăng Ngọc Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước, cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra, đảm bảo các hộ dân nhận khoán thực hiện đúng phương án và hợp đồng trồng, chăm sóc cây.