Mới đây, cơ quan quản lý cạnh tranh cảnh báo các website, ứng dụng hoàn tiền mua sắm (cashback) có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép. Một trong những ứng dụng nằm trong diện cảnh báo của Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) là MyAladdinz.
Xuất hiện rầm rộ gần đây, MyAladdinz, tự quảng cáo thuộc một tập đoàn lớn nhất thế giới với 27 năm kinh nghiệm đến từ Singapore. Ứng dụng này có hàng chục nhóm cộng đồng trên Facebook để tiếp cận thành viên tiềm năng với thông điệp như: "kiếm 100-1.000 USD mỗi ngày, kiếm tiền công nghệ 4.0". Trong đó, lời mời gọi chủ yếu là người dùng mua bán qua ứng dụng này sẽ được hoàn đến 80%.
Tuy nhiên, để được hoàn tiền mua sắm, người dùng phải chuyển đổi từ tiền VND sang một loại tiền riêng của nền tảng, gọi là Gem. Khi mua sắm tại những gian hàng trực tuyến chấp nhận thanh toán Gem, cũng là những tổ chức cá nhân khác đã tham gia vào ứng dụng, người dùng sẽ được hoàn lại bằng Gem chứ không phải tiền thật. Số Gem này, người dùng có thể đổi sang một loại tiền ảo là USDT.
Nền tảng khuyến khích người dùng trong cộng đồng giao dịch Gem và USDT lẫn nhau như giao dịch tiền ảo và đầu tư sinh lời gấp nhiều lần. Hiện tại, ứng dụng này có một nhóm cộng đồng những người mua bán với nhau bằng Gem lên đến 77.000 thành viên trên Facebook và hàng chục nhóm, trang khác hướng dẫn nhau làm giàu.
Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cảnh báo người dân không nên tham gia đầu tư, phát triển hệ thống của những website, ứng dụng thương mại dạng này. Một số ứng dụng, nền tảng khác không bị đích danh cơ quan quản lý nêu có nghi vấn lừa đảo nhưng cũng có những cách hoạt động khá tương tự.
Payback VN - một nền tảng tự xưng là có nguồn gốc từ Đức với khả năng hoàn tiền đến 90%, thậm chí là "hoàn vốn 100%". Nền tảng này cũng yêu cầu các thành viên để được hưởng lợi phải giao dịch bằng một loại tiền riêng gọi là Pay.
Trong khi đó, với Tailoc888 - một nền tảng vận hành trên web lẫn ứng dụng cũng đang hoạt động sôi nổi với khẩu hiệu "Giật đơn hàng, kiếm tiền triệu". Khi muốn tham gia, người dùng phải nạp tiền vào tài khoản ứng dụng để giật các đơn hàng ảo mà ứng dụng cung cấp. Mỗi lần giật đơn, tùy giá trị đơn ảo mà số tiền nạp vào sẽ bị trừ đi. Sau vài giây thao tác giật đơn thành công, ứng dụng sẽ thông báo hủy đơn thành công và trả thêm hoa hồng vào tài khoản, dao động từ 0,25 đến 0,4% giá trị đơn giật. Hội viên thường được giật tối đa 30 đơn mỗi ngày.
Tuy nhiên, chỉ với 30 đơn thì số hoa hồng kiếm được khá thấp nên để kiếm nhiều tiền hơn bằng cách có quyền giật 40-60 đơn mỗi ngày, người dùng phải nâng cấp lên hội viên cao hơn. Song, cách kiếm tiền bằng giật đơn chỉ là mồi nhử, muốn kiếm tiền lớn, người dùng cần mời thêm người khác vào mạng lưới. Cụ thể, nếu mời được 5 người tham gia, mỗi người nạp 10 triệu đồng thì người lôi kéo được hoa hồng 0,6% và quyền giật 60 đơn mỗi ngày. Hệ thống có 3 tầng, nền tảng tính toán rằng các thành viên tầng cao nhất có thể kiếm được từ hoa hồng của mạng lưới mình khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài ra, còn có một số ứng dụng khác mời gọi người dùng theo cách kiếm tiền có vẻ rất "chân chính" là trả công xem quảng cáo và cam kết hoàn toàn miễn phí, không bắt buộc đầu tư nên không có rủi ro. Những ứng dụng loại này cũng đang thu hút đông đảo người tham gia. Ngoài xem quảng cáo, những nền tảng này hàng ngày cung cấp các nhiệm vụ để hội viên thực hiện nhằm nhận tiền thưởng như làm khảo sát, đăng ký tài khoản các dịch vụ trực tuyến, giới thiệu người khác mua hàng dịch vụ thành công...
Tuy nhiên, tiền nhận được từ các cách này không cao. Một số người từng tham gia cho biết số quảng cáo được xem kiếm tiền hàng ngày hạn chế, có quảng cáo chỉ nhận được 100-150 đồng, cả ngày chỉ có thể nhận tối đa khoảng 5.000 đồng..
Do đó, muốn kiếm tiền nhiều phải tham gia phát triển hệ thống. Theo hướng dẫn, khi giới thiệu thành viên mới tham gia kiếm tiền cùng, hội viên sẽ được hưởng thu nhập lên đến 5% thu nhập của tất cả các thành viên đã giới thiệu, hoa hồng được tính cho các thành viên trong nhóm đến 10 tầng hệ thống. Nền tảng còn tổ chức các chiến dịch đua top trả thưởng để các hội viên phấn đấu, với các giải thưởng là vàng ảo hay các dịch vụ trực tuyến...
Theo Bộ Công Thương, đây là một dạng thương mại điện tử theo hình thức B2C (kết nối doanh nghiệp, người mua), song thực tế lại hoạt động dưới hình thức kinh doanh đa cấp, trả hoa hồng.
Theo đó, nhà cung cấp bán hàng hoặc người mua hàng khi sử dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử này giao dịch được quảng cáo sẽ nhận chiết khấu, hoàn tiền cho mỗi giao dịch 80-100%, hoặc thậm chí cao hơn. Song thực tế việc hoàn tiền với giá trị cao chỉ thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, còn nếu chuyển đổi sang tiền mặt thì tỷ lệ % rất nhỏ, khoảng 0,05 - 0,1% một ngày.
Chưa kể, việc tích điểm trên hệ thống nội bộ của những website, ứng dụng này có liên quan tới một hoặc một số loại tiền ảo, ví điện tử (ví dụ như Gem, CBP, Siling, ETH, ONE...). Ngoài giao dịch mua sắm, hệ thống còn cho phép các tài khoản của người tham gia có thể đầu tư, mua bán và trao đổi các điểm số nội bộ trên hệ thống tương ứng với các loại tiền ảo tự lưu hành trên trong khi các loại tiền ảo này không được pháp luật Việt Nam công nhận là trung gian thanh toán.
Tùy thuộc vào thứ tự tham gia và người giới thiệu (bảo trợ để đăng ký vào hệ thống) mà các tài khoản sẽ được kết nối, sắp xếp theo tầng, cấp, nhánh. Lúc này, hệ thống thường đưa ra các hình thức để huy động vốn hoặc mời gọi người tham gia nộp thêm tiền để nâng cấp tài khoản lên các mức cao hơn (như khoản Silver, Gold, Platinum, Dimond hay Millionaire...) để được hưởng hoa hồng, quyền lợi hấp dẫn theo tỷ lệ phần % số tiền người tham gia tuyến, nhánh dưới.
"Mô hình hoạt động của các website, ứng dụng thương mại điện tử cashback có biểu hiện không minh bạch, biến tướng và sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép", Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá.
Kinh doanh đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhánh, trong đó người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và những người khác trong mạng lưới. Kinh doanh đa cấp phải được đăng ký theo quy định Nghị định 40/2018.
Theo Bộ luật Hình sự 2017 sửa đổi, các tổ chức cá nhân nếu có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam.
Dỹ Tùng - Anh Minh