Theo khảo sát tại các sân bóng đá nhân tạo khu vực Tây Hà Nội, giá thuê sân ngoài giờ “vàng” khoảng 250.000 - 300.000 đồng một trận (90 phút). Khung giờ vàng có giá gần gấp đôi, từ 450.000 - 600.000 đồng. Trung bình mỗi ngày, chủ sân sẽ thu về từ 3 - 7 triệu đồng, bao gồm cả các dịch vụ đi kèm như cho thuê, bán đồ thể thao, thuê bóng, bán nước, dịch vụ trông xe.
Chủ một sân cỏ nhân tạo trong khu vực Cầu Giấy cũng cho biết, bình quân mỗi tháng sân thu về từ 100 - 150 triệu đồng, lãi được 20 - 60 triệu đồng.
Tuy nhiên, chi phí bỏ ra ban đầu để đầu tư sân bóng khá lớn, phải sau 1,5 đến 2 năm mới thu hồi đủ. Anh Hùng, một người kinh doanh sân bóng trên đường Phạm Hùng cho biết, đối với sân bóng bình thường (từ 2 - 4 sân bóng mini), tiền đầu tư từ thi công, cỏ, lưới, bóng đèn… ban đầu ở mức 300 - 400 triệu đồng.
Đối với sân cỏ nhân tạo thì tiền đầu tư sẽ cao hơn khi phải đầu tư cỏ rải mặt sân. Mỗi mét cỏ nhân tạo có giá dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/m2 nhưng thường sau 2 năm mới phải làm cỏ lại một lần. Ngoài ra, mỗi tháng, chủ sân còn phải bỏ ra 80 - 90 triệu đồng cho các chi phí tiền điện, tiền thuê đất, trả lương nhân viên…
Bên cạnh đó, kinh doanh sân bóng sẽ gặp rủi ro nếu không xác minh rõ nguồn gốc đất mà xây trên diễn tích của những dự án treo, chậm tiến độ. Nếu bị phát hiện, chủ sân sẽ buộc phải dừng kinh doanh và chịu thiệt hại lớn do mất tất cả vốn ban đầu mà chưa kịp kiếm được đồng lãi nào.
Việc chọn được khu đất ở vị trí đẹp, thuận lợi cho kinh doanh cũng là điều không dễ dàng, trong khi dịch vụ và cơ sở hạ tầng là yếu tố quyết định lôi kéo người chơi trở lại nhiều lần. Do đó, nhiều sân bóng đang rơi vào tình trạng chết yểu, khách đến ít, tiền thu về không đủ để chi trả cho những chi phí khác.
Theo Diễn đàn đầu tư