"Phải lần đầu chửa đẻ đâu, mà liệu tôi sẽ giúp được gì?" - ý nghĩ nhanh chóng chạy qua đầu tôi khi bạn thì thào hỏi.
Hóa ra, bạn vừa nhận bảo hiểm một lần, chuyển hẳn ra làm tự do, thì phát hiện có bầu. Bạn hỏi có cách nào kịp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để sinh con được hưởng chế độ thai sản.
Tôi không vội trả lời, thả điện thoại xuống, bất giác nghĩ tới cuộc gặp với chị Thu tháng trước, ở một sàn giao dịch việc làm.
Chị Thu vốn là kế toán của một công ty cấp nước. Sáu năm trước, chị trình bày với lãnh đạo: cần tiền sửa nhà nên phải xin nghỉ việc, rút bảo hiểm một lần. Bằng tất cả sự chân thành và khéo léo, chị gần như "đạt được thỏa thuận miệng" với sếp rằng chị sẽ được nhận lại làm việc, giữ mức lương thâm niên 14 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể phụ cấp.
Rồi chị nghỉ việc, ấp ủ kế hoạch chờ lĩnh trợ cấp thất nghiệp 12 tháng. Trong lúc đó, chị nhận hồ sơ kế toán làm thêm. Được nửa năm, thấy mình có hạch nhỏ ở cổ, khó nuốt, chị đi khám. Bác sĩ thông báo bị ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu.
Chị tạm dừng làm thêm. Nguồn thu nhập lúc này chỉ còn dựa vào khoản trợ cấp thất nghiệp 8,4 triệu đồng mỗi tháng nhưng thời hạn nhận một năm cũng sắp hết. Phải dồn tiền trị bệnh, chị dừng luôn kế hoạch sửa nhà. Tròn năm nghỉ việc, chị làm thủ tục rút bảo hiểm, được gần 180 triệu đồng. Không việc làm, không còn trợ cấp, số tiền chia năm chia bảy, chảy vào nồi cơm, vào học phí của con, vào bệnh viện... và nhanh chóng vơi đi. Chị quay lại công ty gặp lãnh đạo, xin được trở về làm việc nhưng bị từ chối. Vị trí đã có người mới.
Khi gặp tôi, chị vẫn đang làm công nhân thời vụ cho một nhà máy điện tử ở Khu công nghệ cao TP HCM, nhưng vẫn tranh thủ ghé qua các sàn giao dịch việc làm, mong kiếm được một công việc đúng chuyên môn ở tuổi ngấp nghé 50.
Chị cẩn thận điền vào phiếu thông tin: công việc kế toán, mức lương mong muốn 13-15 triệu đồng, được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Chị dự tính, nếu tham gia ngay từ bây giờ, khi luật mới được áp dụng, chị vẫn đủ 15 năm tối thiểu để hưởng lương hưu.
"Biết bệnh tình thế này đã nghĩ kỹ trước khi nghỉ việc", chị nói. Nếu còn làm công ty cũ, còn đóng bảo hiểm thì khi điều trị bệnh, nghỉ làm dài ngày, chị vẫn được chế độ ốm đau, an tâm dưỡng sức chứ không phải chật vật đi làm lao động tay chân kiếm thu nhập như bây giờ.
Trong hơn mười năm đưa tin, tìm hiểu về thực trạng, chính sách bảo hiểm, lao động việc làm, tôi gặp không ít tình huống, đối diện với nhiều câu hỏi tương tự, từ những người chỉ nhớ đến bảo hiểm xã hội khi gặp bất trắc trong cuộc sống.
Và trong hầu hết tình huống, mọi thứ đã quá muộn để bắt đầu.
Bạn tôi vừa cấn bầu, nếu tìm được một doanh nghiệp đồng ý ký hợp đồng lao động, để tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì đến khi sinh bạn vẫn kịp hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, công ty ký hợp đồng sẽ đối mặt rủi ro bị thanh tra do có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm, bởi bạn chỉ đóng để hưởng thai sản mà không làm việc.
Còn chị Thu, tôi không chắc chị có thể tiếp tục một quá trình đóng mới hay không khi cơ hội việc làm của chị ngày càng hẹp dần.
Hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc của Việt Nam được thiết kế với 5 chế độ hỗ trợ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Trong những tình huống này, người lao động không cần phải đi làm vẫn được bảo hiểm chi trả một khoản trợ cấp theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ. Tùy vào thời gian tham gia, mức lương làm căn cứ đóng, số tiền nhận được sẽ cao hay thấp nhưng ít nhất đảm bảo cho người lao động không rơi vào cảnh cùng quẫn.
Nếu cũng như tôi, đã lắng nghe vô số lý do rút bảo hiểm một lần, bạn sẽ rất dễ mủi lòng. Phần lớn người lao động không dưng mà phải lựa chọn "sống được hôm nay đã, mai mốt tính sau". Nhưng họ thường không lường hết được những tình huống éo le, rủi ro, hoặc đơn giản là sự tình bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Việc rút bảo hiểm, rốt cuộc lại trở thành quyết định "bóc ngắn cắn dài", ăn cả vào tương lai.
Nhưng ngoài lý do để đối phó với khó khăn hiện tại, tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm, theo tôi, còn liên quan tới hai nguyên nhân quan trọng: Tâm lý coi bảo hiểm xã hội như một loại tiết kiệm gửi ngân hàng, trích lương đóng hàng tháng và khi cần chi tiêu thì rút ra; và sự "thiếu dứt khoát" của pháp luật.
Lương hưu cho người cao tuổi, rộng ra là vấn đề an sinh xã hội, là bài toán phải tính đến ngay từ hôm nay, từ quy mô từng cá nhân tới mỗi chính phủ. Trong khi chờ cải thiện nhận thức của người dân, tôi cho rằng nhà làm chính sách cần dứt khoát hơn, hướng tới các mục tiêu an sinh rộng lớn, quan trọng thay vì bị chi phối bởi các tình huống cụ thể.
Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện. Ở lần sửa luật này, nhà làm chính sách đang tìm cách từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt quy định rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo tôi, điều này là cần thiết để trong tương lai, hạn chế được những tính toán ngắn hạn dẫn đến quyết định gây nhiều tiếc nuối như của chị Thu.
Quá trình hoàn thiện pháp luật nên được tiến hành song song với việc tuyên truyền, phổ biến để một người trước khi bước vào thị trường lao động hiểu rõ những điều cơ bản, mục tiêu của chính sách an sinh.
Bảo hiểm là sự chuẩn bị, đóng góp ngay từ khi còn khỏe mạnh, an bình; chứ không phải là thứ được chợt nhớ ra khi đã sa cơ, bất trắc.
Lê Tuyết