Theo một cựu nhân viên phục vụ trên tàu du lịch Sam Catling, phần lớn các chuyến đi trên biển đều thuận lợi. Tuy vậy, hành khách phải đối mặt với rủi ro ít người trong số họ ngờ tới: say sóng.
Trong cuốn sách Seems Like Smooth Sailing của mình, Catling cho biết say sóng khi đi nghỉ trên du thuyền có thể là mối e ngại lớn. Hành khách có thể say sóng nặng nhất khi ngồi trên xuồng cứu sinh, đặc biệt khi chúng được sử dụng để đưa khách vào bờ do tàu phải neo đậu ngoài khơi. Xuồng cứu sinh quá nhỏ so với du thuyền, vì vậy hành khách sẽ cảm nhận những cơn sóng rõ rệt hơn, và thấy nôn nao, khó chịu.
"Khi biển động, việc đưa khách rời tàu là thách thức lớn. Khi đó, thuyền lắc lư mạnh hơn, hành khách có thể trượt chân, vấp ngã, dẫn đến la hét, xô đẩy, kêu khóc... Với những du khách ngồi xe lăn, người già yếu... việc này càng trở nên khó khăn, và đôi khi nguy hiểm hơn", Catling nhận định.
Nếu bị say sóng, hành khách có thể áp dụng nhiều mẹo để thoát khỏi tình trạng mệt mỏi này. Say sóng một phần do tâm lý, và có nhiều cách để lừa não bộ của bạn. Ví dụ, nếu ngồi bên trong một con tàu đang lắc dữ dội, bạn có thể tập trung nhìn thẳng vào đường chân trời phía trước. Đường chân trời bạn nhìn thấy thường sẽ không trồi lên, sụt xuống nhiều lần như hành lang của con tàu. Điều đó có thể đánh lừa tâm trí rằng mọi thứ đều đang diễn ra trôi chảy và bạn cảm thấy ổn hơn.
TripSavvy chỉ ra rằng, việc luôn chân luôn tay, hoặc giữ cho tâm trí luôn bận rộn là cách tốt nhất để tránh say sóng. Bạn nên cố gắng ở trên boong, hít thở không khí trong lành và tập trung vào những thứ khác, thay vì để ý đến con tàu đang di chuyển.
Bạn hãy hít thở sâu nếu cảm thấy mất bình tĩnh, uống nhiều nước và không nên để dạ dày rỗng. Tuy nhiên, thực phẩm cay, hoặc nhiều chất béo không được khuyến khích. Nếu dễ bị say, bạn nên chọn một phòng có ban công, cửa sổ và nằm ở giữa tàu, những tầng thấp, vì những tầng cao thường rung lắc mạnh hơn.
Hành khách cũng có thể nằm trên ghế xếp, tận hưởng không khí trong lành để đầu óc thư thái, quên đi nỗi lo say sóng. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là ghế bên bể bơi, bàn ăn và ghế trong nhà hát của tàu... là những thứ bạn không được phép giữ chỗ trước trong một thời gian dài. Theo Cruise Critic, chỉ đến bể bơi từ sáng sớm mới giúp bạn tránh mất thời gian tranh giành ghế với người khác. Bạn cũng có thể yêu cầu thủy thủ, nhân viên trên tàu can thiệp nếu ai đó giữ ghế trống quá 30 phút.
Một điều nữa bạn nên làm trên tàu du lịch, đó là thường xuyên vệ sinh tay. Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn là điều đặc biệt quan trọng trên tàu du lịch để phòng tránh bệnh truyền nhiễm cho chính mình và mọi người xung quanh.
Anh Minh (Theo Express)