Một tuần sau sự cố du khách Lê Thị Diệu Linh (15 tuổi) tách đoàn "ở lại thăm bà con" trong chuyến đi tour đến Anh, Công ty tổ chức tour là Travel Plus tiếp tục phải làm việc với cơ quan chức năng để tìm nguyên nhân, khắc phục hậu quả.
"Du khách mất tích là điều không công ty nào muốn. Trước tiên, sự việc sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của khách trong đoàn và lịch trình tour có thể bị thay đổi. Tuỳ từng trường hợp, từng Đại sứ quán sẽ có những quy định và cách xử lý khác nhau, cho dù nặng hay nhẹ thì cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ty tổ chức tour", đại diện một công ty du lịch tại TP HCM nói.
Thông thường, cảnh sát địa phương sẽ thẩm vấn khách trong đoàn có người mất tích. Thời gian thẩm vấn dài hoặc ngắn tuỳ mức độ nghiêm trọng của sự việc. Lịch trình của đoàn khách do đó có thể bị thay đổi.
Về phía tổ chức tour, công ty có thể bị cấm nộp hồ sơ xin visa tại các cơ quan chức năng, nếu visa của khách mất tích do đơn vị này bảo lãnh. Trong một số trường hợp, công ty bảo lãnh visa còn bị đưa vào danh sách đen và thông tin cho các Đại sứ quán cùng khối.
Để hạn chế những rủi ro trên, khi phát hiện du khách mất tích, hướng dẫn viên sẽ phải báo ngay cho cảnh sát, các nhà chức trách, Lãnh sự quán Việt Nam và báo về cho công ty để hỗ trợ tìm kiếm cũng như chăm sóc những khách còn lại.
Trách nhiệm của công ty du lịch là cam kết về chất lượng dịch vụ và đảm bảo 100% không có khách nào ở lại điểm tham quan. Trong quá trình tham gia tour, hướng dẫn viên cũng phải chú ý các du khách có biểu hiện, thái độ khác thường. Những lưu ý này không có hướng dẫn cụ thể mà phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp nhận hồ sơ và kinh nghiệm của người trực tiếp dẫn đoàn.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ hướng dẫn viên không thể kiểm soát được. Theo kinh nghiệm từ các hãng lữ hành lớn, doanh nghiệp phải kiểm tra kỹ hồ sơ, chú ý về độ tuổi, lý lịch nhân thân và công việc của du khách.
Hôm 8/8, ông Nguyễn Bá Thanh Tùng, hướng dẫn viên du lịch công ty Travel Plus, đã đến Đại sứ quán Việt Nam ở London, Anh trình báo về du khách Lê Thị Diệu Linh mất tích. Trong khi đó, bố mẹ Linh ở Việt Nam xác nhận cô "ở lại thăm bà con". Cảnh sát địa phương tìm thấy Linh vào đêm 12/8. Tám người đã bị bắt. Sự việc đang được các cơ quan chức năng điều tra.
Xem thêm: Quy định của Lãnh sự quán Anh về thủ tục xin visa
Theo Nghị định 45 của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, công ty có thể chịu phạt khi vi phạm những điều sau:
Phạt tiền từ 80 đến 90 triệu đồng với hành vi: Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật. (Điểm c, khoản 13, điều 7). Hình thức xử phạt bổ sung là: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 tháng đến 18 tháng (điểm b, khoản 15, điều 7).
Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng với hành vi: Không quản lý du khách theo chương trình đã thoả thuận với khách du lịch. (Điểm c, khoản 8, điều 7).
Phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng với hành vi: Không duy trì, bảo đảm thông tin liên lạc với khách du lịch trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm du lịch. (Điểm a, khoản 5, điều 15). Hình thức xử phạt bổ sung là: Đình chỉ hoạt động từ 3 đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm. (Điểm b, khoản 9, điều 15).
Dương Cao