Rùa mái nhà Myanmar là một trong những loài rùa nguy cấp nhất trên thế giới, theo Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS). Các chuyên gia bảo tồn của WCS, tổ chức Turtle Survival Alliance (TSA) và Bộ Lâm nghiệp Myanmar tái phát hiện loài rùa này trong tự nhiên vào đầu thập niên 2000. Những nghiên cứu về chúng ít ỏi tới mức mãi đến gần đây, một nghiên cứu trên tạp chí Zootaxa mới mô tả rùa non.
Theo nhóm nghiên cứu đến từ WCS, TSA, Global Wildlife Conservation và Đại học Georgetown, rùa mái nhà Myanmar là loài rùa ăn cỏ lớn sinh sống dưới nước, thường cư trú ở các hệ thống sông lớn của Myanmar. Sự sụt giảm về số lượng trong thời gian dài của chúng đến từ hoạt động thu thập trứng, săn bắt rùa trưởng thành, tình trạng mất môi trường làm tổ. Rùa mái nhà Myanmar trở thành ứng viên cho danh mục tuyệt chủng vào thập niên 1990. Tuy nhiên, một con rùa mái nhà Myanmar được mua lại ở chợ buôn bán động vật hoang dã Trung Quốc và thuộc quyền sở hữu của nhà sưu tập rùa người Mỹ đầu những năm 2000. Không lâu sau, giới nghiên cứu phát hiện hai quần thể ở sông Dokhtawady và thượng nguồn sông Chindwin ở Myanmar.
"Hiện nay, chúng tôi đang theo dõi các khu vực làm tổ của rùa cái ở bờ cát, sau đó thu thập trứng và ấp trong điều kiện tự nhiên ở cơ sở bảo vệ tại làng Limpha, vùng Sagaing, Myanmar", WCS cho biết. "Rùa non được thả trở về sông Chindwin".
Theo WCS, quần thể rùa mái nhà Myanmar nuôi nhốt đã đạt số lượng 1.000 con, có nghĩa chúng ít có nguy cơ tuyệt chủng sinh học. Các nỗ lực bảo tồn tập trung vào duy trì quần thể rùa hoang dã, bao gồm 5 - 6 con rùa cái trưởng thành và hai con đực. Đầu năm nay, nhóm chuyên gia bảo tồn của WCS và TSA tại Myanmar thông báo lần đầu tiên một con rùa mái nhà Myanmar cái chưa bao giờ đẻ trứng bất ngờ đẻ ổ trứng 19 quả, 14 quả trong số đó nở hồi tháng 5/2020.
Các nhà bảo tồn thu thập trứng do rùa cái hoang dã còn sót lại trong tự nhiên đẻ vào tháng 2 và tháng 3 hàng năm, sau đó ấp trứng ở ngôi làng hẻo lánh ven sông. Trứng nở trong khoảng tháng 5 - 6 và rùa non được nuôi nhốt trong 5 - 6 năm trước khi thả về sông.
An Khang (Theo CBS)