Các loài động vật có vỏ cứng, đặc biệt là rùa, thường bị mất thăng bằng và ngã theo tư thế ngửa bụng lên trời. Khi ở trạng thái này, chúng đối mặt với nhiều nguy hiểm. Khi một con rùa bị lật ngửa, nó không thể tự lật ngược lại bằng cách xoay phần cơ thể bên dưới vỏ. Giới khoa học trước đây mới nghiên cứu tác động của chiều cao và chiều dài mai rùa tới khả năng lật úp, mà chưa chú ý đến dạng hình học của mai.
Tiến sĩ Ana Golubovic, Đại học Belgrade, Serbia, cùng các cộng sự đã tìm hiểu ảnh hưởng của hình dáng mai rùa đến khả năng tự lật ngược lại. Họ nghiên cứu 118 con rùa (54 con đực, 64 cái) thuộc loài rùa Hermann, sống ở Địa Trung Hải. Trong thí nghiệm, họ lật ngửa từng con, bấm thời gian chúng lật úp lại và tìm mối liên hệ với cấu trúc hình học của mai rùa.
Sau khi loại trừ các yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng tới kết quả, nhóm chuyên gia kết luận những con rùa có mai tròn trịa hơn, nhiều đường gồ ghề hơn dễ lật ngược hơn. Họ đồng thời chỉ ra mối liên quan giữa kích thước mai rùa và khả năng tự lật ngược. Con rùa càng to thì càng khó tự lật ngược mình.
Trong thế giới động vật, cá thể lớn thường có lợi thế sinh tồn. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng với loài rùa Hermann. Rùa đực càng nhỏ thì càng linh hoạt, nhanh nhẹn, có khả năng giao phối với nhiều con cái hơn và cũng hiếu chiến hơn.
Tuy nhiên trong giao chiến, với món võ húc cho đối phương lật ngửa lên, thì những con rùa có kích thước lớn hơn thường giành phần thắng.
Thành Minh (theo BBC)