Trong video, một con rùa khổng lồ tiến gần tới chỗ chim non đậu trên khúc gỗ, từ từ và chậm rãi dồn con mồi vào đường cùng. Thước phim kết thúc với cảnh con chim bất động rơi xuống đất, nhưng nhà nghiên cứu ghi hình cảnh tượng cho biết con rùa đã nuốt chửng chim non không lâu sau đó. Đây là trường hợp đi săn có chủ đích đầu tiên được ghi nhận ở loài rùa, theo báo cáo công bố hôm 23/8 trên tạp chí Current Biology.
Màn săn mồi diễn ra trên đảo Frégate thuộc quần đảo Seychelles ở Ấn Độ Dương ngoài khơi Đông Phi. Người quay video là Anna Zora, phó quản lý bảo tồn và bền vững trên đảo. Trong khi khảo sát quần thể chim biển trong rừng, cô trông thấy một con rùa khổng lồ Seychelles cái (Aldabrachelys gigantea) có hành vi rất kỳ lạ.
Theo đồng tác giả báo cáo Justin Gerlach, giám đốc nghiên cứu sinh học ở Trường Peterhouse của Đại học Cambridge, Anh, rùa khổng lồ hay đi lang thang, ăn cây cỏ dọc đường và chỉ thực sự di chuyển có chủ đích khi bộc lộ hành vi dữ dằn. Ví dụ, rùa đực có thể lao thẳng vào nhau khi chiến đấu giành quyền giao phối. Con rùa Seychelles trong video của Zora hành động theo cách tương tự, khác hẳn lối di chuyển thông thường khi ăn thực vật.
Suốt vài phút, Zora quan sát con rùa tiếp cận chim nhạn chưa trưởng thành thuộc loài Anous tenuirostris đậu trên khúc gỗ gần đó. Con chim non nhiều khả năng rơi khỏi tổ trên cây. Rùa cái leo lên khúc gỗ và tiến về phía chim nhạn, há to bộ hàm và rụt lưỡi lại. Chim nhỏ tìm cách mổ con rùa đang tiến đến nhưng ngã về phía sau và hoảng sợ đập cánh.
Theo Gerlach, con chim đã phạm sai lầm. Nếu nhảy khỏi khúc gỗ, nó có thể dễ dàng thoát thân. Nhưng do chim nhạn làm tổ trên cây, chim non có thể coi mặt đất là nơi nguy hiểm, vì vậy nó vẫn cố đậu trên khúc gỗ bất chấp kẻ thù đến gần. Chim nhạn phải trả giá bằng mạng sống cho quyết định sai lầm đó. Sau khoảng 90 giây rượt đuổi dọc khúc gỗ, con rùa ngoạm mỏ quanh đầu chim nhạn, giết chết con mồi ngay lập tức. Từ lúc tiếp cận tới lúc chim non chết, tương tác kéo dài tổng cộng 7 phút.
Sau khi ghi hình tương tác, Zora gửi email cho Gerlach, người nghiên cứu rùa khổng lồ từ năm 1996. Gerlach và Zora nghi ngờ con rùa có kinh nghiệm săn chim nhạn trên khúc gỗ bởi nó có thể phát hiện và tiếp cận chim non từ xa, đồng thời biết chim non không thể bay đi như chim nhạn trưởng thành.
Dù chủ yếu ăn thực vật, thỉnh thoảng rùa cũng ăn thịt của động vật chết. Đó có thể là nguồn protein hữu ích. Dù chiếc mỏ có răng cưa của rùa không thích hợp để cắn hoặc nhai thịt, nếu nuốt chửng con mồi, chúng vẫn có thể tiêu hóa thức ăn. Giới nghiên cứu từng quan sát rùa nhai xương và vỏ ốc sên để tranh thủ nguồn canxi.
Về mặt hành vi săn mồi, có một số báo cáo đã xuất bản về rùa đè chim nhỏ hoặc cua dưới mép mai, nhưng các nhà nghiên cứu chưa rõ đây là chiến thuật săn mồi có chủ đích hay do chúng vụng về. Một vài nhân chứng từng mô tả rùa săn chim nhỏ nhưng hành động này chưa bao giờ được ghi hình trước đây. Gerlach đang lên kế hoạch nghiên cứu kỹ hơn để xác định có bao nhiêu con rùa Seychelles săn chim. Ông băn khoăn liệu hành vi này có trở nên ngày càng phổ biến trên đảo Frégate khi chim biển tái sinh sống ở hòn đảo hay không.
An Khang (Theo Live Science)