Tên con rùa, Alagba, nghĩa là "người già". Isan Okumoyede, người cai quản Ogbomoso từ năm 1770 - 1797, mang nó về cung điện. Người ta cho rằng con rùa khi đó đã 100 tuổi. Alagba cũng được cho là có sức mạnh chữa bệnh và thu hút nhiều khách du lịch. Khi sống trong cung điện, con rùa có ít nhất hai người chăm sóc riêng và chỉ ăn hai lần mỗi tháng.
Các nhà khoa học nghi ngờ về tuổi thực của Alagba. Tim Skelton, quản lý động vật bò sát tại Vườn thú Bristol, cho rằng Alagba không thể sống lâu như vậy. "100 tuổi là rất thọ rồi. Rùa cạn khổng lồ có thể sống đến 200 năm, nhưng đó là trường hợp ngoại lệ cực kỳ hiếm gặp", Skelton nói. Alagba không phải rùa cạn khổng lồ. Sau khi xem ảnh, Skelton kết luận con vật thuộc loài rùa cạn Geochelone sulcata.
John Wilkinson, chuyên gia về động vật bò sát và lưỡng cư, cũng đồng ý với Skelton về tuổi thọ của loài rùa này. "Chúng không sống lâu như vậy", ông nói.
Rùa cạn già nhất thế giới được cho là Jonathan, rùa cạn khổng lồ 187 tuổi sống trên đảo Saint Helena. "Những con rùa cạn khác sống đến 70-80 tuổi, tối đa khoảng 100", Skelton cho biết.
Skelton cho rằng có thể người ta từng thay thế Alagba bằng một hoặc vài con rùa trông tương tự. Trường hợp này giống năm 1962, khi con chó của chương trình TV dành cho trẻ em Blue Peter chết đột ngột. Họ thay thế nó bằng con chó khác giống hệt và không công bố để tránh làm khán giả đau buồn.
"Tôi không nghĩ có gì quá bí ẩn. Có nhiều rùa Alagba. Họ yêu quý nó đến mức đã lấy thêm một con khác", Wilkinson giải thích. Xác Alagba dự kiến được bảo quản để phục vụ du lịch và lịch sử.
Thu Thảo (Theo BBC)