Điều đó làm tôi áy náy mãi khi đứng trước những con người đã trao cho tôi tấm phiếu bầu. Tôi đã xin lỗi họ và cũng nhận được sự cảm thông vì nghề nghiệp đặc biệt của mình. Tuy nhiên, đây là kinh nghiệm vô cùng quý giá trong cuộc đời tôi: cho dù rất mong muốn đạt được điều gì cũng không được hứa những việc mà mình không thể thực hiện được. Một nửa của sự thật không phải là sự thật.
Trong hơn 20 năm hành nghề Y, tôi không thể nhớ hết những lần mình bị nhắc nhở cần phải rút kinh nghiệm cũng như những lần rút kinh nghiệm cho cộng sự, học trò. Những bài học kinh nghiệm trong ngành Y là hành trang quý giá để trở thành chuyên gia giỏi. Không phải vô cớ mà các giáo sư đầu ngành thường nhắc lại những kinh nghiệm xương máu của họ trong khi lên lớp hay giao ban.
Sự thật là kinh nghiệm của các vị tiền bối luôn có giá trị vô cùng to lớn cho hậu bối dò dẫm đi sau. Với các phương tiện hiện đại ngày nay, việc không chẩn đoán ra bệnh thường rất hãn hữu. Vấn đề đặt ra là cần tìm con đường nào đi đến được chẩn đoán ngắn nhất, ít tốn kém nhất và không phương hại sức khỏe của người bệnh. Sách vở có thể cho ta nhiều kiến thức nhưng kinh nghiệm - đặc biệt là kinh nghiệm lâm sàng - có ý nghĩa tối quan trọng.
Tôi vẫn ví von với học trò là việc chữa bệnh như mở khóa cửa. Người có kinh nghiệm thường ít khi phải mở lại cánh cửa khác lần thứ hai, thứ ba, còn người ít kinh nghiệm có khi dùng hết cả chùm chìa khóa vẫn chẳng tìm thấy đường. Một phần vì vậy nên dân gian có câu "thầy già, con hát trẻ". Những vị "thầy" ấy được tôn trọng vì không bao giờ mắc lại những sai lầm trước đây. Ngược lại, tôi đã từng khuyên không ít học trò không nên theo đuổi nghiệp "cầm dao kéo" vì có một sai lầm mà lần nào cũng mắc phải, không thể rút ra được kinh nghiệm.
Đấy là chuyện ngành Y chúng tôi, nhìn rộng ra xã hội trong những năm vừa qua, không hiểu sao từ "rút kinh nghiệm" được sử dụng nhiều như thế. Rút kinh nghiệm trong dự án đầu tư không hiệu quả, xây dựng cơ bản, chất lượng công trình, quy hoạch giao thông hay đề bạt bổ nhiệm... Đâu đâu cũng có cán bộ nhận sai, xin lỗi và xin rút kinh nghiệm, có người thành khẩn xin "rút kinh nghiệm sâu sắc". Tuần trước, tôi còn được chứng kiến lời xin lỗi của một lãnh đạo với nhân viên dưới quyền. Nó được nói ra rất khó khăn, đẫm trong nước mắt.
Nghe qua thấy cũng hay, cũng tốt. Chí ít là tốt hơn thập kỷ 90 khi chẳng mấy ai nhận mình sai, nhất là các vị lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, cũng chắc vì được nghe nhiều quá, thấy sợi dây kinh nghiệm dài quá, các vị cứ rút mãi mà không hết nên người dân bây giờ đã giảm sự "hả hê" trước những lời xin lỗi "sụt sùi" trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Khi nghe một vị lãnh đạo hay một tổ chức chính quyền đứng ra nhận lỗi, xin rút kinh nghiệm, phản xạ tự nhiên của ta là hồ nghi, liệu có phải lời xin lỗi chân thành? Vì chỉ có thực tâm nhận khuyết điểm, cơ hội rút kinh nghiệm mới trở thành hiện thực và sai lầm ấy không tái phạm.
Sao không hồ nghi được khi vừa mới xin lỗi xong chuyện ấy lại tái diễn sờ sờ trước mắt công chúng. Nếu chúng ta tra cứu trên mạng, rất dễ dàng thống kê được vị quan chức nào, ngành nào, tỉnh, thành nào hay xin lỗi nhất. Và cũng theo thời gian, ta đều thấy họ đã "rút kinh nghiệm" như thế nào.
Theo tôi, cần có một bộ phận giám sát những lời xin lỗi, công khai kết quả để người dân được biết. Nếu những sai lầm tái diễn hoặc lại phải đưa ra lời xin lỗi khác thì lãnh đạo ấy buộc phải rời khỏi vị trí không phù hợp với mình.
Xã hội Việt Nam có một truyền thống nhân văn, khi có người đã nhận ra khuyết điểm thì trong đại đa số trường hợp, họ sẽ được tha thứ, rút kinh nghiệm và bỏ qua. Tuy nhiên, có lẽ vì quá nhiều những lời xin lỗi không thật tâm, đưa ra trong nước đường cùng hay như một chiêu bài làm tạm yên dư luận, nên những lời hứa rút kinh nghiệm bị người dân tiếp nhận một cách hồ nghi lạnh nhạt.
Chúng ta chưa dám mong một vị lãnh đạo nào xin lỗi để rồi từ chức vì lòng tự trọng như ở nước Nhật, nước Hàn, chỉ dám mơ tất cả lời cam kết rút kinh nghiệm của các vị ấy đều trở thành hiện thực. Có như vậy xã hội mới phát triển, không "tít mù rồi lại vòng quanh".
Hành động là thước đo quan trọng nhất của mọi "sợi dây kinh nghiệm". Riêng đối với tôi, cậu học trò nào đọc xong bài này mà vẫn chẳng chịu rút kinh nghiệm về sai lầm mà mình vừa mắc phải thì tốt nhất đừng cố theo ngành tim mạch can thiệp của tôi.
Nguyễn Lân Hiếu