Bắt đầu năm mới 2005, chúng tôi vẫn chơi tốt, đánh bại Liverpool và Villa, hòa Spurs. Chúng tôi vẫn xếp thứ ba trước chuyến làm khách của Arsenal.
Đó không phải là một vấn đề lớn với tôi vào thời điểm đó. Chỉ là một cuộc khẩu chiến nhỏ. Những tình huống, sự kình địch, khiến trận đấu trở nên ý nghĩa. Và những chiếc camera trong đường hầm, nó phổ biến hiện nay, nhưng khi đó thì còn khá mới mẻ. Sau này, tôi được cho biết rằng các cổ động viên bên ngoài sẽ thấy những gì diễn ra bên trong đường hầm trên một màn hình lớn. Tôi không biết đó là gì. Nhưng đó là tất cả các phần của việc chuẩn bị và cả câu chuyện.
Nhưng thực sự, điều điên khùng nhất trong đường hầm là tôi chẳng có gì để làm trong đó.
Gary Neville đã đến gặp tôi sau màn khởi động. Đó là một trận đấu vào ban đêm. Chúng tôi vừa quay lại phòng thay đồ. Gary nói với tôi là vài cầu thủ Arsenal vừa nói chuyện với cậu ấy rằng họ không đến đây để làm những chuyện vô nghĩa, họ đợi để chơi cậu ấy. Họ nói những gì đã xảy ra tại trận lượt đi ở Old Trafford vào đầu mùa giải chưa trôi qua. Đã có nhiều pha bóng nảy lửa, nhiều tranh cãi ở trận đấu đó và kéo dài đến tận sau. Trận đó Phil đá thay tôi, cậu ấy chạy liên tục như một phi công cảm tử và lao vào bất kỳ ai. Tôi nghĩ Gary chịu hậu quả từ những gì Phil đã làm với các cầu thủ Arsenal.
Nhưng tôi không chú ý lắm đến những gì Gary nói.
“Sao cũng được, Gary”.
Tôi đứng vào vị trí của mình, tập trung vào nhiệm vụ của tôi, chuẩn bị tiến ra sân. Tôi không phải là một người thích la hét hay gầm lên trong phòng thay đồ. Tôi ghì mình lại một cách bình tĩnh. Điều cuối cùng tôi muốn là giọng của Gary trong lỗ tai: “Chúng đã hét vào mặt tôi trong đường hầm”.
Thái độ của tôi lúc đó là: “Khốn kiếp, tự xử đi, mày đâu còn 11 tuổi”.
Nhưng cậu ấy đã khiến tôi bận tâm đến nó, cảnh báo tôi.
Tôi luôn là một trong những người đầu tiên bước ra khỏi đường hầm. Là đội trưởng, tôi dẫn cả đội đi ra. Đường hầm của sân Highbury là một cái khá lạ, giống như một con hẻm nhỏ, rất chật. Rất khó để tránh giáp mặt với người khác kể cả khi bạn cố làm điều đó. Luôn có một sự căng thẳng phía trong đó, và những trận vào ban đêm còn căng thẳng hơn.
Tôi quên mất băng đội trưởng, tôi quay lại phòng thay đồ để tìm nó. “Từ đã các cậu, tôi sẽ trở lại sau vài phút. Quên mất chiếc băng rồi”.
Và tôi quay lại, đi qua các đồng đội. Albert - người quản lý trang thiết bị - cầm chiếc băng và đeo cho tôi: “Chơi tốt nhé Roy”.
Tôi đi về phía trước và nghe được một vài thứ đang diễn ra. Một vài ngón tay chỉ vào Gary.
Tôi đã bỏ lỡ vụ gì đó.
Năm giây sau, tôi cực kỳ bình tĩnh, đứng vào chỗ của mình, sẵn sàng cho trận đấu. Nhưng bởi vì Gary đã nói với tôi, tôi chợt nghĩ: “Bọn chó, chúng đang định chơi cậu ấy”.
Tôi nghĩ chúng sẽ tấn công cậu ấy ngoài sân. Nhưng trong đường hầm? Tôi chỉ nghĩ: “Bọn chó”. Chúng đang cố bắt nạt cậu ấy. Chúng là một đội bóng lớn và trong đường hầm, chúng thậm chí lớn hơn.
Vì thế tôi tự nhủ: “Được rồi, lên thôi”.
Tôi ổn. Bỏ lỡ sự việc vừa xảy ra nhưng tôi sẽ không đứng ngoài cuộc vụ này. Tôi không quên trận đấu trước mắt.
Tôi nói: “Bọn tao chờ chúng mày ngoài đấy”.
Tôi chỉ cảm thấy chúng đã bắt nạt Gary. Tôi không nghĩ đó là khiêu khích, đó là bắt nạt. Hai điều đó khác biệt với nhau. Nếu Patrick Vieira đến trước tôi và nói: “Tao sẽ chơi mày”, đó là khiêu khích. Đó là một trận chiến công bằng giữa hai cá nhân. Nhưng Gary đã im lặng, tôi nghĩ chúng đã nhắm vào một trong những cầu thủ yếu nhất đội tôi. Từ “yếu” không có nghĩa thông thường. Gary là một tuyển thủ quốc gia, cậu ấy đã khoác áo đội tuyển khoảng 60-70 lần. Anh ấy đã đá ở World Cup. Cậu ấy từng vô địch Champions League và giành danh hiệu vô địch quốc nội. Nhưng tính cách của cậu ấy thì lại không cho thấy điều đó. Nếu chúng định chơi Nicky Butt hay Wes Brown, tôi sẽ chẳng nói gì. Tôi sẽ chỉ đi ngang qua và huýt sáo. Trong bóng đá, khiêu khích là chuyện bình thường nhưng bắt nạt thì không. Tôi chưa bao giờ bắt nạt một anh hậu vệ biên, người không hề làm gì với tôi. Tôi chú ý đến những người chơi ở vị trí của tôi hoặc những người rất quan trọng về mặt thể lực với đội bóng. Tôi nghĩ: “Chúng mày có thể trả nợ với tao”. Tôi không bao giờ nhắm đến một anh chàng chạy cánh hay một gã hậu vệ biên nhỏ con.
“Tao sẽ đợi chúng mày ngoài đó”.
Tôi nói toạc ra. Tôi thích những trận đấu bóng đá. Chúng ta sẽ giải quyết trên sân, không phải nói bóng gió làm gì.
Tôi đọc một vài thứ về lịch trình của trận đấu, nó có nói về hoạt động từ thiện của Patrick để hỗ trợ Senegal, nơi gã sinh ra. Gã bày tỏ gã yêu Senegal thế nào.
Tôi bảo: “Nếu mày yêu Senegal như thế, sao mày không về chơi cho cái đội tuyển khốn kiếp ấy?”.
Tôi nghĩ hắn đã trả lời một số câu thông minh về đội tuyển Ireland tại World Cup. Tên khôn lỏi, thằng điếm.
Vị trọng tài - Graham Poll - tỏ ra tử tế: “Bỏ qua đi, bỏ qua đi”.
“Tôi đang làm thế đây. Cho bọn tôi ra sân đi nào”.
Điều quan trọng là những chuyện này không làm ảnh hưởng đến màn trình diễn của tôi trên sân và tôi không nghĩ nó ảnh hưởng đến trận đấu. Có lẽ nó ảnh hưởng đến bọn họ nhiều hơn. Chúng tôi ra sân và chơi như Brazil, thắng 4-2. Nhưng tai nạn trong đường hầm thì trở thành một màn kịch hay trên truyền hình. Nó mang tính giải trí. Mặc dù không nhận ra có camera, tôi nghĩ mình đã làm đúng. “Thắng trận đấu - biến ra, biến vào”. Nhưng nó cứ như thể là chúng tôi chuẩn bị cho một trận quyền anh, đi đo cân nặng, họp báo, lúc mà người ta quên rằng sẽ có một trận chiến phía trước.
Nhưng tôi cảm thấy mình đã bảo vệ đồng đội của mình. Tôi biết cái gì đúng, cái gì sai và cách hành xử của lũ cầu thủ Arsenal đêm ấy là sai. Nếu là một trận chiến ngoài đời thực, Patrick có thể giết tôi. Nhưng điều đó là không thể chấp nhận.
Tôi nghĩ bóng đá ngày nay đang dần mất đi sức sống. Sự căng thẳng đó, nó rất tuyệt. Nhưng vài năm sau, mọi người đi vào đường hầm và quên luôn là trận đấu sắp sửa diễn ra.
Sau trận đó, chúng tôi vươn lên thứ hai, sau Chelsea.
Ở trận tiếp theo gặp Birmingham, tôi ghi bàn. Đó là bàn thắng thứ 50 của tôi ở Ngoại hạng Anh. Ghi một bàn thắng bao giờ cũng rất tuyệt. Niềm hân hoan. Thật tuyệt khi nhớ về mành lưới mà mình đã sút vào đó. Chúng tôi đánh bại City và Portsmouth. Chúng tôi vẫn xếp thứ nhì.
Chúng tôi phải đá vòng loại Champions League, vì chỉ xếp thứ ba mùa trước. Đội đã vượt qua Dynamo Bucharest lúc tôi bị gãy xương sườn. Chúng tôi vào chung bảng với Sparta Prague, Fenerbahce và Lyon. Tôi không đá cả hai trận gặp Fenerbahce và nó khiến tôi bắt đầu suy nghĩ về việc mình sẽ không được đá tất cả các trận nữa. Tôi là một phần trong phương án xoay tua đội hình và phải mất một chút thời gian để làm quen với việc đó. Tôi không có vấn đề gì nếu bỏ lỡ vài trận nhất định, nhưng không phải là những trận quan trọng. Chúng tôi kết thúc ở vị trí thứ hai trong bảng, dưới Lyon, mặc dù đã hòa họ ở sân khách và thắng họ trên sân nhà. Nhưng Fenerbahce đánh bại chúng tôi 3-0 ở vòng cuối, vì thế, chúng tôi thua Lyon hai điểm và phải gặp Milan ở vòng tiếp theo.
Họ đánh bại chúng tôi cả hai lần đều với tỉ số 1-0. Ở trận đấu trên sân nhà, Roy Carroll không thể bắt dính bóng. Đó là một sai lầm rất tệ hại nhưng Hernan Crespo cũng nắm lấy nó rất nhanh. Giống như các tiền đạo giỏi, hắn đã đánh hơi thấy cơ hội. Hắn ghi bàn một lần nữa ở trận lượt về, Milan khi đó là một đội rất mạnh. Chẳng có gì xấu hổ khi bị loại bởi một đội bóng có Nesta, Maldini, Pirlo và Kaka trong đội hình.
Chúng tôi có lẽ đã không ở đó, một cú trượt chân - một chút thôi. Điều đáng thương phải được nhấn mạnh đó là Fenerbahce đã loại chúng tôi chứ không phải Milan.
Bill Beswick (một nhà tâm lý học thể thao người Anh) đã đưa ra quan điểm: “Thể thao là những nỗi thất vọng”. Chúng ta phải đối mặt với những nỗi thất vọng. Không phải với cường độ cao. Chỉ một số ít. Đó là những trận thua, những chấn thương. Sự nghiệp vĩ đại ẩn chứa một tràng dài những điều thất vọng. Vấn đề là làm sao bạn đối phó với nó. Bạn phải nhìn về phía trước, nghĩ về những điều tích cực. Lấy những điều tích cực ra khỏi những thứ tiêu cực. Nhìn về trận đấu kế tiếp.
Nhưng đó là điều khó khăn. Đó là một trong những điểm yếu lớn nhất của tôi. Đối phó với những nỗi thất vọng và chứng tự kỷ kèm theo. Tôi không biết cách vượt qua nó nhanh chóng. Tôi không thể. Tôi không chắc là một nhà tâm lý học thể thao hàng đầu, nếu làm việc với tôi 24/24h thì có thể thay đổi chuyện đó hay không.
Nhưng tôi khá cởi mở với vấn đề tâm lý học thể thao. Bill làm việc ở Sunderland khi tôi là huấn luyện viên. Đó không phải là điều bắt buộc. Nhưng với tôi, nó rất quan trọng. Cho dù là yoga hay chế độ ăn kiêng, nó không thể như ở trường học. Thông điệp ở United đó là Bill luôn ở đó khi chúng tôi cần ông ấy.
Tôi sẽ nói với Bill về những lần bị đuổi, cơn nóng giận và ông ấy nói: “Mục tiêu đầu tiên của anh là có mặt trên sân trọn vẹn 90 phút”. Tôi đánh giá cao điều đó, đó là tư tưởng chung. Đó là một trong những lời khuyên tốt nhất dành cho tôi. Tôi đã nhận được rất nhiều lời khuyên nhưng chúng không ăn thua. “Chỉ một giây thôi, tao đang nổi điên, một, hai”. Vì thế, lời khuyên của Bill rất quý báu, rất thiết thực. Cho tới cuối sự nghiệp của mình, tôi vẫn được ông ấy hướng đến những suy nghĩ tích cực. Tôi xem trận chung kết Champions League 2005 ở Dubai vào khoảng hai giờ sáng. Trận đấu giữa Liverpool và Milan, một trận đấu điên rồ. Tôi chưa bao giờ thù ghét Liverpool, mặc dù vậy không hẳn là tôi đã nhảy lên nhảy xuống ở ban công khi họ chiến thắng. Tôi chỉ nghĩ: “Milan, bọn mày là những thằng ngu” khi họ tự ném công sức của mình xuống sông.
Chúng tôi đã có một phong độ ngu ngốc ở giải quốc nội, thắng hai, thua hai và hòa hai. Nếu bạn biết bạn sẽ không thể giành ngôi vô địch, bạn sẽ mất đi ít nhiều sự quyết tâm. Tính từ trận đầu tiên của mùa giải, khi chúng tôi thua Chelsea, họ ngày càng mạnh lên trong khi chúng tôi chỉ toàn đứng sau lưng chúng. Kết thúc mùa giải, bọn tôi xếp thứ ba, sau cả Arsenal. Chelsea lập kỷ lục về số điểm ghi được trong một mùa giải và đến Old Trafford với tư cách của một tân vương. Chúng tôi phải vỗ tay khen ngợi bọn họ trên sân. Tôi ghét điều đó. Tôi ghét mấy nghi thức vớ vẩn, kể cả khi những người khác vỗ tay khen chúng tôi. Tiếng vỗ tay đó không thành thật, bạn có muốn làm nó đâu. Tôi nguyền rủa chúng trong từng hơi thở và các đồng đội của tôi chắc cũng thế. “Lũ con hoang, bọn chó”. Tôi chắc sẽ chẳng thèm nghĩ về những gã Chelsea khi chúng phải vỗ tay khen ngợi bọn tôi nếu tình huống bị đảo ngược lại.
Chúng tôi đánh bại Southampton 2-1 ở St Mary’s trong trận đấu cuối của mùa giải. Họ bị xuống hạng sau kết quả đó và West Brom được ở lại. Đội trưởng cũ của tôi - Bryan Robson, khi ấy đang dẫn dắt West Brom. Tôi không đá trận đó, tôi ngồi trên ghế dự bị. Tôi gặp một số rắc rối sau trận đấu. Khi trận đấu chấm dứt, những cầu thủ ngồi trên ghế dự bị phải chạy một chút và làm giãn cơ, trong khi những người vừa đá thì đi vào phòng thay đồ. Chúng tôi đang xoạc chân và làm giãn cơ trên sân. Đã có một chút căng thẳng, một số cổ động viên Southampton đi vòng quanh và hét lên: “Thằng khốn Ireland”- hoặc thứ gì đại loại thế.
Tôi quay lại và bảo: “Ờ, mày ngon thì xuống đây”.
Chỉ có vài người ở đó, nhưng họ bắt đầu làm mọi thứ rối tung lên. Có vẻ như họ dành cả đêm để bôi nhọ tôi nhưng tôi không được phép chửi lại. Một vài gã bảo vệ đến yêu cầu chúng tôi rời sân. Họ mở đường cho chúng tôi rời sân. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không thể hoàn thành bài tập chạy, một vài cầu thủ hí hửng với việc đó. Nhưng tôi không hề nghĩ về việc Southampton phải xuống hạng. Mặc dù, tôi từng nếm trải điều đó khi còn đá cho Forest. Đó lại là chuyện con chó này ăn con chó kia.
Nhà Glazers mua United trong khoảng thời gian đó. Đã có rất nhiều sự căm ghét của các cổ động viên nhắm vào họ. Nhưng ở góc độ cầu thủ, tôi không nghĩ việc đó gây phiền gì quá nhiều cho chúng tôi. Tôi có một ít cổ phiếu của CLB như là một phần trong hợp đồng. Thế nên khi nhà Glazers đến, tôi được lợi thêm ít xu lẻ.
Chúng tôi gặp Arsenal ở chung kết Cup FA. Chúng tôi khiến họ toát mồ hôi hôm đó. Ronaldo và Rooney đã chơi xuất sắc. Chúng tôi lẽ ra đã thắng. Nhưng Arsenal đã chơi rất chắc, đó là một khả năng tuyệt vời. Tôi ngưỡng mộ bọn họ ở điểm đó. Chúng tôi có quá nhiều cơ hội. Tôi có một cú sút bị chặn bởi Patrick Vieira vào cuối hiệp hai. Tỉ số là 0-0 sau hai hiệp phụ. Tôi thực hiện thành công quả phạt đền nhưng Paul Scholes thì không. Vieira đá quả phạt đến cuối cùng cho Arsenal . Hắn thành công nhưng đó là trận cuối Patrick chơi cho Arsenal. Mùa hè năm ấy, hắn đến Juventus.
Tôi đã bị đau ở một số vùng kín vào những phút đầu trận. Tôi cố chơi tiếp. Hai tuần sau, sau khi đá cho Ireland ở trận gặp đảo Faroe, tôi đã phải scan vết thương. Đó là một chấn thương háng. Tôi chưa bao giờ gặp chấn thương kiểu này trước đó. Tôi đã bị ngã trong một pha vài bóng và đầu gối của Patrick đã đập vào ngay đó, tôi đã bị cắt.
Quá đủ tệ cho một trận thua ở chung kết và tôi bị đau. Đêm hôm đó, tôi thậm chí không ngồi được. Tôi phải đi ngủ lúc 22h. Ngoài ra, tôi đã khá điềm tĩnh sau trận đấu. Tôi nghĩ: “Chúng ta đã chơi tốt, chúng ta rất tuyệt”. Đó là Arsenal, chúng tôi hành hạ bọn họ nhưng cuối cùng lại bị họ khuất phục trên chấm phạt đền.
Tôi thấu hiểu thể thao. Bạn có thể chơi tốt mà vẫn thua. Bạn phải nhìn vào người đàn ông trong tấm gương nhưng không hề có sự xấu hổ nào nếu thua trận, bạn đã làm hết sức. Garth Crooks đã chộp lấy tôi-một người đội trưởng bại trận để phỏng vấn cho BBC. Tôi nói: “Không phải hôm nay”. Nhưng tôi đáng nhẽ nên nhận lời. Ronaldo và Rooney là hai cầu thủ tuyệt nhất trên sân. Tôi lẽ ra nên nói: “Nhìn những cậu bé kia đi. Tôi thà thua còn hơn đứng ở vị thế của Arsenal”. Dù Arsenal vừa vô địch một lần nữa, bọn họ đã bị hành hạ ngày hôm đó. Chín năm sau, bọn họ mới sờ tới chiếc Cup đó trở lại. Nhưng tôi không ghen tị. Trong thâm tâm, tôi vẫn ngưỡng mộ Arsenal và Wenger.
Tôi nghĩ Ferguson nên dũng cảm hơn. Ông ấy nên để Tim Howard vào thay Roy Carroll. Chúng tôi chỉ sử dụng hai quyền thay đổi người. Nếu ông ấy làm một chút gì đó điên khùng, thay thủ môn chẳng hạn, chúng đã có thể nghĩ: “Mẹ kiếp, thằng này chắc bắt phạt đền giỏi lắm đây”. Tôi không nói rằng Tim giỏi hơn Roy. Và tôi không nghĩ là từng tồn tại một sự thay đổi như thế. Mặc dù tôi từng nghe nói nhiều HLV đã định thực hiện điều đó trong một tình thế hợp lý. Martin O’Neill bảo với tôi ông từng suýt làm thế trong trận play-off khi còn dẫn dắt Leicester, nhưng họ đã ghi được bàn trong những phút cuối của hiệp phụ, nên ông ấy không phải thực hiện điều đó nữa. Và sau đó, tất nhiên, Van Gaal đã làm điều này khi đưa Tim Krul vào bắt phạt đền trong trận đấu với Costa Rica ở tứ kết World Cup 2014. Nhưng tôi nghĩ quyết định này chỉ lóe lên trong đầu các huấn luyện viên. Tôi nhớ khi thấy Tim Krul khởi động, tôi đã nghĩ đó sẽ là một canh bạc. Đó là một sáng kiến muộn màng.
Chúng tôi có những tín hiệu tốt. Tôi đáng lẽ nên nói điều đó trước công chúng. Nhưng rất khó cho một cầu thủ khi phải có tầm nhìn xa về mọi thứ. Bạn vừa ra sân thi đấu trong 120 phút và thua. Nhưng nếu bạn nhìn vào cả hai đội bóng hôm đó, và tự hỏi xem đội nào sẽ có những bước tiến trong tương lai và giành lấy những chiếc Cúp, đó là United.
Di Khánh