TP-Link bắt đầu bán Archer BE230 với giá 2,6 triệu đồng. Sản phẩm nằm ở phân khúc tầm trung, có thiết kế đơn giản và quen thuộc với vỏ nhựa cứng màu đen, các lỗ tản nhiệt ở cả mặt trên và dưới.
Sản phẩm có 4 ăng-ten, khớp quay linh hoạt sử dụng công nghệ Beamforming có khả năng phủ sóng rộng và ổn định cùng khả năng xuyên tường tốt.
Ưu điểm của mẫu router Wi-Fi 7 đầu tiên này là băng thông lớn, tốc độ truyền tải cao. Sản phẩm hỗ trợ chuẩn băng tần kép BE 3600 tốc độ tối đa 3,6 Gbps, cho phép xem video 4K/8K hay chơi game online mượt mà.
Archer BE230 cũng tích hợp công nghệ Multi-Link Operation để quản lý nhiều thiết bị kết nối mạng, cùng công nghệ Maximum Resource Utilization tối ưu hóa việc phân bổ băng thông giúp tăng hiệu quả, tốc độ và độ ổn định của mạng.
Điểm trừ của sản phẩm là không có băng tần 6 GHz, chỉ hỗ trợ hai băng tần 2.4 và 5 GHz.
Archer BE230 trang bị một cổng WAN 2,5 Gbps, một cổng LAN 2,5 Gbps và 3 cổng LAN 1 Gbps, một cổng USB. Ngoài ra, sản phẩm hỗ trợ chuẩn EasyMesh cho phép kết hợp các router của nhà sản xuất khác để tạo thành mạng Wi-Fi Mesh, đảm bảo kết nối liền mạch và ổn định trong không gian lớn.
Về bảo mật, thiết bị tích hợp công nghệ bảo vệ mạng TP-Link HomeShield. Công ty cho biết độ trễ phản hồi mạng của router này thấp hơn 3,3 lần, trong khi khả năng đọc ghi của cổng USB nhanh hơn bốn lần thế hệ trước. Sản phẩm cũng hỗ trợ đầy đủ giao thức VPN như OpenVPN, PPTP và L2TP để hoạt động liền mạch với hầu hết nhà cung cấp VPN lớn hiện nay. Người dùng có thể cài ứng dụng Tether để thiết lập và quản lý route.
Wi-Fi 7 được phát triển dựa trên tiêu chuẩn IEEE 802.11be. Trong đó, "be" là để phân biệt với thế hệ Wi-Fi trước, như Wi-Fi 5 là 802.11ac, Wi-Fi 6 là 802.11ax. Tên gọi cũng cho thấy Wi-Fi 7 là bản nâng cấp của Wi-Fi 6, không phải công nghệ hoàn toàn mới. Theo chuẩn này, tốc độ tối đa của Wi-Fi 7 đạt 30 Gb/giây, cao gấp ba lần mức 9,6 Gb/giây của Wi-Fi 6 và gần 10 lần mức 3,5 Gb/giây của Wi-Fi 5. Đây cũng là cơ sở để nhiều chuyên gia kỳ vọng Wi-Fi mới có thể thay mạng dây Ethernet.