Đồng tiền của Nga giảm 9% trong phiên hôm qua xuống 54 rouble đổi một USD, trước khi hồi phục nhờ động thái can thiệp được cho là của Ngân hàng trung ương nước này. Kinh tế Nga dựa rất lớn vào xuất khẩu dầu mỏ, khiến tỷ giá cũng bị ảnh hưởng theo biến động của giá dầu.
Dầu Brent đã chạm 67,53 USD mỗi thùng hôm qua, thấp nhất từ tháng 10/2009, trước khi hồi phục lên trên 70 USD về cuối phiên. Trong khi đó, dầu WTI xuống đáy 4 năm tại 63,72 USD mỗi thùng, rồi mới tăng lên 66,3 USD.
Nga hiện là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhì thế giới. Doanh thu từ hai mặt hàng này đóng góp 70% xuất khẩu và một nửa ngân sách Chính phủ. Giá dầu đã giảm hơn một phần ba từ đầu hè. Còn rouble cũng đã mất gần 40% so với USD từ tháng 1.
Kinh tế Nga cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhằm trả đũa Nga sau vụ sáp nhập Crimea và các hành động được cho là hỗ trợ quân ly khai tại miền Đông Ukraine.
Cuối phiên hôm qua tại Moscow, rouble Nga phục hồi lên 52 rouble đổi một USD và 64 rouble đổi một euro, nhưng chốt lại vẫn giảm 4%.
Các nhà đầu tư cho rằng đà tăng buổi chiều là do can thiệp từ Ngân hàng trung ương Nga. Tuy nhiên, cơ quan này từ chối bình luận, BBC cho biết.
Ngân hàng trung ương Nga vẫn chưa can thiệp vào thị trường ngoại hối từ đầu tháng 11. Họ cho biết chỉ có động thái nếu sự suy giảm của đồng rouble đe dọa đến ổn định tài chính. Phó thống đốc Ksenia Yudayeva đã trấn an nhà đầu tư bằng tuyên bố có đủ thanh khoản trên thị trường tiền tệ và ho đã chuẩn bị các dự báo kinh tế mới dựa trên kịch bản giá dầu 60 USD một thùng.
"Yếu tố hỗ trợ cho đồng rouble hiện tại chỉ có thể là sự bình ổn của giá dầu. Những cái khác chỉ là thứ yếu hoặc có rất ít ảnh hưởng", Igor Zelentsov tại Globex Bank nhận xét.
Hà Thu