Rotten Tomatoes là trang web tập hợp bài đánh giá phim từ các báo. Trang này ngày càng tác động lớn đến việc phát hành phim vì nhiều khán giả quen tìm đến để xem nhận xét của giới phê bình trước ngày tác phẩm công chiếu.
Gần đây, nhiều người ở Hollywood lên tiếng phản đối Rotten Tomatoes. Khi The Mummy bị chê bai, đạo diễn Alex Kurtzman nói trên Business Insider: "Tôi không làm phim cho các nhà phê bình". Ở Liên hoan phim Sun Valley (Mỹ) hồi tháng 3, Brett Ratner nói Rotten Tomatoes là thứ tệ hại nhất trong văn hóa phim ảnh đương đại. Ratner là nhà sản xuất của Batman v Superman, phim bị giới chuyên môn chê bai và đạt doanh thu thấp hơn dự kiến.
Năm ngoái, phản hồi tiêu cực với bom tấn được trông chờ của hãng Warner Bros. thậm chí khiến một bộ phận người hâm mộ công kích mạnh mẽ giới phê bình. Các trang BuzzFeed và Daily Dot tổng hợp nhiều Twitter của người hâm mộ lên án các cây bút chê phim, bao gồm cả những lời cáo buộc rằng họ được trả tiền để đưa ra ý kiến thiên lệch.
Trên Deadline, một số thành viên trong các dự án Pirates of the Caribbean 5 và Baywatch cho biết điểm số thấp trên Rotten Tomatoes ảnh hưởng đến doanh thu của phim.
* Phản ứng hài hước của Ben Affleck khi Batman v Superman bị chê
Trên Hollywood Reporter, nhóm National Research Group mới đây dẫn kết quả cho thấy Rotten Tomatoes tác động quyết định đến rạp của khán giả. Nghiên cứu chỉ ra có 70% người xem giảm ý muốn đến rạp nếu phim chỉ có 0-25% đánh giá tích cực. Jon Penn - CEO của tổ chức này nói: "Trang web đã trở thành công cụ bảo chứng để xem một tác phẩm có xứng với kỳ vọng không". Cũng theo nghiên cứu này, có 36% khán giả xem điểm Rotten Tomatoes trước khi xem phim.
Theo công ty nghiên cứu Fizziology, Rotten Tomatoes ảnh hưởng đến khán giả từ 25 tuổi trở xuống. Nếu các phim được trông đợi có nhiều đánh giá chê bai, các bình luận về nó sẽ vắng bóng trên Twitter. "Người xem coi đó là bài kiểm tra cho phim: đậu hoặc trượt. Hollywood hay nói phim của họ không bị giới phê bình tác động. Nhưng có lẽ giờ đây Rotten Tomatoes đã làm được điều đó".
Diễn biến phòng vé hè năm nay ủng hộ kết luận này. Các phim bị đánh giá thấp như King Arthur: Legend of the Sword (28%), Baywatch (19%) hay Transformers: The Last Knight (15%) đều đạt doanh thu thấp hơn kỳ vọng. Ngược lại, Wonder Woman, Spider-Man: Homecoming và Dunkirk - ba phim được hơn 90% bình luận tích cực - lại ăn khách.
Để đối phó, một số hãng phim hạn chế các buổi chiếu cho nhà phê bình, hoặc quy định họ về thời gian đăng bài. Các cây bút phải xem buổi chiếu ra mắt trễ hơn, hoặc không được xem trước khán giả thông thường. Ngoài ra, nếu tham gia các buổi chiếu ra mắt, họ có thể bị ràng buộc bởi điều khoản về ngày được phép đăng bài. Nhờ vậy tác phẩm có thêm thời gian để "hốt bạc" ở phòng vé trước khi các đánh giá tiêu cực bắt đầu xuất hiện.
Chiến lược này ngày càng trở nên phổ biến. Thông thường, với các phim công chiếu vào thứ sáu, trang Rotten Tomatoes sẽ bắt đầu đăng các bài bình luận vào đầu tuần. Nhưng với vài phim gần đây, đến sát ngày mở màn mới có bài được đăng. Trên Vanity Fair, đại diện của hãng Fox nói: "Dù không hay ho gì khi từ chối các nhà phê bình, ít nhất việc đó cứu được doanh thu vào thứ sáu".
Hai ví dụ gần nhất là The Emoji Movie và The Dark Tower - đều của hãng Sony. The Dark Tower ra mắt ngày 4/8 ở Mỹ, nhưng đến ngày 3/8 mới có các bài bình luận đầu tiên. Tương tự, các bài đánh giá phim hoạt hình The Emoji Movie chỉ được công bố vào trưa 27/7, một ngày trước khi phim ra rạp. Phim hoạt hình này hiện chỉ được 6% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes.
* "The Emoji Movie" bị giới phê bình chê nhưng vẫn ăn khách
Josh Greenstein - chủ tịch phát hành và marketing của hãng Sony chia sẻ: "The Emoji Movie hướng đến đối tượng dưới 18 tuổi, những người chấm phim điểm A - trên CinemaScore. Vì thế, chúng tôi muốn phim có cơ hội tốt hơn". Theo ông, điều này đã phát huy hiệu quả khi tác phẩm thu 24,5 triệu USD trong dịp ra mắt. "Có phim nào khác nhận dưới 8% bình luận tích cực và mở màn trên 20 triệu USD? Tôi nghĩ là không", Greenstein nói.
Tuy nhiên, Pamela McClintock cho rằng thành công này là do tác phẩm hướng đến đối tượng khán giả gia đình nên doanh thu ít bị tác động bởi giới phê bình. Việc trì hoãn các bài phê bình không phải lúc nào cũng hiệu quả. Với The Mummy hay phim hài The House, động thái tương tự cũng chẳng giúp các phim này cải thiện thành tích ở Mỹ.
* Dunkirk được khen ngợi và cũng thắng lớn ở phòng vé
Trang Business Insider nhận định sức mạnh của Rotten Tomatoes đã lớn hơn bao giờ hết và thay vì phàn nàn, Hollywood phải thích ứng. Chuyên gia Paul Dergarabedian của công ty phân tích ComScore nói: "Để chống lại hiệu ứng Rotten Tomatoes, cách tốt nhất là phải làm phim tốt hơn, rõ ràng và đơn giản".
Bên cạnh đó, Chris Agar của Screen Rant còn chỉ ra trò chơi "nước đôi" của giới phát hành. "Khi phim được khen ngợi, họ nhanh chóng đưa điểm Rotten Tomatoes vào các trailer và quảng cáo trên truyền hình, nhưng nếu điều ngược lại xảy ra, họ đổ cho các bài bình luận làm phim thất thu", anh nhận xét.
Các tác giả có bài được dẫn trên Rotten Tomatoes là thành viên được chứng nhận của các đoàn thể báo chí hoặc những tổ chức phê bình phim. Nhân viên của trang web sẽ xác định xem mỗi bài bình luận thu thập được là tích cực ("fresh", đánh dấu bằng một quả cà chua màu đỏ) hay tiêu cực ("rotten", đánh dấu bằng một quả cà chua xanh bị vỡ). Thông thường, mỗi phim điện ảnh sẽ có trên 150 bài bình luận. Sau khi tổng hợp, những phim có trên 60% đánh giá tốt được xem là hay ("tươi"), còn dưới mức này là dở ("thối"). Ở Việt Nam, một số fanpage về phim cũng giới thiệu và bình luận về Tomatometer - thang đo số % bài đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes. Nhà báo Pamela McClintock của Hollywood Reporter cho rằng tầm ảnh hưởng của Rotten Tomatoes bắt đầu tăng từ đầu năm 2016 khi nó và công ty mẹ Flixster được Fandago - đơn vị thuộc đại gia truyền thông Comcast - mua lại. Là tổ chức bán vé phim qua điện thoại và Internet, Fandago đính kèm điểm số của Rotten Tomatoes trên trang của họ. Ngoài ra, AMC - hệ thống rạp lớn nhất của Mỹ - sẽ giới thiệu điểm của Rotten Tomatoes trên trang web, nếu phim được trên 60% bình luận tích cực. |
Ân Nguyễn