Trong sự so sánh với Ronaldo
Tối 15/1, Wayne Rooney thông báo quyết định giải nghệ. Người hâm mộ Man Utd lập tức lục lại bức ảnh đội hình ra sân ở trận chung kết Champions Legaue 2008 và nhận ra, Cristiano Ronaldo là người cuối cùng còn thi đấu trong bóng đá đỉnh cao. Và khi nhìn sang Rooney, đâu đó có sự nuối tiếc. Hai cầu thủ sinh cùng năm, nhưng khi một người vẫn chơi thứ bóng đá ở đẳng cấp cao nhất thế giới, người còn lại nói lời chia tay sự nghiệp. Rooney thậm chí đã tới Mỹ chơi bóng từ tận năm 2018, trong năm mà Ronaldo giành Champions League thứ ba liên tiếp.
Người hâm mộ tiếc nuối cho Rooney, bởi lẽ với tiềm năng của anh, Rooney lẽ ra đã có thể vươn tới những nấc thang cao hơn nhiều trong sự nghiệp. Ngày Ronaldo còn là cậu trai thích múa may tại Old Trafford, Rooney đã là cái tên tuổi teen đắt giá nhất làng bóng đá. Khi Ronaldo còn chật vật khẳng định tài năng, thì Rooney đã khiến Arsenal ôm hận, với cũ nã đại bác khi còn đá cho Everton năm 2002. Ngay sau khoảnh khắc ấy, người hâm mộ bóng đá Anh tin rằng họ đang có tài năng lớn nhất từ thời Paul Gascoinge.
Nhưng tiềm năng của Rooney không đảm bảo cho một sự nghiệp tột cùng vinh quang. Rooney hay, nhưng chưa bao giờ tiệm cận top ba đề cử Quả Bóng Vàng, hay một giải thưởng tương tự của bóng đá châu Âu cùng thế giới. Ronaldo, trong khi đó, với những nỗ lực khủng khiếp, liên tục xô đổ các kỷ lục, đánh chiếm mọi giải thưởng từ tập thể đến cá nhân, hết lần này đến lần khác. Vậy có phải Rooney đã lãng phí tiềm năng to lớn của bản thân, trong khi anh lẽ ra phải đạt được nhiều thành tựu hơn, hoặc ít nhất không từ bỏ bóng đá đỉnh cao sớm thế?
Tuy nhiên, như ký giả Martin Samuel của Sport Mail (Anh) nhận định, có ba điều cần phải làm rõ.
Thứ nhất, đặt bất cứ cầu thủ nào trong sự so sánh với Ronaldo, hay thậm chí Lionel Messi, cũng là thiếu hợp lý. Ronaldo và Messi là hai "người ngoài hành tinh" khi duy trì đỉnh cao trong thời gian không tưởng. Trong gần 15 năm qua, họ gần như loại bỏ mọi đối thủ khác chỉ để so kè với nhau. Ronaldo đã bứt xa Rooney, để đặt anh vào một vị thế khác hoàn toàn. Không chỉ Rooney, rất nhiều hảo thủ khác cùng thời cũng phải chấp nhận đứng sau Ronaldo và Messi.
Thứ hai, sự nghiệp của Rooney cũng đầy những chiến công hiển hách. Rooney sở hữu bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ, và là khát khao của nhiều người: năm chức vô địch Ngoại hạng Anh, một Champions League, một Cup FA, ba cúp Liên đoàn. Về mặt cá nhân, anh thâu tóm các danh hiệu của bóng đá Anh như hai lần giành giải Cầu thủ trẻ hay nhất, một lần được các đồng nghiệp tại giải Ngoại hạng bầu là Cầu thủ hay nhất mùa. Ở tuyển Anh, Rooney giữ kỷ lục ghi bàn cùng kỷ lục về số trận.
Rooney còn nắm kỷ lục ghi bàn cho Man Utd với 253 bàn qua 559 trận, vượt qua huyền thoại của sân Old Trafford - Sir Bobby Chalrton. Anh không phải chân sút vĩ đại nhất Ngoại hạng Anh - "chỉ" xếp thứ hai, sau Alan Shearer. Nhưng không cầu thủ nào ghi bàn cho một đội bóng nhiều hơn Rooney tại xứ sở sương mù. Anh còn nắm giữ một loạt kỷ lục như người ghi nhiều bàn sân khách nhất Ngoại hạng Anh, ghi trên mười bàn ở nhiều mùa giải nhất, cầu thủ duy nhất ghi trên 200 bàn nhưng có tới 100 đường kiến tạo.
Và con số 100 đường kiến tạo nói trên cũng đưa chúng ta đến dữ kiện thứ ba để đánh giá về Rooney: đức hy sinh - thứ phẩm chất cao quý nhất của cựu cầu thủ Man Utd. Dưới thời Alex Ferguson, Rooney hiếm khi được đá trung phong. Sir Alex cần một cầu thủ vừa ghi bàn tốt, vừa kiến tạo giỏi, khi cần có thể tham gia phòng ngự, đuổi bóng đến cùng, và không ai đáp ứng những đòi hỏi ấy tốt hơn Rooney. Anh vừa có thể đá ở vị trí số 9, lại có thể lùi xuống chơi như một số 10 Trong những mùa bóng cuối tại Man Utd, Ronaldo liên tục toả sáng, nhưng người chấp nhận dạt biên, hút người, tạo khoảng trống, kiến tạo cho Ronaldo lại chính là Rooney.
Sir Alex không muốn Ronaldo phải lo phòng ngự - nhiệm vụ gần như bắt buộc với các tiền vệ cánh khác, khi phải bắt hậu vệ cánh đối phương trong các pha bóng phòng ngự. Nên ông giao nhiệm vụ đó cho Rooney. Ronaldo yên tâm ghi bàn, cũng nhờ một Rooney cần cù, nỗ lực chơi "công thủ toàn diện" sau lưng.
Sau thời Ronaldo, Rooney tiếp tục hỗ trợ những Chicharito, Dimitar Berbatov và Robin van Persie trên hàng công. Người hâm mộ Man Utd đã quá quen với những pha đeo bám cầu thủ đối phương về tận sân nhà của Rooney, hay cảnh anh chạy hộc tốc về phần sân nhà chỉ để chống một pha phản công. Kể cả khi sang Mỹ, nơi được ví von là chốn dưỡng già với các cầu thủ, Rooney vẫn nhắc cho mọi người nhớ về tính chiến đấu anh khi chạy về tận sân nhà cản một pha bóng tưởng thành bàn mười mươi trong trận gặp đội Orlando trước khi kiến tạo cho đồng đội ấn định thắng lợi 3-2. DC United của Rooney khi ấy dâng toàn bộ đội hình, kể cả thủ môn, lên tấn công hòng tìm bàn thắng.
Và dù chơi ở đâu, Rooney đều đá từ tròn vai tới xuất sắc. Khi Man Utd mất người vì chấn thương, Rooney thậm chí sẵn sàng đá hậu vệ. Anh từng nói với Sir Alex trong một buổi tập rằng: "Nếu sếp cần em đá hậu vệ phải, thì em đá vị trí ấy quá ổn luôn". Sir Alex từng nói Rooney không phải là người học nhanh nhất, nhưng anh có sự nhận thức tuyệt vời để chơi được mọi vị trí trên sân.
Thủ thành Petr Cech nhớ về đối thủ một thời: "Đó là gã khó nhằn nhất tôi từng đối đầu. Cậu ta có thể đuổi bóng, chạy liên tục và khi có bóng thì rất thông minh. Rooney thậm chí có thể sút từ giữa sân, nên tôi phải cực kỳ tập trung. Rất khó bắt bài Rooney".
Con người của khoảnh khắc
Rooney không có sự nghiệp quá chói lọi, nhưng cũng chẳng thiếu những chiến công hiển hách. Tuy nhiên, anh đã không được yêu đến thế, và ngược lại, bị ghét đến thế, nếu thiếu những khoảnh khắc từ vỡ òa đến uất nghẹn mà anh tạo ra.
Yêu, ghét, nhớ là những phạm trù cảm xúc, mà Rooney thì truyền tải đầy đủ tới chúng ta qua xuyên suốt sự nghiệp của anh. Năm 2002, hãy còn là cậu nhóc 16 tuổi, Rooney xé toang mành lưới Arsenal - đội mạnh nhất giải lúc ấy. Hai năm sau đó, anh dự Euro cùng tuyển Anh, ghi một hattrick, làm người hâm mộ quê nhà vỡ òa, ví Rooney như Pele của World Cup 1958. Thậm chí, nhiều CĐV xứ sương mù vẫn tin rằng nếu Rooney không chấn thương trong trận bán kết với Bồ Đào Nha, lẽ ra tuyển Anh mới là nhà vô địch giải đấu năm ấy.
Sau đó là hàng loạt khoảnh khắc Rooney khiến người hâm mộ vỡ òa. Anh ra mắt Man Utd và ghi luôn một hattrick, trước Fernebahce. Anh trở thành cầu thủ trẻ thứ năm lập hattrick ở các Cup châu Âu và là cầu thủ người Anh trẻ nhất làm được điều này. Mùa 2010-2011, anh tung người vôlê cháy lưới Man City, khiến cầu trường Old Trafford vỡ òa trong sung sướng – bàn thắng mà sau đó được bầu chọn là đẹp nhất 20 năm đầu tiên của Ngoại hạng Anh. Mùa 2016-2017, Rooney sút phạt qua đầu thủ môn Stoke City, gỡ hòa cho Man Utd, đồng thời giúp chính anh phá vỡ kỷ lục ghi bàn của Sir Bobby Charlton...
Đó là những thời khắc của thiên thần Rooney.
Nhưng đôi khi, con ác quỷ trong anh trỗi dậy.
Năm 2006, Rooney đạp Ricardo Carvalho trong trận tứ kết World Cup với Bồ Đào Nha, dù trước đó anh đã bị khiêu khích. Tuyển Anh - không Rooney - sau đó thua Bồ Đào Nha ở loạt luân lưu. Sven Eriksson - HLV tuyển Anh năm ấy - về sau ám chỉ rằng khoảnh khắc nóng nảy đó của Rooney đã đóng sập cửa vô địch World Cup của "Tam Sư". Tại vòng loại Euro 2012, anh đá nguội với cầu thủ Montenegro trong một tình huống vô thưởng vô phạt, để rồi lĩnh án treo giò hết vòng bảng giải năm ấy. Hay sau trận hòa thất vọng của tuyển Anh trước Algeria tại World Cup 2010, Rooney nhìn thẳng vào máy quay và mắng CĐV nhà: "Rất vui khi các người la ó chúng tôi như vậy, đúng là những CĐV trung thành"...
Cùng Man Utd, Rooney cũng không ít lần lĩnh án treo giò vì ném bóng vào trọng tài hay chửi thề trước ống kính. Trong Rooney, luôn có mặt ác quỷ sẵn sàng bộc phát, khi khía cạnh thiên thần không thể tỏa sáng. Đời tư của Rooney cũng đầy những rắc rối, scandal, và đôi lần dỗi dằn, đòi rời Man Utd khi đội bóng cần anh nhất.
Những cũng chính vì thế, Rooney được người ta nhớ đến. Anh sống thật, không hề giả trân. Người hâm mộ có thể yêu, có thể ghét Rooney nhưng tất cả đều phải thừa nhận Rooney không bao giờ giả dối. Khác với hình tượng một cầu thủ đẹp không tì vết, Rooney là hiện thân cho tất cả chúng ta, một con người thực sự, cũng có lúc vui lúc buồn, có mặt tối mặt sáng. Ở Rooney, người hâm mộ nhìn thấy sự đồng điệu.
Nhưng từ nay, các CĐV sẽ không bao giờ thấy những khoảnh khắc rất "người" ấy của Rooney trên sân cỏ nữa. Mười tám năm kể từ ngày cậu nhóc trong chiếc áo rộng thùng thình của Everton nã pháo cháy lưới Arsenal, khiến thủ môn tuyển Anh David Seaman chôn chân và làm nổ tung Goodison Park, Rooney tuyên bố giải nghệ.
Kim Hoà