Trận làm khách trước Leicester tháng 9/2000 vẫn còn đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Đó là ngày tôi chơi trận đầu tiên cho U19 Everton, tôi vào sân từ ghế dự bị và ghi bàn mang về thắng lợi. Bấy giờ, tôi mới 14 tuổi, nhưng đã được vào sân, không chỉ nhờ tài năng mà còn nhiều thứ khác, nhất là nhờ Colin Harvey - HLV rất tin tưởng tôi.
Tôi rất muốn viết về cách nắm bắt cơ hội để được vào sân đối với một cầu thủ trẻ, bởi đó luôn là chủ đề gần gũi và xuất phát từ thâm tâm tôi. Tôi có những cậu con trai phát cuồng với bóng đá, và trong vai trò của một HLV kiêm cầu thủ ở Derby County, tôi xem việc được giúp đỡ những cầu thủ trẻ là một niềm đam mê.
Khi đối chiếu với trường hợp của bản thân, tôi nhận ra rằng những bước đi đầu tiên có ảnh hưởng lớn đến việc định hình sự nghiệp của những cầu thủ trẻ. Và tôi hy vọng mình có thể mang đến vài lời khuyên.
Khả năng là một chuyện, nhưng chính sự tận tụy, tinh thần cầu tiến và sự giúp đỡ từ gia đình cùng các HLV như Colin mới quan trọng.
Đức hy sinh
Tôi gia nhập Everton từ khi 9 tuổi. Chúng tôi tập luyện ba lần trong tuần, vào các buổi chiều tối sau giờ học. Nhưng phải đến khoảng 14 tuổi, một cầu thủ mới cho thấy liệu cậu ta có đủ khả năng để vươn đến đỉnh cao hay không. Đó cũng là lúc mà một cầu thủ trẻ bắt đầu đưa ra những quyết định: Mình muốn làm gì mai sau? Mình đã chuẩn bị để từ bỏ điều gì đó?
Tầm tuổi ấy, ở Croxteth nơi tôi lớn lên, chúng tôi hay ra đường vào mỗi tối với bạn bè. Chúng tôi đi chơi vào những ngày thứ Sáu, nốc một chai rượu táo và loanh quanh trên những con phố, thường thì chẳng làm gì nên hồn. Sau này ngẫm lại, bạn mới thấy lẽ ra mình không nên làm thế, nhưng dòng đời xô đẩy mà.
Lúc đó, tôi phải đưa ra quyết định trong cuộc đời. Từ năm 14 tuổi, tôi bắt đầu thay đổi nếp suy nghĩ. Tôi đi từ trường đến sân tập đá bóng, rồi đến thẳng chỗ tập boxing. Quan tâm duy nhất của tôi bấy giờ là trở thành một cầu thủ bóng đá. Nhưng tôi hiểu sẽ có nhiều người không đồng tình, họ nói: "Việc gì phải làm thế, tôi đủ giỏi để trở thành một cầu thủ bóng đá mà". Ồ không.
Tôi nghĩ nếu bạn cũng trưởng thành ở những nơi như khu tôi ở, bạn sẽ luôn gặp phải nhiều vấn đề. Con cái tôi ở Cheshire cũng mắc phải những cám dỗ từ cuộc sống như tôi từng trải qua. Xã hội giờ thay đổi và bọn trẻ ngày nay cũng không còn tụ tập ngoài đường như xưa, nhưng bất kỳ một người trẻ nào cũng sẽ cần phải hy sinh vài thứ để có thể trở thành một cầu thủ, chẳng hạn việc cắm đầu vào PlayStation. Chúng cần phải hiểu rõ, không còn cách nào khác ngoài hy sinh. Trong bóng đá, bạn phải làm việc không ngừng nghỉ, không được phép tự thỏa mãn nếu muốn có một sự nghiệp thành công.
Học tập không ngừng
Tuổi 14 là lúc bạn bắt đầu hiểu trận đấu hoàn chỉnh hơn. Những buổi học trên lớp bắt đầu thấm hơn. Ở khía cạnh chiến thuật, bạn cũng dần hiểu nhiều thứ. Bạn cũng cảm nhận được sự phát triển cơ thể của mình, chiều cao, sức mạnh cơ bắp,...
Bạn phát hiện ra vị trí nào trên sân mà mình muốn chơi hay nhất và bắt đầu trau dồi chuyên môn, học tập. Lúc này, những gì bạn được dạy và những gì bạn đầu tư cho bản thân mình rất quan trọng. Colin từng để tôi chơi ở đội U19 nhằm giúp tôi đẩy nhanh quá trình phát triển của mình, nhưng ở tuổi 14, bạn đồng thời phải hiểu rằng thể trạng của mình chưa thể so bì được với các đàn anh. Do đó, ông ấy xếp tôi chơi ở vị trí số 10 để tôi có thể tìm nhiều khoảng trống hơn.
Ở nhà, thông qua truyền hình, tôi thu băng lại các trận đấu của Jari Litmanen hay Gianfranco Zola để có thể tìm hiểu về vị trí đó. Công tác giảng dạy cầu thủ ở độ tuổi này cần phải phù hợp với từng cá nhân. Tôi giỏi ở khả năng cầm bóng, xoay trở và qua người, nhưng tôi cũng cần phải học để tiết chế và biết khi nào thì nên dùng những kỹ năng đó trên sân. Nếu phát hiện có một đồng đội đang ở vị trí thuận lợi, điều đơn giản phải làm là chuyền bóng cho anh ta. Phải mất đến ít nhất hai năm, tôi mới thực sự đạt đến tầm có thể đưa ra những quyết định chính xác, và chính Colin là người đã giúp tôi làm chuyện đó.
Cái bẫy phụ huynh
Thuở ban đầu, tôi nhận trợ cấp 75 bảng mỗi tuần khi chơi cho đội một của Everton. Trong những trận đầu tiên ở cấp đội tuyển, tôi có thêm tiền thưởng nhờ hợp đồng quảng cáo giày thể thao ký với Umbro trị giá 100 bảng. Ngày nay, tiền bạc trở thành yếu tố có sức nặng hơn và có thể phát sinh nhiều hệ lụy. Tôi biết một cậu nhóc từng chuyển từ Man Utd sang Man City, dù cậu ấy và gia đình vốn là những fan bự của United, chỉ vì City đề nghị hấp dẫn hơn với cha mẹ cậu ấy. Cậu nhóc khi đó mới 8 tuổi.
Bậc làm cha làm mẹ luôn đặt ra những áp lực liên tục lên con cái họ. Tin tôi đi, tôi đã chứng kiến điều này rồi. Nếu các bậc phụ huynh đặt quá nhiều áp lực lên con cái, thì đến năm 13 hay 14 tuổi, bọn trẻ sẽ hư hết, hoặc cứ thế rời xa bóng đá. Ai nấy cũng đều muốn con cái mình thành đạt nhưng tôi năn nỉ các bạn hãy để bọn trẻ được tự do chơi bóng.
Cha tôi từng có mặt ở mỗi trận đấu của tôi và tôi muốn làm ông ấy thấy tự hào mỗi khi tôi ghi bàn. Ghi bàn xong, tôi đều hướng mắt ra ngoài sân để nhìn xem liệu ông ấy có đang theo dõi. Đồng đội tôi, nếu ghi bàn, cũng làm thế. Đứa trẻ nào cũng vậy cả, nhưng hãy tưởng tượng xem: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bọn trẻ không ghi được bàn, hay như chúng sút hỏng một quả penalty? Liệu các phụ huynh lúc ở trong xe trên đường về nhà có nói với con cái họ "Sao mày dở vậy con?".
Làm như thế chẳng giúp ích gì bọn trẻ cả. Hỡi các bậc phụ huynh: Hãy để các HLVđào tạo con cái các bạn. Các bạn hãy lùi ra sau một bước. Các bạn có những cách khác để ủng hộ và động viên con cái mình. Trách nhiệm của cha mẹ là giảm bớt áp lực cho con cái, chứ không phải đổ thêm. Hãy để trẻ con được làm trẻ con!
Chiến thắng không phải là tất cả
Đương nhiên là bạn cần có một tâm lý chiến thắng. Nhưng những cầu thủ trẻ cũng phải hiểu rằng ‘OK, không sao cả’, nếu chẳng may lúc nào đó không thể giành được chiến thắng.
Thời chúng tôi sống ở Washington, đội bóng của con trai tôi trải qua cả mùa giải bất bại, thế rồi chúng đến với Dallas Cup và để thua ở tứ kết. Một bậc phụ huynh thảng thốt: "Trời ơi, sao lại như thế này được?". Tôi mới nói với anh ta rằng: "Không sao, chuyện này tốt mà". Bọn trẻ mới 9 tuổi. Trước đó, chúng đã thắng liên tục rồi. Chúng chưa học được cảm giác của thất bại là như thế nào. Và để có thể phát triển, thất bại khi ấy lại là một chuyện tốt.
Tôi từng chơi ở Dallas Cup năm 11 tuổi và đội chúng tôi cũng bị loại ở tứ kết. Nhờ đó, bạn học được cách chấp nhận thất bại và đứng dậy mạnh mẽ hơn. Khi chúng tôi đang trên con đường giành lấy những danh hiệu ở Man Utd, rồi đột ngột nhận thất bại lúc đang cách đối thủ chín điểm, chúng tôi thường nói với nhau: "Thua là tốt, đấy là hồi chuông cảnh tỉnh". Nếu bạn cứ thắng liên tục, bạn sẽ có thái độ tự mãn. Nên nếu có thất bại, OK thôi, không sao cả - nhất là với sự phát triển của một cầu thủ.
Những ấn tượng đầu tiên luôn quan trọng
Cuối mùa giải 2001-2002, HLV David Moyes từng nói với tôi rằng tôi sẽ được tập luyện với đội một vào mùa tới. Tôi bước vào kỳ nghỉ hè với người cậu và các anh em họ ở Benidorm, sau đó trở lại đầy háo hức cho mùa giải mới. Trước khi lên đội một, tôi thầm nhủ bản thân: "Mình sẽ chứng minh cho họ thấy mình giỏi cỡ nào".
Giai đoạn tiền mùa giải diễn ra ở Áo và trong trận đấu tập đầu tiên của tôi, quả bóng tìm đến tôi ngay ở hành lang cánh phải, tôi điều khiển nó bằng má ngoài chân phải để vượt qua David Unsworth, rồi tạt vào phía trong. Tôi còn nhớ mình đã nghe thấy anh ấy đuổi theo sau và hô: "Thằng nhóc con". Từ đó trở đi, tôi còn nhớ mình đã suy nghĩ: "OK, mình đã sẵn sàng. Mình có thể chơi bóng với những người này được rồi. Mình là số một ở đây". Tôi ghi được 10 bàn trong chuyến du đấu và đá chính ở trận ra quân Ngoại hạng Anh, trước Tottenham.
Bài học rút ra là bạn cần phải tự tin. Một khi bạn được gọi lên đội một, bạn phải bắt lấy từng khoảnh khắc. Cho dù là thông qua kỹ thuật với trái bóng, khả năng ghi bàn hay tắc bóng, nói chuyện với các đồng đội, bạn luôn phải để lại được những ấn tượng tốt trên sân tập. Tôi thấy nhiều cầu thủ trẻ cứ luôn cúi đầu và chơi quá an toàn.
Sau này, tôi kết thân với Darron Gibson, nhưng ngày đầu cậu ấy tập luyện cùng chúng tôi, tôi từng nói với cậu ta rằng: "Anh chưa nghe mày nói tiếng nào cả. Anh còn không biết giọng mày ra sao nữa. Anh chỉ thấy mày chạy khắp nơi với cái mặt cáu kỉnh. Nếu không đúng thì cũng phải nói gì đi chứ".
Darron trở lại ở mùa giải tiếp theo như một thằng điên, hò hét khắp nơi. Nhưng đó mới là sự khác biệt, chính sự tự tin đã giúp cậu ấy tập luyện và thi đấu tốt hơn để dần được lên đội một.
Tôi thường nói với các con mình: "Ngay cả khi các con cảm thấy chưa thật sự sẵn sàng, thì cứ hãy để ý một ai đó". Nếu tôi có cơ hội tôi sẽ nhào vào một cầu thủ nào đó. Làm một cái gì đó để lưu lại ấn tượng với tập thể và HLV.
Tôi từng tập luyện với những cậu nhóc mà rất nhanh chóng sau đó, bọn họ bị lãng quên và chỉ trong chớp mắt, họ phải trở lại với đội trẻ hoặc sáu tháng sau được cho mượn hay bị thôi hợp đồng. Hỏi các HLV ở học viện, bạn mới biết: "Cậu ta có tài năng nhưng thiếu cá tính". Đừng trở thành một cầu thủ như vậy.
Ravel Morrison và Gary Neville
Tôi còn nhớ từng chứng kiến Ravel Morrison và thầm nghĩ trong đầu rằng cậu ấy hội đủ mọi tố chất cần thiết để trở thành một cầu thủ xuất sắc. Ravel thông minh. Cậu ấy tự tin. Cậu ấy từng xâu kim Nemanja Vidic ba lần chỉ trong một phút ở một trận đấu tập. Nhưng rồi Ravel loay hoay với lối sống và những tác động từ môi trường xung quanh khiến cậu ấy gặp vấn đề. Tôi từng chứng kiến Paul Pogba tập luyện để trưởng thành ra sao, cả Jesse Lingard và nhiều cầu thủ trẻ khác nữa, nhưng Ravel Morrison đơn giản là tài năng hơn tất cả họ nhiều lần.
Ravel chính là bằng chứng cho thấy rằng sẽ luôn có những cẩm nang không thể vứt bỏ mà mọi cầu thủ cần phải tuân theo trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Một vài cầu thủ phải sống với áp lực của chuyện đó nhưng họ vẫn giữ bản thân trong lề lối và thành công. Thêm nữa, bạn cần phải nghĩ tới những mục tiêu xa hơn bằng thái độ nhất mực chuyên nghiệp. Gary Neville là một ví dụ. Gary không phải là một cầu thủ quá xuất sắc, nhưng anh ấy làm việc chăm chỉ từng phút trong mỗi buổi tập và luôn dốc hết sức mình. Anh ấy trải qua một sự nghiệp mỹ mãn nhờ sự chăm chỉ. Đó là con người bạn phải dành sự nể trọng.
Sir Alex Ferguson từng nói rằng thứ khó nhất trên đời là làm việc chăm chỉ qua từng ngày. Quên tài năng của bạn đi, phủi bỏ hết chúng đi: Nếu bạn có thể chăm chỉ mỗi ngày, dù là làm việc gì đi chăng nữa bạn cũng sẽ thành công.
Bí quyết để không thụt lùi
Cứ tiếp tục. Đơn giản là vậy. Mọi thứ bạn cần phải làm để vươn đến đỉnh cao – học tập, hy sinh, chăm chỉ, bộc lộ cá tính – thì cứ hãy tiếp tục như vậy để giữ vững vị trí của mình.
Một lần nữa tôi lại phải nhắc về Sir Alex Ferguson. Khi Man Utd vô địch Champions League tại Moscow, chúng tôi tổ chức một bữa tiệc sau trận đấu, trong lúc mọi người đang ăn mừng, Fergie túm lấy chiếc micro và nói lời cảm ơn các cầu thủ, nói lời cảm ơn gia đình vì đã luôn ủng hộ đội bóng. Sau đó, ông ấy nói rằng mình sẽ đi ngủ vì ông sẽ còn nhiều việc phải làm, phải chuẩn bị cho mùa giải tới để giúp chúng tôi bảo vệ các danh hiệu.
Phát biểu ấy của Sir Alex luôn khắc ghi trong tâm khảm của tôi. Tôi còn nhớ mình từng suy nghĩ: "Thôi, tự thưởng mình đêm nay". Nhưng ông ấy rõ ràng đã truyền đi một thông điệp đầy tài tình và chan chứa nguồn động lực.
Những cá nhân khác nhau có những động cơ thúc đẩy khác nhau. Với riêng tôi, đó là khát khao chiến thắng nhiều hơn nữa. Vì lẽ đó mà tôi mới có mặt ở Derby. Tôi hoàn toàn có thể chơi bóng cho vui đến năm 40 tuổi, nhưng tôi chọn tới Derby vì ở đó tôi cảm giác mình có thể giúp đội bóng giành quyền thăng hạng lên Ngoại hạng Anh.
Những HLV, các bậc phụ huynh và bất kể một ai khác đều có thể giúp đỡ bạn, những cầu thủ trẻ. Nhưng suy cho cùng, mọi thứ vẫn tùy thuộc vào chính bạn mà thôi. Ở tuổi 34, đó vẫn là thứ luôn khiến tôi canh cánh. Và lại càng hệ trọng khi bạn ở tuổi 14, với những quyết định của cuộc đời được đặt ra trước mắt.
Hoàng Thông dịch