![]() |
Một trong ba biểu tượng rồng. |
Trong số 6 tác phẩm cuối cùng lọt vào chung kết (3 rồng, 1 trâu, 1 sao la, 1 chú tễu), thì theo ông Lê Trọng Khoan, Vụ trưởng Pháp chế Ủy ban TDTT, Hội đồng giám khảo chưa thống nhất lựa chọn mẫu nào. Ông Khoan nói: "Chúng tôi muốn nó phải là một sản phẩm thực sự đi vào lòng người, làm nổi bật tinh thần SEA Games, thoả mãn điều mà mình gửi gắm và có thể dễ dàng thể hiện hình khối".
Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Trần Chiến Thắng có "cảm tình" đặc biệt với chú Tễu. Ông cho rằng đây là hình ảnh hoàn toàn thoả mãn tiêu chí của một mascot (vui vẻ, trẻ trung và có tính thể thao cao). Trâu gắn liền với dân tộc Việt Nam, gần gũi với nhà nông nhưng trâu chỉ khoẻ chứ không nhanh. Rồng là một hình tượng thiêng liêng nhưng ở một số nước châu Á lại là biểu tượng cho quyền lực. Hơn nữa, so với chú Tễu, việc thể hiện rồng ở các môn thể thao vừa không đẹp mắt lại vừa khó. Rồng mà lắp chân tay vào dễ bị biến dạng, làm mất ý nghĩa hoặc dễ bị hiểu sang múa rồng.
Phó tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Huy Oánh lại cho rằng chú Tễu cũng là một biểu tượng hay, thể hiện sự mến khách, cởi mở nhưng lại... dân dã quá. Hơn nữa, để thể hiện sức sống của cả một dân tộc mà lấy hình ảnh này chỉ vì tính vui vẻ thì chưa đủ. Rồng sang trọng hơn, tượng trưng cho văn hiến Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng giám khảo Hoàng Vĩnh Giang thì cho rằng: "Hình tượng rồng khi được cách điệu lên thì sẽ rất đẹp, không hề dữ tợn".
Nhiều nhà văn hoá được mời tham gia góp ý kiến đã phản đối mẫu rồng được chọn. Họ nghi ngờ tính đặc trưng cho Việt Nam của con rồng bởi trong lịch sử, rồng của nước ta khác nhau theo từng thời kỳ (Lý, Trần, Lê...).
Việc sáng tác biểu tượng vui cho SEA Games là một việc có ý nghĩa rất lớn. Đó sẽ là hình ảnh lưu lại trong con mắt của bạn bè các nước trong khu vực. Biểu tượng vui mà xấu, không tiêu biểu cho Việt Nam thì SEA Games chẳng còn ý nghĩa gì.
Tham khảo biểu tượng vui của một số kỳ SEA Games trước.
(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ)