Trong suốt quá trình từ lúc Ronaldo đánh tiếng rời Juventus, áp sát Man City rồi đột nhiên chốt thương vụ tại Man Utd, HLV Max Allegri gần như không lên tiếng. Vài ngày trước trận đấu sân nhà đầu tiên mùa này gặp Empoli tối 28/8, nhà cầm quân người Italy được thông báo rằng cầu thủ mà Juventus dày công xây dựng một hệ thống xung quanh sẽ không còn gắn bó với đội bóng nữa.
Không tranh luận, không phản bác, hay ý kiến nào. Quyết định đơn giản đã được đưa ra, còn Allegri hầu như chỉ sắm vai quan sát viên. Juventus cũng vậy. Ronaldo không còn ý định cống hiến cho họ nữa. Anh yêu cầu ra đi, và mọi thứ diễn ra chóng vánh trong vài chục giờ đồng hồ.
Dù vậy, việc Ronaldo rời Turin có lẽ không gây sốc cho Allegri. Ngay ở trận mở màn mùa giải mới hồi tuần trước, Ronaldo đã đề đạt nguyện vọng ngồi dự bị. Một chấn thương có thể khiến chủ nhân năm Quả Bóng Vàng tuột cơ hội ra đi trong giai đoạn cuối của kỳ chuyển nhượng mùa hè. Sau ba năm ở Juventus Arena, Ronaldo hài lòng với việc ngồi ngoài. Ngoài ra, không có gì khác.
Allegri đơn giản là chiều lòng ý định của Ronaldo - người đã 36 tuổi. Ông chấp nhận thực hiện các điều khoản đã ký với một CLB vĩ đại như Juventus. Allegri không chê Ronaldo vì sự thiếu trung thành hay tính chuyên nghiệp - điều siêu sao người Bồ Đào Nha luôn thể hiện và cam kết ở mọi nơi anh từng thi đấu. Ông cũng không bài xích Ronaldon. Không ai của Juventus làm thế. Từ trên xuống dưới, cả HLV lẫn lãnh đạo đội bóng, chỉ đơn giản là chiều theo nguyện vọng của cầu thủ đắt giá nhất lịch sử "Lão bà".
"Mọi thứ đã thay đổi. Đó là quy luật của cuộc sống", Allegri nói ngắn gọn trong một cuộc họp báo sáng thứ Sáu 27/8, một ngày trước vòng hai Serie A . Vài giờ sau, các phóng viên bắt gặp Ronaldo đang lên máy bay riêng tại sân bay ở Turin.
Đến lúc ấy, Ronaldo đã biết chắc những gì sẽ xảy ra kế tiếp, nhưng đó lại là bí mật với phần còn lại của thế giới. Điểm đến cuối cùng của đội trưởng tuyển Bồ Đào Nha sẽ là Man Utd, nơi anh từng gọi là "nhà". Đó cũng là CLB anh khẳng định bản thân là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất, không chỉ riêng ở thế hệ này mà còn là cả lịch sử bóng đá.
Juventus chiêu mộ Ronaldo năm 2018 dễ dàng thế nào, thì Man Utd cũng có vị thế tương tự trong câu chuyện cuối tháng 8/2021. Từ lúc những tin đồn xuất hiện trên mặt báo, tới khi trang chủ "Quỷ Đỏ" xác nhận sự trở lại của Ronaldo, hầu như chuyện tiền bạc không được nhắc đến. Khắp nơi, người hâm mộ Man Utd chỉ tập trung vào sự lãng mạn, tình yêu, ký ức và tình bạn.
Đó là điều mà các thành viên Man Utd không thể ngờ vào cuối ngày thứ Năm, khi mà viễn cảnh Ronaldo ký hợp đồng với đối thủ truyền kiếp Man City được đồn thổi và ngày càng trở nên rõ ràng.
Chính Ronaldo từng khẳng định sẽ "không bao giờ" đến sân Etihad. "Nếu bạn nói về tiền, tôi sẽ đến Qatar", anh nói năm 2015. Tuy nhiên, người đại diện của Ronaldo, Jorge Mendes có vẻ đã thảo luận và đàm phán với lãnh đạo Man City về chuyện tiền bạc. Ngoài những gì Man City trả cho thân chủ – yếu tố được xem nhẹ trong hoàn cảnh hiện tại, Mendes còn đề cập đến con số mà Juventus có thể thụ hưởng cho một năm hợp đồng còn lại.
Và khi biết chắc, đó là vấn đề khó khăn vì Man City chỉ muốn có Ronaldo theo diện miễn phí, Mendes bỏ ngang, và chừng ấy là đủ để Man Utd bắt tay hành động. Một loạt đồng đội của Ronaldo thời ở Old Trafford, gồm cả Rio Ferdinand và Patrice Evra, đã liên lạc không ngừng với số 7 của Juventus để can ngăn việc chuyển đến Man City. Wayne Rooney thậm chí còn truyền đi thông điệp một cách công khai trên truyền thông.
Cũng có những lời dụ dỗ riêng tư từ Bruno Fernandes, đàn em của Ronaldo ở đội tuyển Bồ Đào Nha, từ HLV Ole Gunnar Solskjaer, và quan trọng nhất là từ Alex Ferguson. Ronaldo luôn khẳng định, anh nợ ông thầy người Scotland "mọi thứ". Trong thương vụ chuyển nhượng này, ít nhiều anh đã trả được "khoản nợ" ấy cho cựu HLV Man Utd.
Đến sáng thứ Sáu 27/8, Ronaldo đã bị thuyết phục. Tiền đạo này gửi cho Evra một tin nhắn xác nhận rằng anh sẽ khoác áo một lần nữa cho "đội của chúng ta". Cùng với quan hệ gần gũi giữa Phó chủ tịch Man Utd, Ed Woodward với người đại diện Mendes, diễn biến được đẩy nhanh với tốc độ kinh ngạc.
Nút thắt cuối cùng nằm ở chủ sở hữu Man Utd - nhà Glazer. Giới chủ Mỹ bật đèn xanh cho việc trả phí chuyển nhượng cho Juventus, dao động trong khoảng từ 31 triệu đến 38 triệu USD, tùy thuộc vào thành tích, phong độ và khả năng cống hiến của Ronaldo trong hai năm tới. Sự quyết liệt của "Quỷ Đỏ" khiến Man City chùn bước. Các CĐV Man Utd đã chờ hơn 10 năm để một lần nữa được thấy Ronaldo trong màu áo đỏ. Cuối cùng, bom tấn được kích hoạt thành công.
Tất cả những tình tiết này là một câu chuyện hấp dẫn, nhưng không phải là toàn bộ câu chuyện.
Không điều gì trong số đó, từ cuộc đàm phán suôn sẻ hay những tin nhắn của Rio Ferdinand, sánh được với thực tế rõ ràng và đơn giản: Juventus cần Ronaldo ra đi.
Ba năm trước, khi đội bóng giàu thành tích nhất Serie A chi 116 triệu USD tiền chuyển nhượng, cùng khoản lương trước thuế 80 triệu USD một mùa trong bốn năm để mang Ronaldo về từ Real, siêu sao sinh năm 1985 được cho rằng sẽ mang tới vô số giá trị cho "Lão Bà". Ngoài việc là chân sút số một lịch sử Champions League - đấu trường Juventus chưa lên ngôi từ năm 1996, cựu cầu thủ Man Utd còn mang tới lợi ích thương mại khổng lồ từ độ phủ và thương hiệu CR7 mang tính toàn cầu.
Sau mùa đầu tiên tạm ổn, những kỳ vọng về Ronaldo bị lung lay từ mùa thứ hai, với sự "góp sức" không nhỏ của Covid-19. Giống hầu hết CLB trên khắp châu Âu, Juventus đã dành phần lớn thời gian trong một năm rưỡi qua để cân đối thu chi, đồng thời thiết lập nhiều kịch bản để bù lại khoản doanh thu hàng trăm triệu USD bị "thổi bay" trong cơn bão đại dịch.
Sau ba mùa, với 134 trận ra sân ở mọi đấu trường, Ronaldo ghi 101 bàn - một kỷ lục của Juventus. Theo khía cạnh thể thao, rõ ràng chân sút 36 tuổi quan trọng với Juventus. Theo khía cạnh kinh tế, anh càng cần thiết hơn. Dù Juventus chưa một lần vào bán kết Champions League trong thời gian sở hữu Ronaldo, đồng thời mất scudetto lần đầu tiên sau một thập niên, hàng trăm triệu lượt theo dõi Ronaldo trên mạng xã hội vẫn giúp đội bóng Italy mở rộng thương hiệu.
Giorgio Ricci, người đứng đầu bộ phận kiểm soát doanh thu của Juventus, nói với The Times đầu năm nay rằng mối liên kết với thương hiệu Ronaldo mạnh đến mức khó có thể phân biệt rằng doanh thu tăng vọt của Juventus trước Covid-19 là nhờ đội thống trị Serie A hay đơn giản là nhờ có Ronaldo trong đội hình.
Dù vậy, trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng, mức lương của cầu thủ số một Juventus trở thành rào cản. Không gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng như Barca, nhưng "Lão bà" gần như không thể tái cấu trúc đội hình trong mùa 2021-2022, chừng nào Ronaldo vẫn còn trong đội.
Trong phần lớn thời gian đã qua hè này, khả năng rời Juventus của Ronaldo khó xảy ra. Chỉ có ba hoặc bốn đội có thể chạm tới mức lương mong muốn của Ronaldo. Quan trọng hơn, không CLB nào có vẻ đặc biệt quan tâm đến "con gà đẻ trứng vàng" này. Trong quá trình chuẩn bị trước mùa giải, Ronaldo đã đăng những thông điệp ẩn ý lên Instagram. Nó vừa đủ để tạo niềm tin cho Juventus, nhưng cũng không phủ nhận chuyện ra đi.
Mọi thứ quay ngoắt khi Lionel Messi đến PSG theo diện tự do. Real nhìn thấy cơ hội và theo đuổi gắt gao Kylian Mbappe, đồng thời mở ra khả năng Ronaldo đến Paris. Trong cuộc đua "vũ trang" ấy, Man City ở thế lưỡng lự. Họ từng ve vãn Messi hè năm ngoái, nhưng không thể làm như vậy mùa này, sau khi đầu tư 139 triệu USD - kỷ lục mua cầu thủ ở Ngoại hạng Anh - vào "miếng ghép" Jack Grealish ở vị trí số 10. Nhiệm vụ của Man City trong tháng Tám là mang về một tiền đạo cắm. Họ chọn theo đuổi Harry Kane, nhưng không đạt được bước tiến nào trước sự cứng rắn của Tottenham. Lập tức, Ronaldo trở thành một ý tưởng cho việc nâng cấp đội hình của Pep Guardiola.
Tính đến 26/8, kỳ chuyển nhượng hè 2021 chỉ còn năm ngày nữa là đóng cửa. Mendes không thể ngồi yên, nhưng hai bến đỗ tiềm năng cho Ronaldo đều không chịu chuyển động. PSG đặt cược vào một năm cuối hợp đồng của Mbappe, và chưa chịu xuống nước với Real. Man City, với túi tiền không đáy của các ông chủ Ả-rập, từ chối trả phí chuyển nhượng cho một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời.
Man Utd, như đã biết, vào cuộc sau cùng nhưng dễ dàng giành được cái gật đầu từ Ronaldo. Sự trở lại của số 7 huyền thoại sân Old Trafford được mô tả như khao khát đưa về một cố nhân của "Quỷ đỏ", hay nỗi nhớ chốn cũ của một cầu thủ bôn ba 12 năm.
Nhưng, thực tế là Ronaldo lúc này không mang tới sự cân bằng cho đội hình của Solskjaer. Man Utd đã qua giai đoạn mòn mỏi đi tìm một tiền đạo có thể ghi 20 bàn mỗi mùa, bởi sự xuất sắc của Bruno Fernandes và Paul Pogba. Cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Juventus cũng không mấy ấn tượng về khả năng pressing hoặc tham gia vào lối chơi chung của toàn đội.
Thay vào đó, Ronaldo giống một cú áp-phe nặng về thương mại, tài chính và tiếp thị của Man Utd. Á quân Ngoại hạng Anh mùa trước đã có thêm hơn một triệu người theo dõi trên Instagram, chỉ vài giờ sau khi công bố hợp đồng với Ronaldo. Bên cạnh đó, sự trở lại của Ronaldo giúp Man Utd phần nào khôi phục uy tín trên sàn chuyển nhượng, đồng thời trở thành hiện thân cho hy vọng rằng Man Utd sẽ trở lại như xưa. Có cảm giác, Ronaldo về Man Utd bằng trái tim, chứ không phải bằng lý trí.
Hơn 10 năm qua, Ronaldo và Messi tự nâng tầm, trở thành phần khác biệt so với thế giới bóng đá còn lại. Nhìn khắp châu Âu bây giờ, chỉ hai CLB thành Manchester, PSG, Chelsea và Real là đủ tiềm lực tài chính để sở hữu cũng như sử dụng những giá trị "mềm" mà bộ đôi siêu sao mang lại. Với phần còn lại, Ronaldo và Messi giống những món hàng xa xỉ - thứ người ta thường tìm cách bán bớt trong thời buổi khốn khó vì Covid-19.
Là HLV đầu tiên cũng là cuối cùng của Ronaldo ở Juventus, Allegri nhận rõ sự thay đổi của CLB ba năm qua, nhất là khi mất tiềm lực để trưng dụng những cầu thủ giỏi. "Có cầu thủ giỏi là điều quan trọng, cũng là sự bảo đảm cho việc cạnh tranh các danh hiệu. Thế giới này đã may mắn tạo ra hai ngôi sao, tỏa sáng đến mức khiến hầu như tất cả mọi người bị mù. Nhưng thế giới ấy đã thay đổi. Lựa chọn của chúng ta, là có muốn tiếp tục làm người mù nữa không mà thôi", ông nói hôm 27/8.
Hoài Không (theo NY Times)