Chủ nhật, 9/8/2020, 13:30 (GMT+7)

Ronaldo trở thành cỗ máy săn bàn như thế nào

Từ một cầu thủ chạy cánh và lạm dụng kỹ thuật, Cristiano Ronaldo dần trở thành kẻ săn bàn thượng thặng ở Anh, Tây Ban Nha rồi Italy.

2002-2006: Cầu thủ chạy cánh

Ronaldo ra mắt đội một Sporting Lisbon năm 17 tuổi, khi vào thay người trong hiệp hai trận thua trên sân nhà trước Partizan ở Cup UEFA. Anh lúc ấy gày nhom, nhăn nhúm trong chiếc áo đấu quá rộng. Nhưng Sporting biết họ sở hữu một tài năng kiệt xuất, dù chưa thể giúp anh ta mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần và cũng không biết cách sử dụng sao cho tốt nhất.

Những kỹ năng rõ ràng nhất của Ronaldo lúc đó đều liên quan đến trọng tâm: tốc độ trong không gian mở, sải chân dài và khả năng chiến thắng trong các tình huống một đấu một. Những phẩm chất khác cũng được Ronaldo bộc lộ rõ ràng. Anh hầu như chơi trung phong thời trẻ, nhưng đá rộng hơn khi lên đội một. "Cho anh ta không gian. Hãy để anh ta thở. Hãy để anh ta tìm thấy mình là ai" ký giả ESPN, Garbiel Marcotti nói về thiên hướng chơi bóng của Ronaldo thời đó.

Hầu hết người hâm mộ đều biết Sir Alex Ferguson quyết tâm như thế nào để ký hợp đồng với Ronaldo sau khi chứng kiến cầu thủ trẻ này thể hiện trong trận giao hữu Sporting - Man Utd vào tháng 8/2003. Nhưng thực tế, Man Utd đã theo dõi Ronaldo suốt thời gian dài trước đó. Trận đấu kể trên chỉ khiến Sir Alex quyết tâm mua bằng được cầu thủ 18 tuổi và đem đến Old Trafford dùng ngay, thay vì cho Sporting mượn thêm một mùa. Sự quyết đoán ấy giúp Man Utd giành được chữ ký của Ronaldo, trước mũi Arsenal, Valencia, Parma và Barca.

Ronaldo đến Old Trafford và được thừa hưởng chiếc áo số 7 từ David Beckham, người mới bị bán sang Real và cũng là hình mẫu để Ronaldo noi theo sau này. Khi đó, Ronaldo hãy còn là tảng đất sét chưa được nhào nặn, nhưng anh háo hức với các thể nghiệm.

Ronaldo được khuyến khích thể hiện bản thân và điều đó dẫn tới việc anh ham rê bóng và đánh bại đối thủ bằng các pha qua người. Những bước chạy ma mị của anh bắt đầu mở rộng và in dấu khắp sân, nhưng thói quen cắm xuống mặt sân khiến Ronaldo bỏ lỡ việc quan sát những bước di chuyển của đồng đội hay tìm ra thời cơ tốt để sút.

Ronaldo từng bị chê là màu mè, ham phô diễn và thiếu quan sát trong giai đoạn đầu ở Man Utd. Ảnh: Reuters.

Ronaldo lúc ấy được xếp đá như một cầu thủ chạy cánh truyền thống. Nhưng kiểu đá của anh khiến các đàn anh ở Man Utd đôi khi thất vọng. "Tại sao cậu đá như ngáo thế nhỉ?", Gary Neville từng mắng. "Đá tốn bóng quá cậu em, ngẩng cái mặt lên nào".

Trung phong Ruud van Nistelrooy là một trong những người khó chịu nhất, khi mất công chạy vào cấm địa đối phương, nhưng bóng rất hiếm khi được câu vào đúng lúc vì Ronaldo bận giật, lắc, xoay, ngoáy ở ngoài biên. Nistelrooy, vì thế, không bao giờ coi đàn em có thể bén gót Beckham.

Số liệu thống kê của Ronaldo tại Ngoại hạng Anh thời đó chỉ giới hạn ở hai mục: bàn thắng và kiến tạo, nhưng chúng chứng thực quan điểm rằng Ronaldo đang phát triển. Trung bình cứ mỗi 90 phút, anh có 0,2 pha kiến tạo và 0,26 bàn thắng, không tính penalty. Đó không phải là hiệu suất tồi với một cầu thủ trẻ.

VCK Euro 2004 mang đến một số liệu thống kê chi tiết hơn về Ronaldo, khi anh 19 tuổi và được sát cánh với thế hệ Vàng của bóng đá Bồ Đào Nha ở giai đoạn thoái trào. Ronaldo, khi đó, đạt tỷ lệ đi bóng nhiều nhất giải đấu (7,79 lần/trận) và thuộc nhóm sút trúng mục tiêu nhiều nhất (4,1 lần/trận). Không giống hầu hết giai đoạn về sau của sự nghiệp, ở Euro 2004, Ronaldo luôn nằm trong nhóm đầu bảng cả về hạng mục tắc bóng để giành bóng có chủ đích và đánh chặn (3,29 lần/trận). Có lẽ, ở sân khấu lớn, với tâm thế đội chủ nhà, Ronaldo có nhiều tự do hơn ở Man Utd - nơi đầy rẫy thành công trước khi anh xuất hiện.

2006-2009: Chủ công của Man Utd

Hè 2006, Man Utd ra quyết định mang tính định mệnh - bán Van Nistelrooy cho Real. Động thái này dọn đường cho sự phát triển hơn nữa không chỉ của Ronaldo, mà còn của Wayne Rooney - một tiền đạo trẻ sinh năm 1985 khác.

Van Nistelrooy khi đó mới 30 tuổi, ghi 150 bàn trên mọi mặt trận trong năm mùa giải gần nhất. Thay vì đưa về một chân sút lừng lẫy khác để thay thế, Sir Alex đặt niềm tin vào toàn bộ dàn cầu thủ tấn công mà ông có ở mùa giải 2006-2007. Và niềm tin ấy được đền đáp.

Bên cạnh Rooney và Ronaldo, cộng thêm Ole Gunnar Solskjaer đã 33 tuổi và chỉ đá dự bị suốt hai năm gần nhất, hàng công mà Sir Alex sử dụng mùa ấy còn có Louis Saha, tiền đạo quen coi bệnh viện là nhà, chỉ ghi được 24 bàn qua hai năm rưỡi tại Man Utd. Và cả một Alan Smith - người vừa dính chấn thương tồi tệ vào tháng 2/2006, chỉ ghi một bàn qua 33 trận gần nhất.

Man Utd không với tới chức vô địch trong ba mùa giải trước đó - đợt hạn hán danh hiệu dài nhất của CLB trong 15 năm tính đến 2006. Ở mùa 2005-2006, họ thậm chí kém nhà vô địch Chelsea tới 14 điểm. Vụ tuyển mộ lớn duy nhất mà Man Utd thực hiện trong hè 2006 là Michael Carrick, tiền vệ trị giá khoảng 16 triệu USD từ Tottenham.

Về cơ bản, Sir Alex trao hàng công cho Ronaldo và Rooney, dù cả hai đều không phải là tiền đạo chính thống, không phải kiểu trung phong cổ điển. Họ hành động theo kiểu kẻ tung - người hứng, cùng quấy phá mọi hàng thủ. Ronaldo bắt đầu khai thác khả năng không chiến, ghi tám bàn bằng đánh đầu ở Ngoại hạng Anh trong ba mùa liên tiếp, và vượt xa số bàn thắng kỳ vọng (xG), với thông số 3,03 khi đó.

Ronaldo thường xuyên được bố trí bên cánh phải đội hình, nhưng thỉnh thoảng lại đá giữa hoặc chuyển sang cánh trái. Anh có thể di chuyển khắp nơi, tạo ra sự bối rối, hỗn loạn và tàn phá cho đối phương. Và từ khi được giao phó nhiệm vụ tấn công, Ronaldo bắt đầu sút nhiều hơn - trung bình hơn năm lần mỗi trận, nhưng con số này tăng lên đều trong thời gian còn lại của anh tại Man Utd.

HLV Alex Ferguson tạo ra một hệ thống giúp Ronaldo lột xác, trở thành cầu thủ tấn công hàng đầu thế giới. Ảnh: Reuters.

Không chỉ vậy, Ronaldo bắt đầu thích sút xa. Trong 527 cú sút của anh trong ba mùa từ 2006-2009, gần 60% được thực hiện từ ngoài 20 mét. Đó là một dấu ấn trong suốt sự nghiệp của Ronaldo cho dù tính hiệu quả của các pha nã đại bác giảm dần theo thời gian. Trong giai đoạn này, khả năng sút phạt của Ronaldo cũng tiến bộ kinh hoàng. Riêng mùa 2006-2007, anh ghi chín bàn từ các pha đá phạt hàng rào trên mọi mặt trận.

Để tối ưu hoá hiệu quả khi Ronaldo chơi tự do, HLV Ferguson lần lượt bổ sung các chân sút mới vào năm 2007 (Carlos Tevez) và 2008 (Dimitar Berbatov). Cả hai đều giúp chia sẻ áp lực ghi bàn, nhưng điều quan trọng nhất, không ai là trung phong cổ điển để có thể cản đường của Ronaldo. Tevez hơi giống Rooney bấy giờ - chăm chỉ, không ích kỷ. Trong khi đó, Berbatov thích tìm cơ hội trong những không gian sâu hơn và thường ưu tiên tìm đồng đội để chuyền bóng hơn là tự ghi bàn.

Những điều chỉnh ấy của Ferguson giúp Man Utd giành ba chức vô địch Ngoại hạng Anh liên tiếp, vô địch Champions League 2007-2008, góp mặt trong một trận chung kết khác, và vào bán kết mùa còn lại. Trong hơn 50 năm qua, Man Utd mới bốn lần đá chung kết Champions League, hoặc năm lần, nếu tính cả giai đoạn giải còn mang tên European Cup (Cup C1), nhưng có đến hai lần diễn ra trong giai đoạn Ronaldo thi đấu.

Thống kê ở giai đoạn 2006-2009 cho thấy Ronaldo đã phát triển vũ bão. Không phải ngẫu nhiên mà ba năm cuối của anh ở Man Utd, khi Ronaldo được chỉ định "gánh team", cũng là ba năm huy hoàng bậc nhất lịch sử CLB.

2009-2014: Cỗ máy săn bàn

Lời hứa của Ferguson giúp Ronaldo hoàn thành ước nguyện gia nhập Real Madrid trong hè 2009. Ronaldo trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới lúc ấy, và tham gia kỳ mua sắm rầm rộ nhất của Real trong kỷ nguyên hiện đại với khoản kinh phí kỷ lục.

Ronaldo gia nhập Real với tư cách cầu thủ đắt giá nhất thế giới và ra mắt trên sân Bernabeu hè 2009. Ảnh: Reuters.

Ngoài Ronaldo với giá 110 triệu USD, Real còn chiêu mộ Kaka, Karim Benzema, Xabi Alonso và Raul Albiol... để hoàn tất hoá đơn 1 tỉ USD tuyển quân cho tân HLV Manuel Pellegrini. Sự trở lại của nhà tài phiệt xây dựng Florentino Perez trên cương vị Chủ tịch mở ra một kỷ nguyên "Galacticos 2.0" cho Real, sau phiên bản đầu với những Zinedine Zidane, Luis Figo và Ronaldo "béo", David Beckham, Steve McManaman...

Việc nhồi nhét quá nhiều ngôi sao mới cộng với nhóm sao cũ vào tay một HLV còn khiêm tốn về tên tuổi như Pellegrini là không hợp lý. Nhiệm vụ của HLV này trở nên khó khăn hơn khi phải đối đầu với Barca của HLV Pep Guardiola đang bước vào thời kỳ hoàng kim. Real về nhì La Liga 2009-2010, nhưng lại bị hất văng khỏi Champions League từ vòng 1/8. Tệ hơn, họ đứng bét bảng La Liga về chỉ số chất lượng của pha dứt điểm với xG chỉ là 0,06. Real năm đó là những nhóm cá nhân hơn là một tập thể đồng nhất.

Ronaldo lại đứng lên nhận trách nhiệm "gánh team" như hồi ở Man Utd. Anh tích cực sút, chăm chỉ rê dắt bóng và tấn công ở cả ba phía: bên phải, bên trái và trung tâm. Ronaldo kết thúc mùa đầu tiên cùng Real với 33 bàn, trong đó 26 bàn ở La Liga, chỉ kém Gonzalo Higuain một bàn.

Mọi thứ thay đổi khi Jose Mourinho đến thay Pellegrini. Mối quan hệ giữa bộ đôi người Bồ Đào Nha nhanh chóng thăng hoa, và "Người Đặc Biệt" tìm thấy cho Ronaldo một vị trí thích hợp nhất: chuyên hoạt động bên cánh trái và thoải mái xâm nhập vào trung tâm. Ronaldo vẫn sút rất nhiều - trung bình 6,91 lần mỗi trận trong suốt ba mùa giải do Mourinho huấn luyện. Nhưng chất lượng các cú sút đã tốt hơn. Hiệu suất giữa số bàn thắng kỳ vọng và số lần sút của Ronaldo tăng gấp đôi mùa trước, lên mức 0,12.

Triết lý bóng đá của Mourinho ít dựa trên lối chơi sở hữu bóng như với Pellegrini. Và Ronaldo thì phát triển mạnh mẽ nhờ khả năng di chuyển nhanh, chạy chỗ linh hoạt, và đột biến trong không gian hẹp. Anh thường đổi chỗ với Higuain hoặc Benzema.

Higuain chính là một tiền đạo chuẩn mực trong vòng cấm, nhưng có kỹ thuật và tầm nhìn để thiết lập mối cộng tác với các tiền vệ cánh và tiền vệ, nhằm tạo ra nhiều tình huống sút bóng hơn. Trong khi đó, Benzema hơi giống Tevez và Rooney ở Man Utd, khi bao phủ các khu vực rộng lớn của hàng công, chạy không biết mệt, cho phép Ronaldo thoải mái hoạt động. Họ sẽ tạo thành "song sát" khủng khiếp trong phần lớn thập niên 2010 của Real.

Ronaldo vẫn còn rất hấp dẫn với sân khấu thị phi, nhưng tính cách kỳ dị của HLV Mourinho như ánh đèn cao áp thu hút hết mọi bọ, bướm, thiêu thân trong giới truyền thông. Nhờ đó, cuộc sống cá nhân của Ronaldo cũng ổn định hơn. Anh có mối quan hệ tình ái bền vững bên người đẹp Nga Irina Shayk, rồi làm bố đơn thân với phương pháp thuê đẻ. Khi bước vào giai đoạn giữa của sự nghiệp, Ronaldo trở nên bận bịu với việc giữ gìn và phát triển hình thể ở mức tốt nhất.

Làm việc với HLV thể lực của Real Madrid Valter Di Salvo, Ronaldo đã phát triển và thực hiện một chương trình tập luyện nghiêm ngặt bao gồm dinh dưỡng, tập luyện và ngủ nghỉ. Tất cả được theo dõi cẩn thận, từ vụn thức ăn đến phút phục hồi.

Chính trong giai đoạn 2009-2014, cơ thể của Ronaldo trở nên săn chắc, cơ bắp cuồn cuộn, với cái bụng sáu múi lừng danh. Anh tuân thủ chế độ tập luyện gym kinh khủng, khiến những tay chuyên nghiệp cũng phải lắc đầu, lè lưỡi.

Trên sân cỏ, các màn trình diễn của Ronaldo cũng đạt mức tinh tuý hơn, hiệu quả hơn và nhiều chức năng hơn. Món rê dắt sở trường đã giảm dần theo từng năm, từ mức trung bình 6,26 lần mỗi trận trong mùa 2009-2010, xuống còn 3,93 trong mùa 2012-1013.

Ngược lại, khả năng ghi bàn của anh lại tăng chóng mặt. Trong ba mùa dưới trướng Mourinho (từ 2010-2013), Ronaldo thật sự trở thành một cỗ máy săn bàn, với trung bình 30 bàn từ bóng sống mỗi mùa.

Mùa 2012-2013 cũng làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Ronaldo. Trong khi Mourinho căng thẳng gây chiến với giới truyền thông, các cầu thủ cứng đầu và các CLB đối địch, dẫn đến kết cục Real kém nhà vô địch Barca 15 điểm, Ronaldo đã trở thành tiếng nói quan trọng trong phòng thay đồ. Anh đứng lên bảo vệ các đồng đội, sẵn sàng đối đầu HLV mà chẳng lo bị làm sao do cả hai có chung một người đại diện: siêu cò Jorge Mendes.

Hè 2013, Real đón thêm Gareth Bale, người có mức giá chuyển nhượng cao hơn một chút so với Ronaldo. Nhưng Ronaldo vẫn cứ là trung tâm của đội bóng, điềm nhiên nhìn Bale thi đấu ở bên cánh đối diện.

Tân HLV Carlo Ancelotti đã cố gắng giữ lại các phần cơ bản trong nền tảng của Mourinho, chỉ thêm một số tinh chỉnh của riêng ông. HLV người Italy cho bộ ba "BBC" gồm Bale, Benzema và Cristiano Ronaldo hoạt động tự do hơn. Và do Mesut Ozil đã bị bán cho Arsenal, trong khi Higuain tới Napoli, Benzema trở thành trung phong chính thức.

Ronaldo hoạt động nhiều hơn trong vòng cấm địa. 2013-2014 là mùa đầu tiên anh dứt điểm trong khu vực 16m50 nhiều hơn các pha nã đại bác từ bên ngoài vòng, đồng thời tăng cường các pha rê dắt. "BBC" được hỗ trợ bởi một hàng tiền vệ chăm chỉ gồm Luka Modric, Angel Di Maria và Alonso.

Nhờ đó, vào tháng 5 năm 2014, Real đã hoàn tất cú Decima, đoạt chiếc Cup C1/Champions League thứ 10 trong lịch sử.

2014-2016: Trung phong

2013-2014 được cho là mùa giải hay nhất trong sự nghiệp của Ronaldo. Đến giữa mùa đó, ở La Liga, anh đã ghi 22 bàn, cộng thêm chín bàn nữa ở Champions League. Nhưng chứng viêm gân xương bánh chè ở đầu gối lại bùng phát và hành hạ Ronaldo dai dẳng.

Ronaldo phải bỏ vài trận trong tháng 2 và tháng 4/2014, cộng thêm ba trận ở tháng 5 trước khi trở lại ở trận chung kết Champions League. Anh vẫn khăng khăng thi đấu bất chấp chấn thương và hiệu suất ghi bàn vẫn rất cao. Nhưng đến World Cup 2014, hậu quả đã xuất hiện. Ronaldo chỉ ghi một bàn, và Bồ Đào Nha bị loại từ vòng bảng.

Khi trở lại sân cỏ mùa 2014-2015, anh đã hoàn toàn phục hồi và lột xác. Hầu như, Ronaldo chẳng bỏ lỡ trận đấu nào nhờ cơ thể lại tiến hoá một lần nữa. Cơ bắp cuồn cuộn vẫn còn, nhưng Ronaldo bắt đầu giảm cân, có thân hình thon gọn hơn, nhằm giảm tải cho đầu gối.

Ronaldo dần trở thành một trung phong. Anh vượt trội về thể lực đàn áp các hậu vệ cánh, đồng thời vẫn rất nhanh nhẹn để vượt qua các trung vệ. Đó không phải là kết quả kiểu "mỳ ăn liền", mà là thành quả từ cả một quá trình dài khổ luyện. Trong mùa 2014-2015, Ronaldo chỉ 3,62 lần rê bóng mỗi trận - thông số thấp nhất trong sự nghiệp, và chỉ thành công chưa đến 50%.

Ronaldo dần chơi như một trung phong ở Real trong giai đoạn 2014-2016. Ảnh: Reuters.

Cái đầu gối vẫn gây phiền toái, và có thể nhìn thấy rõ khi Ronaldo hoạt động không bóng. Ronaldo chưa bao giờ được coi là mẫu cầu thủ chịu khó đoạt lại sau khi mất bóng. Ở mùa 2014-2015, anh chỉ thực hiện 0,34 pha tắc bóng trong mỗi 90 phút, đội sổ ở hạng mục thống kê này tại La Liga. Nhưng Ronaldo lại di chuyển hệt như một trung phong mỗi khi Real có bóng.

Khi còn ở Man Utd, 60% cú sút của Ronaldo là ngoài vòng 16m50, nhưng bây giờ, mọi thứ đảo ngược với 60% cú sút xuất hiện trong vòng cấm địa. Khả năng dứt điểm và sở trường đánh bại các hậu vệ của Ronaldo đã tạo ra sự khác biệt, thể hiện qua 48 bàn ở La Liga (trong tổng số 61 bàn trên mọi mặt trận), trong đó 38 bàn từ các pha bóng sống - tốt nhất sự nghiệp - ở mùa 2014-2015.

Xu hướng ấy tiếp tục xuất hiện ở mùa giải tiếp theo dưới thời HLV Rafa Benitez, người có mâu thuẫn với Ronaldo và bị sa thải vào tháng 1/2016. Dù thế, anh vẫn tạo ra một mùa giải ấn tượng khác, với 29 bàn từ các pha bóng sống, sút trung bình sáu lần mỗi trận và số bàn thắng kỳ vọng là 0,14.

Ronaldo đã tinh chỉnh, nâng hoạt động của anh trong cấm địa lên tới mức nghệ thuật thượng thừa, đồng thời phát triển kỹ năng đánh hơi cơ hội nhạy bén. Anh như biết được quả bóng sẽ xuất hiện ở đâu, có thể ngửi mùi của bàn thắng.

Ronaldo tiếp tục rê bóng ít hơn so với các mùa giải trước, chủ yếu vì đang hoạt động rất gần với khung thành. Anh ghi 16 bàn ở Champions League và sau khi Zinedine Zidane thay thế Benitez, Real vô địch Champions League vào tháng 5/2016.

2016-nay: Bền bỉ

Ronaldo rồi cũng đoạt danh hiệu lớn trong màu áo tuyển Bồ Đào Nha, khi vô địch Euro 2016, dù anh chỉ đá 25 phút trong trận chung kết rồi rời sân vì chấn thương đầu gối. Cái gối phản phúc không chỉ buộc Ronaldo phải nghỉ ở những trận tập huấn trước mùa, mà còn ở những vòng đầu tiên của mùa giải mới 2016-2017.

Hai mùa giải tiếp theo chứng kiến thành công rực rỡ của Real. Với dàn cầu thủ hầu như không thay đổi, Real tiến vào hai trận chung kết Champions League nữa, và hoàn tất hat-trick vô địch vào mùa 2017-2018. Xen giữa đó, họ giành thêm chức vô địch La Liga 2016-2017.

Đến giai đoạn này, Ronaldo đã chớm ở độ tuổi 30 và cùng với nhiều đồng đội, anh phải dựa vào sự thông minh, kinh nghiệm, kỹ thuật hơn là thể lực. Là một đội, họ cảm thấy như thể đang đi trong hành trình đã định tuyến rõ ràng và chỉ cần thăng hoa khi cần thiết. Đó là thứ bóng đá của các cựu binh.

Ronaldo rất phù hợp với hệ sinh thái mới này. Nếu chỉ tính từ các pha bóng sống, mùa 2016-2017, anh ghi 19 bàn từ các pha bóng sống - thấp nhất kể từ khi đến Bernabeu. Mùa sau, anh chỉ ghi 23 bàn, mức thấp thứ ba. Tần suất những cú sút của Ronaldo đã giảm xuống còn 5,88 trong hai năm, thấp nhất kể từ khi đến Real. Hơn nữa, Ronaldo hiếm khi rê bóng (2,39 lần) và tỷ lệ thành công cũng rất thấp (0,99 lần). Tương tự, anh hiếm khi sút xa, với trung bình 43,5 lần ở mỗi mùa, ít hơn bất kỳ mùa nào trong thập kỷ trước. Ronaldo đã không hiệu quả trong những pha không chiến, chỉ ghi bàn bằng đầu ba lần.

Ronaldo trong trận chung kết Champions League 2017 mà anh ghi hai bàn góp công giúp Real thắng Juventus 4-1. Ảnh: Reuters.

Nhưng đó không hẳn là sự giảm sút nghiêm trọng, nếu nhìn vào số bàn thắng và phong độ ghi bàn của Ronaldo. Xét ở năm giải VĐQG hàng đầu châu Âu, 86 bàn trên mọi mặt trận của anh trong hai mùa (2016-2017 và 2017-2018) chỉ kém thành tích Lionel Messi. Đồng thời, vị thế thủ lĩnh của Ronaldo vẫn là không bàn cãi, và anh vẫn thường xuyên toả sáng vào những thời điểm quan trọng.

Giai đoạn knock-out Champions League mùa 2016-2017 vẫn ghi nhận những màn trình diễn đỉnh cao của Ronaldo. Anh nã năm bàn vào lưới Bayern trong hai lượt trận tứ kết, lập hat-trick vào lưới Atletico Madrid ở bán kết, rồi góp cú đúp khi Real hạ Juventus trong trận chung kết.

Cũng mùa đó, Ronaldo ghi được năm bàn trong năm trận đấu liên tiếp ở La Liga. Real, nhờ đó, đứng dậy rất nhanh sau thất bại dưới tay Barca ở El Clasico rồi vượt qua đại kình địch để vô địch La Liga với ba điểm nhiều hơn.

Sang mùa 2017-2018, Ronaldo cũng năm lần chọc thủng lưới PSG và Juventus ở giai đoạn knock-out trên hành trình cùng Real vô địch Champions League năm thứ ba liên tiếp. Tại World Cup 2018 trên đất Nga, hat-trick của Ronaldo trong trận mở màn gặp Tây Ban Nha giống như một lời nhắc nhở khác về những gì anh có thể làm khi đạt 100% phong độ.

Từ Nga trở về sau khi tuyển Bồ Đào Nha bị loại ở vòng 1/8, Ronaldo rời Real để gia nhập Juventus. Lúc này, anh đã 33 tuổi, và đây là một quyết định chuyển đổi khó khăn, sau khi Ronaldo trải qua chín năm rực rỡ với một CLB hàng đầu thế giới.

Vấn đề không chỉ là việc phải thích nghi với Serie A. Thách thức còn đến từ việc Ronaldo phải thích nghi với một đội bóng rất thành công ở các giải quốc nội, nhưng lối chơi lại hoàn toàn khác với bộ kỹ năng của anh.

Allegri (giữa) không thể giúp Ronaldo thích nghi hoàn toàn vào môi trường mới ở Juventus. Ảnh: Reuters.

Real dưới thời Zidane và Juventus dưới thời Max Allegri ở mùa 2017-2018 là những thực thể rất khác nhau. Real sút nhiều hơn 4,2 lần ở mỗi trận và có số bàn thắng kỳ vọng cao hơn 30%. So với Juventus, Real tạo sức ép trên cao nhiều hơn và tạo ra nhiều cơ hội hơn từ lối chơi này.

Allegri nhận nhiệm vụ biến đổi phong cách của Juventus phù hợp với Ronaldo trong khi vẫn phải đảm bảo thành tích thi đấu. Nhưng các chỉ số chuyên môn của Ronaldo đã giảm sút, dù Juventus vẫn vô địch một cách dễ dàng.

Hè 2019, Maurizio Sarri thay Allegri. Trên lý thuyết, Sarri là một HLV có thiên hướng tấn công nên phù hợp hơn với Ronaldo. Tuy nhiên, sau năm năm dưới thời Allegri, toàn đội Juventus đã gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi, và Sarri đang phải rất vất vả để xây dựng đội hình theo ý ông.

Hồi đầu mùa 2019-2020, Sarri nói rằng Ronaldo "không cần phải lo lắng" về các chỉ dẫn chiến thuật, mà thay vào đó, các cầu thủ khác của Juventus sẽ phải thay đổi để phù hợp với Ronaldo. Nhưng thực tế cho thấy đó dường như không phải là ý tưởng tuyệt vời của nhà cầm quân này.

Sự kết hợp đó - một đội bóng bất ổn, vừa thay HLV, một triết lý bóng đá khác xa với Real - đã làm Ronaldo chệch hướng. Trước khi Serie A dừng thi đấu hồi tháng Ba vì Covid-19, tỷ lệ các bàn thắng, không tính penalty, của Ronaldo (0,50 bàn mỗi 90 phút ở mùa trước và 0,60 ở mùa giải này) giảm rất mạnh.

Tổng số cú sút của Ronaldo cũng giảm nhiều (tương ứng với 5,36 và 5,44); và hệ số bàn thắng kỳ vọng (tương ứng với 0,60 và 0,48) đã giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ khi anh bắt đầu khoác áo Real. Tỷ lệ sút xa ở mùa trước chiếm 37,7% nhưng hiệu suất ăn bàn rất thấp - chỉ một bàn sau 112 cú sút ngoài khu vực 6m50.

Ronaldo lập cú đúp, nhưng không cứu nổi Juventus ở vòng 1/8 Champions League.

Mặt khác, những cú chạm của Ronaldo trong vòng cấm đang tăng lên (8,44 cú mỗi 90 phút ở mùa trước và 13,43 ở mùa này), cao hơn bao giờ hết. Điều đó cho thấy các đồng đội rất quyết tâm đưa bóng tới chân Ronaldo, nhưng anh lại không thể chuyển hoá thành bàn thắng nhiều như trong quá khứ.

Juventus rất khó thay đổi lối chơi để phù hợp với Ronaldo bất chấp những sự thay đổi về cầu thủ đá cùng và HLV. Nhưng điều đó cũng là bởi Ronaldo đang già đi, không còn đạt ngưỡng siêu phàm của các mùa giải trước.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để Ronaldo sẽ thích nghi với "điều bình thường mới" này, và đến bao giờ Juventus sẽ được tận hưởng đỉnh cao của Ronaldo trong vai trò trung phong lệch phải hoặc ở một vị trí hoàn toàn mới mẻ, khi anh đã 35 tuổi. Sau 18 năm thăng tiến phi thường, Thời Gian dường như cũng đã bắt được Ronaldo!

Trâm Anh (theo ESPN)