Ngày 20/8/2003, Bồ Đào Nha đá giao hữu với Kazakhstan trên sân Municipal Engenheiro Manuel Branco Teixeira thuộc vùng Chaves, chỉ cách biên giới Tây Ban Nha một vài dặm. Thay vì chơi tại thủ đô Lisbon, đội tuyển lên tít phía Bắc, hệ quả của giải đấu đáng thất vọng một năm trước đó.
Tại World Cup 2002, Bồ Đào Nha bị loại ngay từ vòng bảng sau khi thua đồng chủ nhà Hàn Quốc. Hình ảnh đội bóng còn thêm phần xấu xí với hai tấm thẻ đỏ và sự thô bạo của Joao Pinto. Khi về nước, đội chủ nhà Euro 2004 trải qua một chuỗi trận giao hữu vô nghĩa, trận sau ít khán giả hơn trận trước.
Hiệp đầu với Kazakhstan diễn ra nhàm chán với tỷ số hòa 0-0. Thế rồi một sự thay đổi người thổi luồng sinh khí mới vào trận đấu. Ngôi sao lớn nhất của bóng đá Bồ Đào Nha khi ấy là Luis Figo rời sân, nhường chỗ cho cầu thủ 18 tuổi Cristiano Ronaldo lần đầu ra mắt đội tuyển. Cầu thủ Real Madrid dặn dò người đàn em: "Cứ bình tĩnh, hãy cứ chơi bóng như thể đang ở CLB là ổn".
Ronaldo đã làm đúng như vậy. Chỉ hai phút sau khi vào sân, anh khiến người hâm mộ phấn khích khi cướp bóng từ giữa sân, rê gần tới khung thành và sút bóng chệch cột gang tấc. Ba phút sau, anh một lần nữa thoát khỏi hậu vệ theo kèm và áp sát vòng cấm. Năm phút từ khi vào sân, cầu thủ trẻ này đã khiến khán giả hô vang: "Ro-nal-do! Ro-nal-do!".
Bồ Đào Nha thắng 1-0 và Ronaldo được trao giải "Cầu thủ hay nhất trận". Đó là khởi đầu của chàng trai sẽ trở thành cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha. Người cũng có mặt tối hôm đó trong đội hình Bồ Đào Nha Fernando Meira nói với FourFourTwo: "Cậu ấy đã đặt mục tiêu trở nên vĩ đại từ khi đó. Ronaldo muốn trở thành người nhanh nhất, khỏe nhất, ghi bàn nhiều nhất. Cậu ấy muốn trở thành số một trên mọi phương diện".
17 năm kể từ ngày đó, Ronaldo đã đạt thành công trên mọi khía cạnh: CLB và đội tuyển. Anh sở hữu năm Quả Bóng Vàng, năm chức vô địch Champions League, là người hùng quốc gia với chức vô địch Euro 2016, là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử Champions League. Và không lâu nữa, anh sẽ là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất ở cấp độ ĐTQG.
Chuyên nghiệp hơn cả cầu thủ chuyên nghiệp
Ngay từ trước khi lên chơi ở đội tuyển, Ronaldo đã cho thấy tiềm năng ở đẳng cấp cao nhất. Trong trận vòng loại U21 Euro tháng 3/2003 tại Rio Maior, tuyển Anh thất bại 2-4 trước Bồ Đào Nha. U21 Anh ngày ấy sở hữu những tuyển thủ sau này như Joe Cole, Jermain Defoe, Michael Carrick hay Gareth Barry, song vẫn bị bộ đôi Ronaldo và Ricardo Quaresma khuất phục.
Thành viên đã giải nghệ của U21 Anh David Prutton kể: "Chúng tôi vất vả, vì không có những hảo thủ như Ronaldo hay Quaresma như họ. Chúng tôi đã nghe về Ronaldo trước trận đấu, và anh ấy đúng như lời đồn. Ronaldo còn rất trẻ nhưng có đôi chân cực nhanh và một cá tính không thể trộn lẫn. Có một khoảnh khắc đặc biệt, khi tôi và một vài cầu thủ khác vây quanh Ronaldo ở đường biên. Chẳng còn đường nào thoát, ấy vậy mà Ronaldo vẫn vượt qua được và khiến tôi không hiểu làm sao anh ấy làm được như vậy. Đó là lúc bạn nhận ra mình đang đối đầu với một người rất, rất đặc biệt".
Mùa hè năm ấy, Ronaldo giúp U20 Bồ Đào Nha vô địch giải trẻ Toulon Tournament. Phân nửa các đại gia châu Âu cử tuyển trạch viên tới quan sát Ronaldo – tài năng trẻ đã vượt qua vấn đề tim đập nhanh ở tuổi 15 để vươn lên đội một Sporting Lisbon mùa giải 2002-2003. Arsenal là đội sốt sắng nhất và người đại diện Jorgen Mendes thậm chí từng thu xếp để Ronaldo bí mật tới thăm sân tập của họ tháng 1/2003 và gặp gỡ HLV Arsene Wenger.
Ronaldo kể lại: "Chúng tôi ở trong xe hơi, và Jorge nhắc đi nhắc lại rằng tôi phải che mặt để chắc chắn không ai nhìn thấy tôi. Cứ năm phút ông ấy lại gọi một lần để dặn kỹ phải cẩn thận với mọi người xung quanh". Nhưng Arsenal không tìm được tiếng nói chung với Sporting, trong khi HLV Gerard Hollier của Liverpool từ chối đáp ứng mức lương mà Mendes đề xuất. Barca cũng quan tâm, nhưng cuối cùng lại chọn Quaresma, người hơn Ronaldo hai tuổi và giàu kinh nghiệm hơn.
Khi đó, Quaresma cũng được một số người đánh giá là giỏi hơn Ronaldo. Chuyên viên báo chí của Bồ Đào Nha đã trầm trồ khen ngợi với tuyển trạch viên trưởng Aurelio Pereira: "Tôi đã xem Quaresma tập luyện hôm nọ, và cậu ấy sẽ trở thành một hiện tượng". Nhưng Pereira đáp lại: "Người sẽ thành công là cậu nhóc Cristiano Ronaldo từ Madeira cơ. Thằng bé cực kỳ chuyên nghiệp. Ở tuổi 16, nó còn chuyên nghiệp hơn cả những cầu thủ chuyên nghiệp".
Quaresma rời Sporting Lisbon khi đội bóng này chào đón tân HLV Fernando Santos - người về sau dẫn dắt Bồ Đào Nha tới vinh quang tại Euro 2016. Ông sớm lên kế hoạch đặt Ronaldo làm trung tâm của Sporting, nhưng kế hoạch này phá sản sớm hơn dự tính.
Một trong những người hâm mộ tài năng của Ronaldo là Carlos Queiroz – trợ lý của Sir Alex Ferguson tại Man Utd. Chính ông thuyết phục Man Utd hợp tác với Sporting và tới đá trận giao hữu khai trương sân mới Jose Alvalade của Sporting ngày 6/8/2003. Các nhà ĐKVĐ Ngoại hạng Anh bay thẳng từ Mỹ tới Bồ Đào Nha, sau khi đã hạ cả Juventus lẫn Barca trong chuyến du đấu hè. Nhưng Man Utd còn mệt mỏi sau một chuyến bay đường dài, và Ronaldo sớm khiến họ phải trả giá.
Quinton Fortune - thành viên của Man Utd thua trận 1-3 ngày hôm ấy kể lại: "Tôi hoàn toàn không biết gì về Ronaldo trước trận đấu đó và phải thốt lên ‘Ối’. Cậu ấy chơi tuyệt hay và tôi thấy mình may mắn khi chơi ở cánh trái còn John O’Shea phải đá hậu vệ phải và đối đầu với Ronaldo. Tôi chỉ mong cậu ấy không... đảo cánh. Cậu ấy thi triển đủ mọi thứ: đảo chân, kiến tạo, đi bóng như chỗ không người. Sau trận đấu, chúng tôi nhìn nhau trong phòng thay đồ và tự hỏi: ‘Quái nhân phương nào vậy?’".
Man Utd đã đàm phán để ký hợp đồng với Ronaldo từ trước trận đấu, và định đem cho Sporting mượn lại anh trong 12 tháng đầu. Nhưng tới giờ giải lao, Sir Alex đổi ý và muốn có Ronaldo ngay lập tức. Ông yêu cầu nhân viên gọi Giám đốc Điều hành Peter Kenyon xuống sân và khẳng định "sẽ không rời sân chừng nào chưa ký được hợp đồng với Ronaldo".
Sau trận, cả đội Man Utd ngồi chờ trên xe buýt hơn một tiếng, trong lúc Ferguson và Kenyon đàm phán riêng với Ronaldo để thuyết phục anh gia nhập đội bóng Anh. Roy Keane chia sẻ hài hước: "Chúng tôi đùa rằng John O’Shea đã giúp ký hợp đồng nhờ chơi như gã hề hôm ấy".
Mất đi Ronaldo là một đòn đau đối với HLV Santos, khi ông buộc phải thay đổi lại toàn bộ sơ đồ và kế hoạch cho mùa giải mới: "Tôi đang xây dựng đội bóng quanh cậu ấy thì thương vụ diễn ra. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cầu thủ 18 tuổi với tiềm năng lớn đến nhường ấy". Cuối mùa đó, Sporting chỉ về thứ ba tại Bồ Đào Nha, còn Santos bị sa thải.
Chỉ 10 ngày sau trận giao hữu trên, Ronaldo đã ra mắt trong màu áo Man Utd. Dù chỉ đá nửa tiếng cuối trước Bolton, anh vẫn nhận danh hiệu "Cầu thủ hay nhất trận". Vài ngày sau đó là màn ra mắt đội tuyển trước Kazakhstan. Đồng đội Nuno Valente khẳng định: "Tất cả chúng tôi đều biết về tiềm năng của cậu ấy. Khi còn chơi cho Uniao de Leiria, chúng tôi từng làm khách của Sporting. Cả đội đều tới sớm và quyết định thử xem một trận đấu U19. Ai cũng tự hỏi: ‘Thằng nhóc này là ai vậy?’. Ronaldo đã nổi bật từ khi ấy. Trước khi ra mắt trước Kazakhstan, cậu ấy rất lo lắng vì muốn tranh suất dự Euro 2004. Ronaldo rất hồi hộp và trông đợi được chứng tỏ mình có thể trở thành một lựa chọn cho giải đấu tại quê nhà".
Bất chấp sự hồi hộp ấy, Ronaldo vẫn tự tin đứng lên tự giới thiệu về bản thân theo truyền thống của tuyển Bồ Đào Nha với các tân binh. Anh nói nhiều tới mức các đàn anh phải bảo: "Thôi được rồi nhóc, ngồi xuống đi".
Khi Ronaldo dần trở thành một thành viên quen thuộc của đội tuyển, mọi người bắt đầu nhận ra thói quen thích cạnh tranh của anh. Meira kể lại: "Cậu ấy chơi bóng bàn rất cừ. Hồi mới tới Man Utd, cậu ấy từng thua một trận với Rio Ferdinand và bị đồng đội trêu chọc. Kết quả là anh chàng này không chơi thêm trận nào trong nhiều tháng và tự mua một chiếc bàn để tập luyện ở nhà. Khi lên tuyển, cậu ấy chiến thắng tất cả".
Tiền vệ Maniche hé lộ sự ám ảnh về chiến thắng trong mọi trò chơi của Ronaldo, giống siêu sao bóng bầu dục Tom Brady: "Cậu ấy thường dành thời gian với tôi và Deco. Nếu chúng tôi chơi bài thì dù đã muộn, cậu ấy vẫn sẽ cố gỡ lại nhiều nhất có thể những ván đã thua".
Bàn thắng đầu tiên của Ronaldo cho Bồ Đào Nha diễn ra trong trận khai mạc Euro 2004, khi đội quân của HLV Luiz Felipe Scolari bị Hy Lạp dẫn trước. Cú đánh đầu ở phút bù giờ của cầu thủ tuổi teen này chỉ mang ý nghĩa an ủi chứ không giúp đội nhà tránh được thất bại. Nhưng trong những trận sau đó, Ronaldo chiếm được vị trí của Simao Sabrosa ở hành lang cánh. Anh chơi ấn tượng và có thêm một bàn thắng bằng đầu vào lưới Hà Lan tại bán kết, đưa Bồ Đào Nha tới trận đấu cuối cùng. Nhưng một lần nữa, Hy Lạp lại khiến đội chủ nhà ôm hận với thất bại 1-0. Giải đấu lớn đầu đời của Ronaldo kết thúc bằng những giọt nước mắt và một suất trong "Đội hình tiêu biểu" của UEFA.
Chạm đẳng cấp thế giới
Kể từ sau Euro 2004, Ronaldo luôn có mặt trong đội hình chính mỗi khi khỏe mạnh. Đó cũng là giai đoạn Ronaldo phải cố gắng hòa nhập với tập thể. Valente kể lại: "Đôi khi cậu ấy chơi hơi cá nhân và không phù hợp với kế hoạch chúng tôi đã đặt ra. Cả đội đã nói rất nhiều về việc này và dặn Ronaldo phải chọn thời điểm để rê bóng hay chuyền". Điều tương tự cũng diễn ra tại Man Utd. Khi mới về sân Old Trafford, Ronaldo còn được châm chước những năm đầu. Tới mùa giải thứ ba, sự kiên nhẫn cạn dần đi.
Fortune lý giải: "Ban đầu, cậu ấy chỉ muốn thể hiện kỹ thuật, đánh bại và làm đối thủ mất mặt. Điều khiến cậu ấy khác biệt với những cầu thủ trẻ khác là sự tự tin tuyệt đối vào bản thân, như thể Muhammad Ali. Ngày đầu tiên đặt chân tới CLB, dù tiếng Anh còn chưa tốt, cậu ấy đã khẳng định: 'Tôi là người giỏi nhất'. Sau các buổi tập, cậu ấy đeo tạ chân và tập đảo chân, để đến khi vào trận đấu, bạn có thể tưởng tượng hiệu quả ra sao khi bỏ tạ. Đôi lúc, chúng tôi còn phải kéo cậu ấy ra khỏi phòng gym".
"Nhưng cậu ấy mất một thời gian để nhận ra rằng mình cần sử dụng kỹ năng để đem lại sự hiệu quả: tạt bóng kiến tạo hoặc ghi bàn. Các cầu thủ dần cảm thấy phát ngán và nghĩ rằng Ronaldo cần đem lại cái gì đó từ những pha đảo chân như rang lạc ấy. Một số đồng đội thậm chí còn tắc bóng mạnh với Ronaldo khi tập luyện và gửi thông điệp: 'Cậu là một cá nhân tuyệt vời nhưng vẫn là một phần của tập thể. Cậu cần học cách chơi bóng với chúng tôi'. Đó là lời cảnh tỉnh để Ronaldo nhận ra mình cần chơi nhanh hơn, nếu đã vượt qua một cầu thủ thì không cần quay lại để vờn anh ta lần nữa. Một khi cậu ta hiểu ra điều đó, đối thủ coi như tiêu tùng!".
Bước ngoặt là World Cup 2006. Chín tháng trước đó, cha của Ronaldo đã qua đời. Hung tin này được HLV Luiz Felipe Scolari chia sẻ trong khách sạn khi Bồ Đào Nha đang chuẩn bị gặp Nga tại Moscow. Ronaldo từ chối được đặc cách về nhà và muốn ra sân để tưởng nhớ cha mình. Động lực đó được giữ nguyên tại World Cup, như cách anh chỉ tay lên trời để ăn mừng cú sút luân lưu quyết định tiễn Anh về nước tại vòng tứ kết.
Song những gì người ta nhớ đến về Ronaldo không phải màn trình diễn ấn tượng đủ để cạnh tranh giải "Cầu thủ trẻ hay nhất World Cup" cùng Lukas Podolski. Thay vào đó, ấn tượng về Ronaldo chỉ là việc anh tố trọng tài về pha phạm lỗi của Wayne Rooney và nháy mắt sau khi đồng đội tại Man Utd bị đuổi. Valente cho rằng một thành viên của Bồ Đào Nha ở ngoài sân đã dặn dò chiến thuật Ronaldo và cầu thủ này ra dấu "Ok" và nháy mắt ra hiệu đã hiểu. Nhưng tại Anh, Ronaldo trở thành kẻ thù của dư luận.
Những chiếc áo "Tôi ghét Ronaldo" và bảng phi tiêu in hình mặt anh bán chạy, và Ronaldo luôn bị la ó trong các trận đá sân khách. Thay vì suy sụp, anh lại nhún vai: "Họ đang cố làm tôi mất tập trung, và họ chỉ làm vậy với những cầu thủ giỏi đúng không?". Hai năm sau đó ghi nhận phong độ kinh khủng của Ronaldo với 23 bàn thắng mùa 2006-2007, 42 bàn mùa 2007-2008, hai chức vô địch Ngoại hạng Anh liên tiếp cùng danh hiệu Champions League sau gần một thập niên chờ đợi.
"World Cup 2006 là bước ngoặt với cậu ấy. Tại Anh, cậu ấy thường xuyên bị chỉ trích vì lối chơi cá nhân nhưng tôi nghĩ nó đã giúp cậu ấy nhiều. Theo thời gian, cậu ấy nhận ra điều gì tốt cho mình và đặt mục tiêu rõ ràng trên sân: ghi bàn thắng", Valente bình luận.
Tuy nhiên, phong độ siêu hạng của Ronaldo tại cấp CLB không được tái hiện tại đội tuyển. Hệ thống của Bồ Đào Nha rất kỷ luật, trái với sự linh hoạt trên hàng công của Man Utd. Cuối cùng, anh ấy đành phải tự mình làm hết trên đội tuyển.
Ronaldo bước vào Euro 2008 với kỳ vọng gánh đội nhà tới chức vô địch khi được xem là cầu thủ hay nhất thế giới lúc đó. Nhưng sau một bàn thắng ở vòng bảng, anh không thể hiện được nhiều trong thất bại trước Đức tại tứ kết. HLV Scolari cho rằng màn trình diễn của Ronaldo chịu ảnh hưởng từ sức ép truyền thông, dư luận trước tin đồn về việc anh sẽ chuyển sang khoác áo Real Madrid.
Nếu Carlos Queiroz có duyên với Ronaldo tại Man Utd bao nhiêu, bộ đôi này lại vô duyên bấy nhiêu khi Queiroz làm HLV tuyển Bồ Đào Nha. Ronaldo được chọn làm đội trưởng, nhưng trải qua tới 16 tháng liền tịt ngòi. Anh trải qua cơn khô hạn bàn thắng trong suốt vòng loại World Cup 2010 và chỉ ghi một bàn trên đất Nam Phi trước khi Bồ Đào Nha bị đội sau đó đăng quang Tây Ban Nha loại ở vòng 1/8. Khi được phỏng vấn sau trận về lý do anh chơi không như ý, Ronaldo trả lời gọn lỏn: "Đi mà hỏi Queiroz ấy". Không lâu sau, HLV này nhận trát sa thải.
Tính tới năm 25 tuổi, Ronaldo mới ghi 23 bàn từ 76 trận khoác áo Bồ Đào Nha. Sự ức chế của anh được thể hiện trong trận giao hữu với Tây Ban Nha, khi Ronaldo phẫn nộ vì bàn thắng không được công nhận. Ronaldo đã vờn bóng qua Gerard Pique và Xabi Alonso trước khi bấm bóng kỹ thuật qua đầu Iker Casillas, để rồi bàn thắng bị tước đi vì Nani băng tới đệm bóng trong tư thế việt vị. Ronaldo tin rằng bóng đá đi qua vạch vôi từ trước khi Nani chạm bóng. Anh nói: "Ngay cả người mù cũng thấy rằng đó là một bàn thắng hợp lệ, trái bóng đã qua vạch vôi cả nửa mét".
Sự ức chế dần được giải toả khi Ronaldo ghi tới chín bàn chỉ sau 11 trận đầu của tân HLV Paulo Bento. Giống năm 2006, Ronaldo giai đoạn hậu World Cup tiếp tục đạt tới một tầm cao mới với 53 bàn cho Real Madrid. Anh mang phong độ xuất sắc ở cấp CLB lên đội tuyển tại Euro 2012 với một cú đúp vào lưới Hà Lan tại vòng bảng và ghi bàn duy nhất trong chiến thắng 1-0 trước CH Séc tại tứ kết. Đến trận bán kết gặp Tây Ban Nha, Ronaldo xung phong trở thành người sút luân lưu cuối cùng như thể mong vinh quang năm 2006 trước Anh sẽ lặp lại. Nhưng cả Joao Moutinho lẫn Bruno Alves đều thất bại, khiến Bồ Đào Nha thua trận từ trước khi Ronaldo có cơ hội thực hiện trọng trách!
Sau nỗi thất vọng trên, Ronaldo đứng dậy mạnh mẽ với 10 bàn trong chín trận năm 2013 khi lên tuyển, bao gồm cả cú hattrick đầu tiên trong màu áo Bồ Đào Nha. Ký ức đáng nhớ nhất là cú hattrick siêu phàm trong màn đọ tài Zlatan Ibrahimovic, giúp Bồ Đào Nha hạ Thuỵ Điển trong cuộc đua giành vé tới World Cup 2014. Cũng trong trận đấu đó, Ronaldo chính thức cân bằng kỷ lục ghi 47 bàn cho đội tuyển của đàn anh Pauleta.
Ronaldo bước vào World Cup 2014 với tư cách đương kim Quả Bóng Vàng châu Âu và tân vô địch Champions League. Tuy nhiên, chấn thương đã khiến cầu thủ này kết thúc giải đấu với chỉ một bàn thắng trong khi Bồ Đào Nha bị loại từ vòng bảng. Một thầy phù thuỷ đăng đàn nhận mình đã có công "trù ếm" Ronaldo trước trận gặp Ghana. Dù lý do có là gì đi chăng nữa, Ronaldo vẫn có một giải đấu đáng quên khi phải nén đau ra sân. Anh thể hiện sự bực dọc: "Nếu có hai hay ba cầu thủ ngang trình độ của tôi trên tuyển, tôi sẽ thấy thoải mái hơn. Nhưng rất tiếc là không có chuyện đó. Tôi chưa bao giờ mơ tới việc vô địch thế giới, bởi chúng tôi không ở cùng đẳng cấp với đội mạnh nhất".
Đem vinh quang về quê hương
Sau thất bại của tuyển Bồ Đào Nha vắng Ronaldo vì chấn thương trước Albania ngay lượt đấu đầu tiên vòng loại Euro 2016, Paulo Bento bị sa thải. Người thay thế ông là Fernando Santos, nối lại mối lương duyên với Ronaldo sau 11 năm kể từ ngày anh rời Sporting. Sau nhiều năm, cuối cùng HLV này cũng có cơ hội xây dựng đội hình quanh Ronaldo. Đúng như kỳ vọng, Ronaldo ghi năm bàn trong bốn trận chính thức đầu tiên của Santos và Bồ Đào Nha toàn thắng phần còn lại của vòng loại. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tuyển Bồ Đào Nha bước vào một giải đấu lớn mà không cần đi qua cửa play-off.
Ronaldo một lần nữa bước vào giải đấu với tư cách tân vô địch Champions League sau khi thực hiện cú luân lưu quyết định trong trận chung kết gặp Atletico Madrid tại Milan. Nhưng Euro 2016 khởi đầu một cách tệ hại khi Bồ Đào Nha bị Iceland và Áo cầm hoà, trong khi Ronaldo sút hỏng penalty trước Iceland trong ngày anh vượt qua Figo để trở thành cầu thủ ra sân nhiều nhất lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha. Sau trận hoà kể trên, Ronaldo bị chỉ trích vì tịt ngòi và phát ngôn cho rằng Iceland thủ hoà với "tâm lý nhược tiểu". Trước trận quyết định gặp Hungary, Ronaldo thậm chí còn cầm microphone của phóng viên ném thẳng xuống hồ khi bị tiếp cận.
Sự ức chế đó được Ronaldo chuyển hoá thành phong độ trên sân, với một cú đúp giúp Bồ Đào Nha hoà 3-3 Hungary và lách qua khe cửa hẹp dù không thắng bất cứ trận vòng bảng nào. Thành viên tuyển Bồ Đào Nha năm 2016 Adrien Silva chia sẻ: "Ronaldo là một thủ lĩnh bẩm sinh, cả trên sân, trong phòng thay đồ lẫn sinh hoạt thường ngày của đội. Khi cả đội ra ngoài đi dạo, anh ấy chỉ cần vẫy tay là mọi người sẽ theo anh ấy đi về. Trước mỗi trận đấu, các đối thủ luôn thể hiện rằng họ sợ và tôn trọng anh ấy. Bạn cảm thấy mình đã có lợi thế từ trước khi bóng lăn và không nhiều đội tuyển có được cảm giác tương tự".
Bồ Đào Nha càng chơi càng tiến bộ. Họ loại Croatia ở vòng 1/8 nhờ công Quaresma trong hiệp phụ, sau khi bóng bật ra từ cú sút của Ronaldo. Đến trận tứ kết gặp Ba Lan, Ronaldo không lặp lại sai lầm năm 2012 và lĩnh ấn tiên phong, sút thành công đợt luân lưu đầu tiên và mở đường cho chiến thắng. Cả giải đấu năm đó, Bồ Đào Nha chỉ thắng trong 90 phút chính thức duy nhất một lần: trước Xứ Wales tại bán kết với một bàn và một kiến tạo của Ronaldo. Bàn thắng bằng đầu đó giúp Ronaldo sánh ngang với huyền thoại Michel Platini trong danh sách các chân sút hay nhất lịch sử Euro.
Nhưng trận chung kết được chờ đợi là sân khấu cho Ronaldo toả sáng lại sớm khép lại với anh chỉ sau 25 phút. Sau một pha vào bóng từ Dimitri Payet của tuyển Pháp, Ronaldo gặp chấn thương và ráng ra sân băng bó trước khi trở lại sân. Sau khi nhận ra mình không thể tiếp tục, cầu thủ số 7 rời sân bằng cáng trong nước mắt. Hình ảnh Ronaldo mắt đỏ hoe với chú bướm đêm đậu trên mặt là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của giải đấu.
Trước khi rời sân, Ronaldo trao băng đội trưởng lại cho Nani kèm theo thông điệp: "Hãy đeo nó và giành chức vô địch". Anh trở lại sau giờ nghỉ ở ngoài đường biên với đôi chân được băng bó. Chấn thương không khiến Ronaldo bớt đi ngọn lửa khát khao, khi chân sút này liên tục hò hét, khích lệ tinh thần các đồng đội và tỏ ra tiếc nuối trước mỗi cơ hội bị bỏ lỡ. Khi Eder chuẩn bị vào sân, Ronaldo căn dặn tiền đạo này: "Hãy mạnh mẽ lên. Cậu sẽ ghi bàn thắng quyết định".
Đó chính xác là điều Eder làm được, mang về chức vô địch cho Bồ Đào Nha sau 120 phút thi đấu căng thẳng trước tuyển Pháp được đánh giá cao hơn. Ronaldo trở thành cầu thủ Bồ Đào Nha đầu tiên trong lịch sử nâng cao một danh hiệu lớn tầm quốc tế, một khoảnh khắc "sẽ tồn tại mãi mãi mà không ai có thể lấy đi".
Tiếp tục chinh phục những kỷ lục
Sau khi bình phục chấn thương, Ronaldo ghi liền 14 bàn chỉ trong sáu trận vòng loại World Cup 2018 trước Andorra, Latvia, Hungary và Quần đảo Faroes. Tới World Cup 2018, siêu sao này cân bằng kỷ lục ghi bàn cấp độ đội tuyển tại châu Âu của Ferenc Puskas đã tồn tại nhiều thập kỷ với một cú hattrick siêu đẳng vào lưới Tây Ban Nha. Kỷ lục đó bị phá vỡ năm ngày sau với bàn thắng vào lưới Morocco.
Trong trận cuối vòng bảng gặp Iran, Bồ Đào Nha bị cầm hoà 1-1. Nếu như hai năm trước, cú sút penalty hỏng của anh trước Iceland lại thành điềm may khi đưa Bồ Đào Nha vào nhánh đấu dễ thì tới World Cup 2018, quả phạt đền thất bại trước Iran lại khiến tuyển Bồ Đào Nha rơi vào nhánh đấu tử thần với sự hiện diện của những Pháp, Bỉ, Brazil, Uruguay và Argentina. Ronaldo không còn cơ hội nâng cao thành tích sau thất bại tại vòng 1/8 trước Uruguay.
Ở tuổi 35, Ronaldo vẫn không hề cho thấy dấu hiệu của tuổi tác. Anh vẫn khẳng định mình ở những thời khắc quyết định, như cú hattrick vào lưới Thuỵ Sỹ tại bán kết UEFA Nations League 2019, dẫn dắt tuyển nhà tới chức vô địch thứ hai liên tiếp chỉ trong ba năm. Sau cú hattrick kể trên, HLV Santos ngợi ca: "Tôi đã huấn luyện Ronaldo từ năm 2003 và biết rằng cậu ấy có thể tiến xa tới đâu. Trong hội hoạ và điêu khắc có những thiên tài, và Ronaldo là một thiên tài bóng đá".
Trước trận gặp Thuỵ Sỹ, Ronaldo đã có một thời gian vắng mặt trên tuyển để giải quyết những cáo buộc về tội hiếp dâm cũng như làm quen với môi trường mới tại Juventus. Tại một môi trường mới, Ronaldo vẫn cho thấy thói quen quen thuộc: ghi bàn và chinh phục những kỷ lục. Anh giành hai chức vô địch Serie A liên tiếp, phá kỷ lục ghi bàn tồn tại gần một thế kỷ của Juventus và cân bằng kỷ lục ghi bàn 11 trận liên tiếp tại Serie A. Một trong chuỗi trận đó ghi nhận cú bay người siêu phàm khi Ronaldo đánh đầu cách mặt đất 2,56m, hạ gục Sampdoria.
Cựu danh thủ Aldo Serena của Juventus bình luận: "Cậu ấy vẫn là một vận động viên siêu phàm, với khả năng bật nhảy của một cầu thủ bóng rổ. Cậu ấy là cầu thủ hay nhất Serie A và vẫn tập luyện chăm chỉ như thể một cầu thủ trẻ chưa được ra mắt. Tại Italy, bạn không có nhiều cơ hội ghi bàn như tại Tây Ban Nha, nhưng anh ấy vẫn liên tục ghi bàn. Nó giống như một cơn nghiện và một khi anh ấy đã ghi bàn, anh ấy sẽ không đời nào dừng lại. Kể cả khi Ronaldo không hoàn toàn khoẻ mạnh vì chấn thương, anh ấy vẫn là động lực, là đầu tàu của Juventus"
Sự kỷ luật và bền bỉ của Ronaldo giúp anh vẫn chinh phục những kỷ lục mới ở tuổi nhiều ngôi sao đã treo giày. Các bài kiểm tra thể lực mới đây cho thấy Ronaldo có thể trạng của một vận động viên 28 tuổi, trong khi hãng đồ thể thao Nike khẳng định anh "có vóc dáng của một vận động viên hoàn hảo và trở thành khuôn mẫu cho những thiết kế áo" của hãng này. Tiền vệ Ruben Neves bày tỏ sự kinh ngạc: "Cái cách anh ấy tập luyện thật không thể tin nổi. Ở tuổi 35 nhưng Ronaldo như thể đang ở tuổi 27. Mọi thứ đều hoàn hảo: từ cách anh ấy tự chăm sóc bản thân cho tới ăn uống. Bạn biết rằng nếu Cristiano ra sân, anh ấy sẽ ghi bàn. Nếu chúng tôi có thể giữ trắng lưới, chúng tôi sẽ tiến gần hơn đến chiến thắng nhờ sở hữu trong tay một mãnh thú có thể ghi bàn bất cứ lúc nào".
Ở vị thế của một đàn anh, Ronaldo vẫn gần gũi với các đồng đội. Hậu vệ Ricardo Pereira của Leicester hồi tưởng: "Thật vinh dự khi được làm đồng đội của anh ấy. Ban đầu, cảm giác được đứng chung hàng ngũ với một huyền thoại thực kỳ lạ. Chỗ ngồi ăn trưa trên tuyển của tôi cách không xa anh ấy, và đôi lúc tôi tự hỏi: 'Có thật mình đang ăn chung bàn với Ronaldo hay không?'. Nhưng anh ấy vô cùng khiêm tốn, chủ động tới hỏi tôi về tình hình ở CLB và khuyên tôi hãy cảm thấy như ở nhà. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời".
Trong năm 2019, Ronaldo lập kỷ lục ghi bàn ở đội tuyển với 14 bàn sau 10 trận. Cú đúp mới đây vào lưới Thuỵ Điển khiến anh trở thành cầu thủ châu Âu đầu tiên trong lịch sử ghi được hơn 100 bàn thắng cho ĐTQG. Ronaldo đã có 101 bàn thắng sau 164 trận cùng Bồ Đào Nha, trong đó 78 bàn tới từ 89 trận gần nhất, 46 bàn chỉ trong bốn năm gần nhất khi Ronaldo đã bước qua tuổi 30.
Trong danh sách những cầu thủ ngoài thủ môn tại châu Âu, chỉ Sergio Ramos của Tây Ban Nha và Vitalijs Astafjevs của Latvia là khoác áo đội tuyển nhiều trận hơn Ronaldo. Kỷ lục thế giới hiện là 184 trận của danh thủ Ai Cập Ahmed Hassan. Nhưng Ronaldo đang nhắm tới một kỷ lục ghi bàn nhiều nhất ở cấp ĐTQG, do Ali Daei của Iran nắm giữ với 109 bàn. Pereira tin chắc rằng người đội trưởng sẽ vượt qua cột mốc đó: "Ronaldo luôn đón nhận mọi thứ rất tự nhiên và không bao giờ lo lắng hay đặt thêm áp lực lên bản thân. Đó là lý do những kỷ lục tới tấp đến với anh ấy".
Đó cũng là điều Ronaldo khẳng định: "Tôi không theo đuổi các kỷ lục, các kỷ lục theo đuổi tôi. Mọi kỷ lục đều sinh ra để bị phá vỡ và tôi sẽ vượt qua kỷ lục ghi bàn đó". Hiện tại, Ronaldo đã ghi bàn vào lưới 41 đội tuyển khác nhau. Kỷ lục 109 bàn của Daei có 16 bàn vào lưới Lào và Maldives, sáu bàn vào Lebanon và thêm 10 bàn vào lưới Sri Lanka và Nepal. Việc ghi bàn vào lưới những đội bóng cửa dưới như Lithuania hay Luxembourg khiến Ronaldo chịu không ít lời mỉa mai, nhưng anh cũng từng ghi bàn vào lưới những đội tuyển hàng đầu như Tây Ban Nha, Hà Lan, Argentina hay Bỉ, cũng như tại các vòng đấu tứ kết và bán kết Euro.
Trước khi Ronaldo ra mắt đội tuyển, Bồ Đào Nha chưa từng lọt vào chung kết một giải đấu lớn nào dù từng có những siêu sao như Eusebio hay thế hệ vàng của Figo và Rui Costa. Kể từ năm 2003, họ đã có hai lần vào chung kết Euro, một lần vô địch, cộng thêm danh hiệu Nations League đầu tiên. Ronaldo đang là huyền thoại bóng đá số một của Bồ Đào Nha và không muốn tiếp tục xếp sau Daei lâu nữa: "Tôi không thích số hai. Cá nhân tôi tự thấy mình là số một trong lịch sử".
Đó có thể là chủ đề gây tranh cãi, nhưng một khi Ronaldo vượt mốc của Daei, chỗ đứng của anh trong hàng ngũ những huyền thoại của bóng đá quốc tế sẽ ngày càng vững chắc và không ai có thể phủ nhận. 8000 cổ động viên có mặt trên sân Municipal Engenheiro Manuel Branco Teixeira tháng 8/2003 có lẽ chỉ nghĩ họ đi xem một trận giao hữu của đội nhà, chứ không biết rằng mình sẽ chứng kiến sự khởi đầu của một huyền thoại.
Thịnh Joey (theo FourFourTwo)