Messi chắc chắn là cầu thủ hay nhất thế giới hiện tại. Với nhiều CĐV bóng đá, tiền đạo của Barca thậm chí có thể vượt qua hai huyền thoại Pele và Diego Maradona trở thành ngôi sao số một của mọi thời đại, nếu anh giúp tuyển Argentina vô địch World Cup 2014.
Nhưng Messi lẽ ra không nên được chọn nhận Quả Bóng Vàng 2012, qua đó trở thành người đầu tiên trong lịch sử bốn năm liền có vinh dự này, trong đêm Gala trao giải hoành tráng của FIFA ở Zurich hôm qua.
Phần thưởng mà kỷ lục gia săn bàn của Barca nâng cao hôm qua đáng ra nên được trao cho Ronaldo, kỳ phùng địch thủ đang khoác áo Real Madrid. Các thành viên ban giám khảo Quả Bóng Vàng - những nhà báo thể thao trên khắp thế giới, HLV trưởng và thủ quân các ĐTQG thành viên FIFA - lẽ ra cần phải biết cách chế ngự "cơn nghiện Messi" khi bỏ phiếu chọn chủ nhân danh hiệu này năm nay.
Họ lẽ ra phải làm điều đó, không phải vì Ronaldo hay hơn Messi, mà vì siêu sao người Bồ Đào Nha chính là nhân tố quan trọng nhất tước đi của Messi danh hiệu tập thể quan trọng nhất trong năm 2012 - chức vô địch La Liga.
Đăng quang ở giải đấu số một Tây Ban Nha là một chiến công kỳ vỹ, xét tới những thách thức cao như núi mà Ronaldo và các đồng đội của anh ở Real Madrid phải vượt qua, bởi Messi và Barca được xem là cá nhân và tập thể hay chưa từng thấy trong lịch sử bóng đá.
Với hàng trăm triệu euro ném vào thị trường chuyển nhượng, Real đương nhiên không hề là "chú lùn David" nhỏ bé bên cạnh "người khổng lồ Goliath" Barca. Real thậm chí còn là một người khổng lồ thật sự trong thế giới bóng đá hiện tại, với tư cách đội bóng kiếm tiền nhiều nhất, luôn nuôi tham vọng ngút trời và có đủ nguồn lực để phục vụ mục tiêu thách thức các danh hiệu lớn năm này qua năm khác.
Nhưng dù thế nào đi nữa, lật đổ ách thống trị mà Barca, với cảm hứng dạt dào từ bộ ba tài hoa bậc nhất lịch sử - Xavi, Iniesta và Messi - đã xác lập suốt ba năm trước đó vẫn là một chiến tích huy hoàng.
Ronaldo, với vai trò là trung tâm trong chiến công ấy, hoàn toàn xứng đáng được trao Quả Bóng Vàng. Không có 46 bàn của anh ở La Liga, Real đừng mơ tới chấm dứt sự thống trị của Barca trên đỉnh vinh quang bóng đá Tây Ban Nha.
Bóng đá là môn thể thao, là trò chơi tập thể, nhưng trong trường hợp này, đóng góp của cá nhân Ronaldo đã góp phần quyết định làm nên thành công của tập thể Real.
Messi cũng không xứng đáng
Thành tựu lớn nhất của Messi trong 12 tháng qua là việc anh phá kỷ lục ghi 85 bàn trong một năm do huyền thoại Đức Gerd Mueller lập nên từ năm 1972. Nhưng thời điểm Messi chinh phục cột mốc đó - ngày 9/12 - vẫn là quá muộn khi các thành viên ban giám khảo Quả Bóng Vàng quyết định điền tên ứng cử viên nào vào lá phiếu của họ. Thời hạn chót FIFA và đơn vị đồng tổ chức France Football nhận phiếu bầu là hôm 15/11.
Trước thời điểm phá kỷ lục của Gerd Mueller, Messi đã vượt qua thành tích ghi 75 bàn của Pelê cho CLB Santos và tuyển Brazil trong năm 1958. Messi cũng lập kỷ lục La Liga với 50 bàn thắng và tám cú hattrick (Ronaldo chỉ có bảy). Messi cũng lập kỷ lục thế giới mới về số bàn thắng ghi được trong một mùa giải ở cấp CLB với 73 bàn từ 60 trận, phá sâu kỷ lục cũ mà Gerd Mueller lập ra từ năm 1973 với 67 bàn. Ở cấp ĐTQG, Messi cân bằng kỷ lục ghi 12 bàn trong năm của anh cho tuyển Argentina và chứng tỏ anh có thể là nhân vật chính ở World Cup trên đất Brarzil năm tới.
Nhưng bóng đá là môn thể thao tập thể mà ở đó chỉ những chiếc Cup, danh hiệu đoạt được là thước đo chính xác nhất cho thành công của các đội bóng. Xét theo tiêu chí này, ngoài những thành tựu cá nhân, Cầu thủ hay nhất thế giới trong năm, chủ nhân Quả Bóng Vàng, đáng ra phải là cầu thủ cùng đội bóng của anh ta đoạt danh hiệu tập thể quan trọng nhất năm.
Messi có lẽ không đáp ứng tiêu chí này. Chức vô địch FIFA Club World Cup 2011 rồi chiếc Cup Tây Ban Nha 2012 của anh và Barca, về tầm vóc, rõ ràng còn lâu mới sánh được với danh hiệu quán quân La Liga mà Ronaldo chinh phục cùng Real Madrid.
Messi, sau khi bỏ túi Quả bóng vàng ba năm liên tiếp trước đó, được hưởng lợi rất nhiều khi trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới bóng đá. Vị thế ấy cùng những thành tích cá nhân ấn tượng của anh dường như đã làm tất cả xem nhẹ nỗ lực, đóng góp của những cá nhân xuất sắc khác.
Nếu lấy thành tích tập thể làm kim chỉ nam xét Quả Bóng Vàng 2012, đồng đội của Messi ở Barca, Andres Iniesta cũng xứng đáng hơn. Bên cạnh những danh hiệu tập thể ở cấp CLB giống Messi, Iniesta còn nổi bật ở chi tiết anh là tuyển thủ chơi hay nhất trong đội hình Tây Ban Nha vô địch Euro 2012, kéo dài sự thống trị của tập thể này từ các kỳ Euro 2008 và World Cup 2010.
Trong tiêu chí bình chọn mà ban tổ chức Quả Bóng Vàng FIFA đặt ra, các thành viên ban giám khảo được yêu cầu cân nhắc từng ứng viên "trên phương diện hành vi, thái độ của họ trong và ngoài sân cỏ". Xét theo tiêu chí này, Messi có lợi hơn Ronaldo.
Messi không chỉ mang lại niềm vui cho người xem bằng tài ghi bàn, mà còn rất khiêm tốn, bặt thiệp và luôn tận dụng mọi cơ hội đề cao đồng đội trong các cuộc phỏng vấn. Ronaldo, ngược lại, luôn hiện lên với hình ảnh "chú công đỏm đáng". Cách anh đề cao bản thân, xem mình là trung tâm của vũ trụ có lẽ đã gây mất thiện cảm với những người bình chọn, khiến họ xem nhẹ tài năng, nỗ lực và khát khao chiến thắng cháy bỏng Ronaldo gửi gắm vào các trận đấu.
Chính Ronaldo cũng thừa nhận cá tính quá mạnh của anh không phù hợp với thị hiếu của đám đông. Nhưng liệu có bất công quá không khi chỉ vì cá tính mà anh phải chịu đứng sau Messi trong cuộc bình chọn cá nhân được chờ đợi nhất năm, dù ở khía cạnh bóng đá, Ronaldo rõ ràng có một năm ấn tượng hơn nhiều so với đồng nghiệp người Argentina?
Phương My